Theo dõi trên

Trang bị phương tiện PCCC ở cơ sở

19/08/2019, 10:03 - Lượt đọc: 36

BT- Nhiều vụ cháy trên địa bàn tỉnh gần đây diễn biến phức tạp, số vụ cháy liên tục tăng theo từng năm. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 192 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản 58.815,56 triệu đồng. Trong đó các vụ cháy nhà dân và cơ sở trong khu dân cư là 112 vụ, chiếm gần 60% tổng số vụ cháy. Chỉ có 2/192 vụ được lực lượng dân phòng cứu chữa. Nguyên nhân chính là do lực lượng dân phòng tại chỗ chưa đủ mạnh, không có trang thiết bị, phương tiện PCCC để xử lý đám cháy ngay từ khi mới phát sinh nên chỉ làm nhiệm vụ báo cháy và phối hợp bảo vệ trật tự.

Ngoài ra, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực, tổ chức phản động luôn lợi dụng các ngày lễ, các sự kiện để kêu gọi, kích động các đối tượng quá khích đốt, phá cây xăng, trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, trong đó không loại trừ các trụ sở chính quyền xã, phường, các công trình trọng điểm, do đó yêu cầu phải có lực lượng tại chỗ để xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ xảy ra. Có thể nói, lực lượng dân phòng là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia hoạt động PCCC và cứu nạn cứu hộ, giữ gìn ANTT ở khu phố, bản làng, địa bàn dân cư. Tuy nhiên, chế độ chính sách cho lực lượng dân phòng trong nhiều năm qua chưa được thực hiện, nhất là đối với những người đảm nhiệm chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng nên chưa khuyến khích động viên người tham gia vào đội dân phòng. Về trang bị phương tiện PCCC cho đội dân phòng cũng chưa được quy định cụ thể, thống nhất. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ dân phố ở các phường, thị trấn cũng là lực lượng được giao nhiệm vụ về bảo đảm ANTT, an toàn PCCC, tham gia chữa cháy như lực lượng dân phòng nhưng cũng chưa được trang bị phương tiện PCCC để xử lý các tình huống cháy nổ xảy ra trên địa bàn.

 Để chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện tại chỗ, chữa cháy kịp thời và có hiệu quả, hạn chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, rất cần thiết phải ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí thường xuyên hàng tháng cho chức danh đội trưởng, đội phó của đội dân phòng và định mức trang thiết bị PCCC cho đội dân phòng, ban bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh nếu thành lập đủ thì sẽ có 707 đội dân phòng, tương ứng với 707 thôn, khu phố, xóm, làng. Với số lượng và tình hình như trên thì kinh phí hỗ trợ và trang thiết bị PCCC cho lực lượng này sẽ rất lớn, khả năng ngân sách chưa thể đáp ứng được. Để đảm bảo thành lập đội dân phòng phù hợp với điều kiện thực tế và ngân sách địa phương hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội dân phòng, trước mắt tỉnh thực hiện như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100% đơn vị cấp xã có đội dân phòng”. Như vậy số lượng đội dân phòng sẽ có 127 đội ở 127 khu phố, thôn, xóm, làng trọng điểm đơn vị cấp xã.

Trước mắt, Công an tỉnh đề xuất trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập và hỗ trợ cho 96 đội dân phòng tại 96 xã, mỗi đội có 10 người, trong đó có 1 đội trưởng, 1 đội phó, mỗi thôn, xóm chọn 1 thành viên tham gia để nắm bắt tình hình, điều tra cơ bản tại địa bàn khu dân cư. Đối với 31 phường, thị trấn còn lại không thành lập đội dân phòng do các địa bàn này đã thành lập các ban bảo vệ dân phố theo quy định của Chính phủ. Trong nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ dân phố có quy định nhiệm vụ về bảo đảm ANTT, an toàn PCCC, tham gia chữa cháy như lực lượng dân phòng và lực lượng này đã được hưởng các chế độ, chính sách của UBND tỉnh. Như vậy, việc chi hỗ trợ cho chức danh đội trưởng, đội phó sẽ thực hiện đối với 96 đội dân phòng ở 96 xã, còn 31 Ban bảo vệ dân phố chỉ trang bị phương tiện theo quy định mức của đội dân phòng và củng cố, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và Cứu nạn cứu hộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ PCCC.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trang bị phương tiện PCCC ở cơ sở