Theo dõi trên

Xây dựng mô hình nông thôn xanh, sạch, đẹp và an toàn

21/11/2019, 09:59

BT- Môi trường nông thôn luôn giữ vai trò là vành đai xanh đối với đô thị, góp phần cân bằng sinh thái giữa vùng nông thôn và thành thị. Các hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường ở nông thôn đã đem lại diện mạo mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Không những thế, môi trường nông thôn còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, đã góp phần nâng cao cơ sở vật chất, hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu trong trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các làng nghề tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đã và đang đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Những thách thức trong các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường nông thôn bao gồm: hoạt động dân sinh; hoạt động trồng trọt và lâm nghiệp; hoạt động chăn nuôi; hoạt động của làng nghề; hoạt động phát triển công nghiệp… Từ những hoạt động trên cho thấy, ô nhiễm môi trường nông thôn đã và đang trở thành vấn đề cấp bách. Nhận thức được vấn đề đó, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh chú trọng nhiều hơn. Công tác quản lý và phát triển nông nghiệp, nông thôn đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng thông qua Nghị quyết tam nông. Theo đó, những nhiệm vụ quan trọng đã được đặt ra bao gồm: Củng cố và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, nhất là cấp huyện, xã và các lĩnh vực khác ở nông thôn. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức xã. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn. Ở cấp địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý môi trường của địa phương, trong đó bao gồm trách nhiệm quản lý hoạt động bảo vệ môi trường của khu vực nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương, trách nhiệm này còn được quy định phân cấp quản lý đến cấp huyện, xã. Tuy nhiên, quản lý môi trường nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Những tồn tại, bất cập đó là, công tác quản lý môi trường nông thôn còn đan xen, thiếu đơn vị đầu mối quản lý, thiếu sự thống nhất, không rõ trách nhiệm của đơn vị đầu mối. Trách nhiệm, năng lực của đơn vị quản lý và thực thi chưa cao, số lượng cán bộ hạn chế ở các đơn vị quản lý, ở cấp xã, cán bộ môi trường hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được quan tâm trong đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn nên khó phát huy được hiệu quả công tác. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng nông thôn chưa được cải thiện.

Để có những giải pháp về vấn đề môi trường nông thôn, đòi hỏi phải có sự hoàn thiện về chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Phải rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nhóm tiêu chí về môi trường để phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi. Kiện toàn bộ máy thực thi công tác bảo vệ môi trường các cấp, sắp xếp, bố trí lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường cấp huyện, cấp xã, bảo đảm đủ năng lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các địa phương một cách hiệu quả. Huy động nguồn tài chính, tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn nói chung và cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nói riêng. Tăng cường khâu kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong thực thi công tác bảo vệ môi trường, có quy chế kiểm tra giám sát và cần nâng cao ý thức của từng người dân tham gia bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả triển khai chương trình quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đặc biệt là cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, giáo dục cộng đồng bằng các phương tiện truyền thông đa dạng, phong phú, truyền thông về trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý chất thải…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng mô hình nông thôn xanh, sạch, đẹp và an toàn