Theo dõi trên

Viết cho ai, viết để làm gì?

12/06/2019, 10:42

BTO- Ngày 1/6/2019, tại Hà Nội, trước giờ lên đường bay sang Thái Lan dự “Kings Cup 2019”, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo họp báo. Lần đầu tiên, ông Park đã cáu với giới truyền thông: Tôi không hiểu ở Việt Nam có 3 ngàn hay 3 triệu phóng viên mà ai cũng nêu ra danh sách thành viên đội tuyển, ai cũng muốn mình là huấn luyện viên trưởng (?). Dù ông Park chỉ là một huấn luyện viên trưởng bóng đá, nhưng sự nặng lời của ông rất đáng để người làm truyền thông suy ngẫm, vì sao?

Nhân chuyện này, một lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam giải bày: Nhà báo có quyền thông tin, bình luận về bóng đá nói chung, về đội tuyển quốc gia nói riêng, nhưng nên có sự “thận trọng” cần thiết, bởi đằng sau một sự kiện có thể còn bao nhiêu ẩn số. Nếu can dự quá sâu, phán xét - bình luận nặng nề khi chưa thông tỏ, chưa hiểu hết sự tình trước các quyết sách của một huấn luyện viên trưởng giàu kinh nghiệm, e rằng sẽ không “chuẩn mực” trong định hướng dư luận, gây tâm lý “dè chừng” đối với cầu thủ, với chính huấn luyện viên.

Với kết quả giải bóng đá giao hữu truyền thống Cup Hoàng gia tại Thái Lan cho thấy đội tuyển Việt Nam đã chơi bóng tốt, giành thắng lợi đẹp, hoàn thành mục tiêu; các quyết sách của ông Park, trong bối cảnh cụ thể là “tuyệt chiêu”.

Truyền thông Đông Nam Á đánh giá đội tuyển bóng đá Việt Nam và cá nhân huấn luyện viên trưởng Park Hang Seo những lời có cánh: “Việt Nam xứng đáng ngôi vương số một khu vực”, “Ông Park là huấn luyện viên trưởng tài ba, không thể không ngã mũ bái phục”; “Một số bài viết của truyền thông (trong đó có truyền thông Việt Nam) trước giải đã có sự chỉ trích chủ quan, khi nhận xét các quyết định của ông Park”. Từ vụ truyền thông “giải bóng đá nhà vua” ở Thái Lan, các nhà báo - trong đó có các nhà báo viết về thể thao có thể rút tỉa thêm những kinh nghiệm, bài học nghiệp vụ - bài học tác nghiệp cần thiết.

Đảng và Nhà nước, công chúng báo chí đánh giá cao vai trò to lớn, vị trí thiết yếu của báo chí và đội ngũ hùng hậu các nhà báo, những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Báo chí góp phần quan trọng, cổ vũ, tổ chức hành động trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Báo chí nước nhà đã luôn đi tiên phong cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. 

Nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh đã có những bước tiến vượt bậc, sự lớn mạnh cả về loại hình báo chí, đội ngũ, công nghệ làm báo, chất lượng thông tin. Những gì Người dạy về vai trò, chức năng, trách nhiệm của báo chí và người làm báo, ngày nay đã là kinh điển.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, phát triển, bên cạnh mặt phát triển, mặt tốt là dòng chủ lưu, nét chủ đạo, cơ bản, có một bộ phận báo chí và người làm báo còn biểu hiện lệch lạc, chạy theo xu hướng thương mại hóa, thông tin thiếu khách quan, không trung thực, thông tin nặng về mặt tiêu cực, yếu kém; vi phạm đạo đức nghề nghiệp; một số người làm báo có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sử dụng mạng xã hội thiếu văn hóa, không chuẩn mực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí của họ”. Nói chuyện với các nhà báo, Người đặt ra 3 câu hỏi: “Báo chí là của ai? Ta viết cho ai? Viết để làm gì?”. Sau đó mới: Viết như thế nào?”.

Lời dạy của Người đối với người làm báo và nền báo chí cách mạng, dù đã trải qua nhiều năm tháng, đến nay vẫn nguyên giá trị. Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, hơn lúc nào hết, mỗi người làm báo càng phải luôn luôn tự tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, trui rèn năng lực nghiệp vụ; nâng cao bản lĩnh chính trị, vững vàng trước mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Bình Thuận, vùng biển cực Nam Trung bộ, nơi có truyền thống văn hóa - báo chí, hoạt động báo chí sôi động; cũng là quê hương của nhiều cây bút tài danh. Bình Thuận đang là địa phương có đội ngũ những người làm báo hội đủ 2 yếu tố đức và tài - đức là phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tài là trình độ, năng lực nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp.

Không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và tác phong báo chí Hồ Chí Minh. Đó là trách nhiệm, là bửu bối, là chìa khóa để báo chí Bình Thuận, báo chí cả nước vươn lên ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng với lời nguyền: “Bút sắc - lòng trong - tâm sáng”, hướng tới xây dựng nền báo chí Việt Nam cách mạng - chuyên nghiệp - hiện đại - nhân văn .

QUỐC TOÀN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viết cho ai, viết để làm gì?