Theo dõi trên

Trọng liêm sỉ và biết xấu hổ

18/12/2020, 11:26

BT- Tháng cuối cùng của năm 2020, diễn ra 2 vụ án hình sự được dư luận quan tâm: Hai bị cáo “trùm sò” của 2 vụ án này là cựu chủ tịch một thành phố lớn và một sĩ quan cấp tướng. Dù có đơn xin giảm án, được nhận án treo, nhưng họ đã phải lĩnh án tù. Lời nói sau cùng, trước khi tòa nghị án, cả 2 đều thưa quý tòa, đại thể: Tôi ăn năn,  hối hận. Tôi thành thực xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, xin lỗi người thân và đồng đội. Tôi phạm tội, ăn không ngon, ngủ không yên luôn bị mộng mị (!).

Không biết khi chấm mút, ăn tạp, ăn dơ, ở bẩn các quý vị có nghĩ ra những điều này không; có biết cuộc đời phải ăn ở như thế nào để khi ngủ không bị mộng mị; có biết trọng liêm sỉ và biết tự xấu hổ, như một lãnh đạo cấp cao đã nói - nói đi nói lại nhiều lần và đã nhắc lại thêm một lần nữa tại cuộc hội nghị toàn quốc phòng chống tham nhũng, ngày 12/12/2020, với hàng  trăm đại biểu dự họp tập trung và hàng ngàn đại biểu dự họp trực tuyến ở các đầu cầu.

Tôi còn nhớ một câu chuyện về cái sự “ngủ mộng mị” như sau: Một vụ giết người khá kỳ lạ đã xảy ra ở nước Anh. Brian Thomas, 59 tuổi bị bắt và đưa ra tòa vì tội giết vợ. Ông ta đã bóp cổ vợ mình là bà Christine, 57 tuổi đến chết, khi hai vợ chồng ông ngủ qua đêm tại một trạm đỗ xe. Ông ta đã giết vợ và hai con gái đã lớn trong tình trạng ông bố mộng du. Chính Brian Thomas đã gọi cho cảnh sát và tự thú ông là kẻ đã bóp cổ giết vợ - trong cơn mộng mị đang bóp cổ cậu bé đua xe.

Khoa học cho thấy, ngoài bệnh lý mộng du thường xảy ra đối với những người có cuộc sống không bình thường, làm điều ác, khuất tất. Để không bị mộng du - dẫn đến bóp cổ giết vợ nhưng lại thấy đang bóp cổ giết kẻ trộm, người đua xe, ngoài yếu tố sức khỏe, con người ta cần sống cho đẹp, cho vui, sống đem lại niềm vui cho xã hội và mọi người. Thường những kẻ tham ăn - nhũng nhiễu, làm điều ác thì hay bị mộng du, mộng mị. Tham nhũng chính là tham ăn, làm điều xấu, luôn sống trong tâm trạng bất an. Ví như một cựu thứ trưởng nọ, tham lam bị truy nã “đỏ” đang sống chui rúc ở nước ngoài, làm sao có tâm an, đêm ngủ bị mộng mị là cái chắc? Để cho thân tâm an lạc, hãy tránh xa sự tham lam.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 7 năm (2013 - 2020) phòng chống tham nhũng nhìn nhận và đánh giá: Kết quả phòng chống tham nhũng đạt được kết quả khả quan, xử lý nghiêm, biện pháp quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, đem lại lòng tin cho nhân dân và xã hội. 7 năm kỷ luật 131.000 đảng viên, 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, trong đó có 27 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương; 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng. 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị, 7 ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng; đã thu hồi về cho Nhà nước một khối lượng không nhỏ tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, ngoài các nhóm giải pháp về giáo dục, cải cách thể chế; nêu cao kỷ cương, kỷ luật, tăng cường công tác kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý hình sự người tham nhũng; tịch thu tài sản vì tham nhũng mà có; mỗi người cán bộ - nhất là cán bộ có chức quyền cần trọng liêm sỉ, biết tự xấu hổ nếu có lòng tham, tu dưỡng để “thân tâm an lạc”.

Xin trích lại một bài thơ của ai đó trên mạng xã hội bàn về sự buông bỏ, xin chép lại như sau: Mỗi ngày tôi tập chữ “Buông”/Buông thương, buông ghét, buông buồn, buông vui/Buông cho nó khỏe người ơi/Buông cho lòng dạ thảnh thơi nhẹ nhàng. Vậy là hãy buông đi lòng tham, đừng lấy cái của người làm của mình, cái gì không phải của mình thì hãy “buông”. Như vậy, cuộc sống sẽ có thân tâm an lạc - giấc ngủ sẽ không còn mộng mị; càng thấy cuộc đời này mới đẹp làm sao!

Quốc Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trọng liêm sỉ và biết xấu hổ