Theo dõi trên

Vừa ích nước vừa lợi nhà

11/06/2019, 09:32

BT- Dự báo, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và các giai đoạn sau đó, đến năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước. Hiện nay nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí và thủy điện đang cạn kiệt, do vậy việc khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời là hướng đi tất yếu đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo EVN, tiềm năng bức xạ mặt trời nước ta rất lớn, ước tính có thể phát triển điện mặt trời lên đến 340.000 MWp. Gần đây, với chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, rất nhiều dự án nguồn điện mặt trời đã được triển khai đầu tư xây dựng, tập trung tại các tỉnh có tiềm năng cao như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lăk, Tây Ninh, Khánh Hòa... Tuy nhiên với quy mô một dự án điện mặt trời từ 50 MW  - 200 MW cần đến diện tích đất khá lớn khoảng 60 - 100 ha. Ngoài ra, do việc phát triển ồ ạt điện mặt trời trên một số địa bàn nhất định đã gây nguy cơ quá tải lưới điện và mất an toàn trong vận hành hệ thống điện.

Trước thực trạng trên, điện mặt trời áp mái chính là giải pháp đặc biệt hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bởi tính ưu việt của nguồn điện này là đấu nối thẳng vào lưới điện hạ thế đã có sẵn của EVN. Được biết, đến đầu tháng 5/2019, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã có trên 1.200 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, với sản lượng điện phát lên lưới đạt khoảng 3.200.000 kWh. Tại TP. Hồ Chí Minh có 1.379 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt 16,68 MW. Bình Thuận hiện cũng đang phát triển khá mạnh, một lãnh đạo Công ty điện lực Bình Thuận cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 80 hộ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, với công suất khoảng 616 kWp.

Kế hoạch phát triển điện mặt trời của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) sẽ triển khai đầu tư nguồn điện mặt trời tại Côn Đảo và Phú Quý; hoàn thành lắp đặt 13 MWp công suất điện mặt trời áp mái tại các đơn vị điện lực và trạm biến áp trước ngày 30/6/2019 và hoàn thành chỉ tiêu lắp đặt 95 MWp điện mặt trời trên mái nhà của khách hàng đến cuối năm 2019.  Mục tiêu của EVNSPC là đạt 100% cơ sở điện lực có lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và vận động khách hàng lắp đặt tối thiểu 95 MWp công suất nguồn điện này trong năm 2019.

Nếu điện mặt trời lắp mái triển khai rộng rãi sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả người tiêu dùng và xã hội. Điện mặt trời áp mái dễ dàng đầu tư, lắp đặt nhanh chóng, sửa chữa, bảo dưỡng; quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa - huy động các nguồn vốn; không tốn diện tích đất mà còn giúp nhà mát hơn về mùa hè. Mặt khác, nó bảo đảm không phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, khách hàng lại được hưởng tiền chênh lệch từ giá mua bán điện. Nghĩa là mua điện theo giá bậc thang quy định và bán điện với cơ chế giá ưu đãi. Còn về phía nhà nước, ngành điện giảm được gánh nặng tài chính để đầu tư xây dựng thêm nguồn điện, địa phương không lo quy hoạch đất cho năng lượng tái tạo.

Từ những lợi ích thiết thực, hiện EVN đang khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về giá mua điện lẫn chuyên môn kỹ thuật và cung cấp trang thiết bị điện mặt trời áp mái. Với chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời áp mái là một hình thức mới, ưu việt “vừa ích nước vừa lợi nhà” dự báo có thể phát triển vượt bậc trong tương lai.

Thế Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vừa ích nước vừa lợi nhà