Theo dõi trên

Trong xu thế “Lót ổ đại bàng”

16/03/2021, 08:40

BT- Câu chuyện “Lót ổ đại bàng” được báo chí nhắc nhiều trong những ngày qua, sau 1 cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp trong nước khiến ai quan tâm đều phấn khởi, hy vọng. 2 khái niệm ví von như “lót ổ”, “đại bàng” trong thu hút đầu tư, có thể hình dung rằng các công ty có tầm rất lớn của thế giới đã và sẽ dịch chuyển về Việt Nam đầu tư. Điều này đã thành sự thật, khi trong tháng 1/2021  đã xuất hiện những tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực công nghệ được ví như đại bàng công nghệ đã vào đầu tư, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại một số khu công nghiệp ở các tỉnh, thành. Nổi bật như Foxconn – một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại lớn hàng đầu thế giới, chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple - chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính đến một khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang. Rồi nhà sản xuất thiết bị điện không...

Với những tín hiệu trên, cộng thêm chính sách đã hoàn thiện rõ từ Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị ban hành năm 2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó xác định chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, nên cũng dễ hiểu khi hiện tại, các tỉnh, thành đang đua nhau mở rộng các khu công nghiệp cũng như thành lập mới KCN để đón đầu cơ hội này.

Trong xu thế đó, tại Bình Thuận, từ nhiều năm qua có thể đánh giá là vùng chưa có thế mạnh về công nghiệp thì những tháng đầu năm nay, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp triển khai nhộn nhịp. Điển hình như ở Hàm Tân, nơi được quy hoạch xây dựng đến 3 khu công nghiệp có diện tích từ 300 ha đến hơn 1.000 ha gồm Tân Đức, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 nhưng đều bị kéo dài khoảng 10 - 15 năm nay thì bây giờ đang sôi động. Cả 3 khu công nghiệp đều đang được tăng tốc trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là chủ đầu tư các khu công nghiệp này đã có sự thay đổi, ít nhất là khác trước thể hiện qua những gì thấy hiện tại là đã có tiềm lực kinh tế mạnh để đền bù giải tỏa xong, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở theo quy hoạch và kêu gọi được các nhà đầu tư thứ cấp vào. Và thời điểm này, đó là lót ổ, chờ đại bàng đến, đặc biệt cả 3 khu công nghiệp này đều có khoảng cách lý tưởng với vùng công nghiệp trọng điểm phía nam. Tương tự, ở Đức Linh, Tánh Linh, các cụm công nghiệp cũng nằm trong xu thế ấy, khi hiện tại có cụm ở Đức Linh đã thu hút nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên.

Vì sao có bước chuyển ấy? Nhiều người cho rằng, vấn đề đáng chú ý là theo quy hoạch những ngành nghề kêu gọi đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều là công nghiệp hỗ trợ nên cũng dễ hiểu vì sao chưa tạo sức hút các nhà đầu tư quan tâm, liên kết để đốc thúc hình thành sớm từ nhiều năm trước. Cái chính là vì sản xuất ra những linh kiện, sản phẩm ấy sẽ bán lại cho ai, khi ngay bây giờ, tại vùng công nghiệp năng động phía nam còn lo chuyện công nghiệp hỗ trợ quá yếu. Nhưng bây giờ, khi những tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm tại Việt Nam thì nhu cầu mua linh kiện, vật liệu tại chỗ là thiết yếu. Vì vậy, có thể xem đây là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư ngành nghề thuộc công nghiệp hỗ trợ tại các khu, cụm công nghiệp tại Bình Thuận phát triển trong thời gian tới.

BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trong xu thế “Lót ổ đại bàng”