Theo dõi trên

Xin việc phải có tiền “bôi trơn”

09/04/2018, 08:15

BT - Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam vừa được công bố mới đây cho thấy, tình hình tham nhũng không tệ hơn song hiệu quả kiểm soát tham nhũng cũng không được cải thiện đáng kể.

Từ trải nghiệm cá nhân của người dân, tỷ lệ người dân phải đưa hối lộ mới có được việc làm ở cơ quan công quyền năm nay có giảm (48%), năm trước là 54%.

Thậm chí, cảm nhận của người dân về những hiện tượng tham nhũng trong khu vực công, dường như mức độ nhũng nhiễu, vòi vĩnh hiện nay tinh vi, kín đáo hơn những năm trước. Tỷ lệ người dân cho rằng tham nhũng và hối lộ tồn tại ở cấp chính quyền địa phương, trong một số dịch vụ hành chính công và dịch vụ công căn bản có xu hướng tăng. Hiện tượng phải đưa tiền “bôi trơn” để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất, khi có tới 48% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng có hiện tượng đó ở địa phương nơi họ sinh sống.

Cuộc sống của mỗi con người đều gắn với việc làm, ai cũng mong muốn có việc làm, nhưng xin vào cơ quan nhà nước không hề dễ. Để trở thành công chức nhà nước là ước mơ của rất nhiều người. Ngoại trừ các nhân tố thật sự xuất sắc, giỏi, có người đỡ đầu, quan hệ tốt thì trơn tru trên con đường xin việc. Còn không, rất nhiều điều cùng với lý do không thể kể ra hết mà ai đã từng đi xin việc đều phải biết. Lùm xùm mới đây nhất chính là hiện tượng giáo viên ở một tỉnh Tây nguyên phải chi hàng trăm triệu đồng để có “chỗ” làm. Đã có nhiều nơi tổ chức thi tuyển để đảm bảo công khai minh bạch, nhưng trớ trêu thay việc thi cử từ đậu thành rớt qua phúc khảo khiến dư luận mất niềm tin ở một số hội đồng coi thi của các tỉnh, thành. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận râm ran từ lâu, muốn “ngồi” vị trí nào, chức tước gì cũng đều có giá của nó, có lẽ không phải là cá biệt. Đâu đó vẫn xảy ra hiện tượng tiêu cực, thông đồng để cả người có thẩm quyền và người cần việc làm đạt mục đích cá nhân của mình. Cái thiệt, cái thua thuộc về Nhà nước và người dân khi phải nộp thuế nuôi báo cô các vị công bộc này. Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ người trả lời đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 23% năm 2016 xuống còn 17% năm 2017, và tỷ lệ người trả lời cho biết họ đã phải hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện, quận giảm từ 17% năm 2016 xuống còn 9% năm 2017. “Đánh giá của người dân cho thấy hiện tượng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi đưa hối lộ của cán bộ, công chức có thuyên giảm so năm 2016”.

Đáng lưu ý, báo cáo cũng chỉ ra một thực tế rằng, tỷ lệ người dân phải đưa tiền “bôi trơn” khi xin việc làm trong khu vực công vẫn cao. Một dấu hiệu không tích cực nữa là sự chuyển biến ở địa phương không thực sự nhiều. “Cảm nhận của người dân rằng, tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm có thể do tác động của truyền thông đại chúng về các vụ việc tham nhũng lớn được đưa ra ở cấp Trung ương hơn là từ nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương. Đây cũng là khía cạnh cần nghiên cứu thêm trong thời gian tới”, báo cáo phân tích và nhận định. Ngoài ra, báo cáo của PAPI cũng chỉ ra một vài điểm sáng trong công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam. Số người được hỏi cho rằng cán bộ chính quyền tỉnh, thành phố nơi họ sinh sống đã nghiêm túc trong đấu tranh chống tham nhũng, cao hơn so năm 2016.

PAPI là kết quả nghiên cứu chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ và UNDP đồng tài trợ cho nghiên cứu xây dựng chỉ số PAPI từ năm 2011 đến nay. Chỉ số PAPI đo lường 6 lĩnh vực nội dung, bao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công.

Từ năm 2011 đến nay, khảo sát PAPI được thực hiện thường niên trên phạm vi toàn quốc. Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2017 tổng hợp ý kiến của hơn 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên trên toàn quốc. Chỉ số PAPI được công bố hàng năm sẽ giúp chính quyền các tỉnh, thành phố có chính sách hoạch định, cải thiện những lĩnh vực còn yếu, thúc đẩy địa phương phát triển bền vững.

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xin việc phải có tiền “bôi trơn”