Theo dõi trên

Tránh tình trạng được mùa mất giá

12/02/2019, 08:49 - Lượt đọc: 96

BT- Câu chuyện được mùa mất giá không phải là chuyện lạ đối với những mặt hàng nông sản nói chung và thanh long nói riêng. Thời gian qua mặt hàng nông sản được nhiều người và nhiều doanh nghiệp đã phải chung tay mua hỗ trợ nông dân, nhiều tổ chức cũng đã thuê xe đến tận nơi thu gom hàng tấn thanh long với giá cao gấp đôi, gấp ba giá bán cho thương lái rồi chở đi nhiều địa phương không có thanh long để tiêu thụ.

Được cho là “thủ phủ” của thanh long, vào khoảng tháng 10/2018, thanh long Bình Thuận mất giá mạnh, có lúc giá thanh long rớt thê thảm từ 25.000 đồng/kg nhưng chỉ sau vài ngày giá thanh long xuất khẩu được thương lái thu mua chỉ vài ngàn đồng và không mấy người mua, còn hàng dạt gần như phải đổ bỏ. Tại các vùng trồng thanh long lớn nhất của tỉnh là huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, thanh long đổ bỏ chất đống. Cùng chung tình trạng này, ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, giá thanh long cũng rớt giá thê thảm ở thời điểm này. Giá thanh long xuống thấp, nhiều nhà vườn chọn giải pháp neo trái trên cây chờ giá, nhưng giá xuống quá thấp, thậm chí không có thương lái mua, nhiều người phải chặt bỏ trái. Nhiều hộ dân sau khi thu hoạch lứa này thì bỏ mặc vườn thanh long không chăm sóc vì không đủ trả tiền điện chong đèn chưa nói đến các chi phí khác. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất giá là do thanh long chủ yếu xuất sang Trung Quốc, bên cạnh đó khi thị trường này ngưng mua thì nhà vườn phải chịu hết. Ở thời điểm này không riêng gì Bình Thuận mà các tỉnh ở miền Tây cũng được mùa thanh long, tất yếu cung sẽ vượt cầu dẫn đến tình trạng trên. Riêng Bình Thuận, diện tích trồng thanh long hiện có khoảng 27.000 ha, sản lượng bình quân 500.000 - 600.000 tấn. Từ đầu năm 2018 đến tháng 9/2018, giá thanh long ổn định, có lúc lên tới hơn 20.000 đồng/kg. Sau đó nguồn cung dư thừa, giá giảm trong khi đầu ra đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Câu chuyện này không còn là mới nhưng năm nào cũng xảy ra, việc các doanh nghiệp, cá nhân tham gia giải cứu thanh long chỉ là biện pháp tình thế trước mắt, giải pháp căn cơ và lâu dài để giải quyết dứt điểm tình trạng thanh long được mùa mất giá cần phải khảo sát và quy hoạch vùng phát triển cây thanh long trên địa bàn từng huyện, tránh tình trạng thanh long tự phát tràn lan.

Để giải quyết việc này, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là 30.000 ha bao gồm các địa phương: TP. Phan Thiết 400 ha, thị xã La Gi 1.200 ha, huyện Tuy Phong 300 ha, Bắc Bình 3.100 ha, Hàm Thuận Bắc 9.500 ha, Hàm Thuận Nam 14.500 ha và Hàm Tân là 1.000 ha. Nội dung quy hoạch đã được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các địa phương công bố công khai đến người dân. Đây cũng là định hướng của tỉnh để phát triển cây thanh long bền vững. Theo đó, từ nay đến năm 2020, chủ yếu ổn định diện tích, tập trung cải tạo để nâng cao chất lượng vườn cây sau đó mới tiếp tục mở rộng diện tích và phát triển thanh long trên đất lúa, đặc biệt là đất chuyên lúa. Bên cạnh đó sẽ nâng tỷ lệ diện tích trồng thanh long an toàn (VietGAP, GlobalGAP) đến năm 2020 đạt trên 50% và đến năm 2025 đạt trên 70%. Nâng giá trị xuất khẩu thanh long, phấn đấu đến năm 2020 các doanh nghiệp thanh long của tỉnh xuất khẩu chính ngạch đạt 20 - 25 triệu USD và định hướng đến năm 2025 đạt 50 - 60 triệu USD. Phấn đấu đến năm 2020, nâng giá trị sản xuất của ngành hàng thanh long chiếm 35 - 36% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, giá trị tăng thêm chiếm 28 - 30%. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - bình quân đầu người) ngành nông nghiệp đóng góp từ 7 - 8% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh.

Việc quy hoạch diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đã được ban hành rộng rãi, do vậy các địa phương cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền cho người dân biết và tăng cường quản lý chặt chẽ diện tích thanh long theo quy hoạch. Đồng thời để đảm bảo giá thanh long ổn định, bà con nông dân cần chú ý sản xuất phải theo quy hoạch, bố trí sản xuất rải vụ để sản lượng không tăng đột biến dẫn đến cung vượt cầu. Phải thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, người sản xuất phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp bằng hợp đồng cung ứng, bao tiêu sản phẩm… Có như vậy mới góp phần cho giá thanh long ổn định. Giá cả nông sản nói chung, trong đó có giá thanh long lên xuống theo quy luật cung cầu của thị trường, chất lượng sản phẩm hàng hóa… do vậy chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu và thực hiện, tránh tình trạng được mùa mất giá.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tránh tình trạng được mùa mất giá