Theo dõi trên

Từ căn cứ địa đến khu nông nghiệp công nghệ cao

21/04/2017, 07:43 - Lượt đọc: 6

BT- 1. Trong 30 năm chiến tranh giải phóng, khu căn cứ địa Lê Hồng Phong của Bình Thuận nổi tiếng bởi sự khô hạn và ác liệt bậc nhất. Sống trong hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt cả thiên tai và địch họa, nhưng quân và dân khu Lê vẫn luôn hướng về Đảng, Bác Hồ, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ trường kỳ kháng chiến: không có nước thì uống nước bộng cây, địch phá hoại hoa màu thì đào củ rừng để sống, có khi địch bao vây triệt các nguồn nước, một bi đông nước phải đổi bằng máu. Những ngày “tắm nắng, giặt khô” ở rừng Ô Rô đã thành huyền thoại và là kỷ niệm khó phai với những ai từng sống và chiến đấu ở đây.

Hệ thống nước Khu Lê

Hơn 40 năm sau giải phóng, người dân khu Lê không nguôi khao khát một dòng kênh xanh đầy ắp nước ngọt chảy về tưới mát vùng sa mạc cát, như một lời tri ân sâu nặng với các thế hệ cách mạng đã ngã xuống bảo vệ mảnh đất này. Những ngày đầu năm 2017, khát khao cháy bỏng ấy của người dân khu Lê đã thành hiện thực. Dự án cấp nước khu Lê Hồng Phong đã hoàn thiện, con kênh dẫn nước dài 27km uốn lượn chảy về sa mạc cát trong nỗi vui mừng của đất và người khu Lê.

Không chỉ đền ơn đáp nghĩa, dòng nước mát chảy về sa mạc cát khu Lê mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển nông nghiệp, du lịch, thay đổi tư duy sản xuất, tập quán làm ăn bao đời của người dân nơi đây. Tỉnh Bình Thuận đang đề xuất Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Thủ tướng Chính phủ thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lê Hồng Phong tại huyện Bắc Bình, với quy mô 2.000 ha. Trước mắt khi nước đã về có thể phát triển ngay đồng cỏ ở khu Lê phục vụ dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt vừa khởi công tại xã Sông Bình (Bắc Bình). Thủy lợi đang mở cơ hội biến căn cứ địa nổi tiếng khắc nghiệt năm xưa trở thành một vùng xanh tươi trù phú.

2. Bình Thuận trước đây là 1 trong 2 tỉnh khô hạn nhất Việt Nam (cùng với Ninh Thuận), luôn luôn thiếu hụt nước sinh hoạt, chăn nuôi và trồng trọt, kinh tế - xã hội  cũng khó phát triển, nhiều vùng bị sa mạc hóa.

25 năm sau tái lập tỉnh (4/1992 - 4/2017), diện tích gieo trồng được tưới chủ động từ 8,4% nay đã tăng lên 80%. Các đô thị không còn thiếu hụt nước sinh hoạt vào mùa khô như trước. 283 công trình thủy lợi lớn - nhỏ được xây dựng cùng nỗ lực “nối mạng thủy lợi” đã tạo ra sự liên thông giữa các hồ chứa và hệ thống kênh mương tỏa khắp các vùng sản xuất giúp nông dân thâm canh, tăng vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch - dịch vụ cũng thuận lợi hơn khi Bình Thuận giải được bài toán khó về nước.

42 năm sau giải phóng, dù đã có những thành tựu vượt bậc trong làm thủy lợi, nhưng Bình Thuận vẫn phải có kế hoạch, giải pháp tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả nhất, phát triển cây trồng vật nuôi theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện nắng, gió và biến đổi khí hậu gay gắt. Cùng với tranh thủ Trung ương để xây dựng thêm các công trình thủy lợi, Bình Thuận cần tiếp tục kiên cố hóa kênh mương, chống thất thoát lãng phí nguồn nước quý giá này. 

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ căn cứ địa đến khu nông nghiệp công nghệ cao