Xóa nhòa ranh giới
Xóa nhòa ranh giới
BT -
Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng, dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN -12607: 2019 về
quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường
nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) soạn thảo cũng đã tạm dừng.
Những lời thật lòng nhất, những lo sợ, quan ngại xung quanh nội dung dự thảo này
đã cho thấy cuộc chiến giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp vẫn âm
ỉ lâu nay chưa dứt, sau vụ lùm xùm hàm lượng Asen. Và câu chuyện cần phân biệt
rạch ròi giữa 2 loại nước mắm này lại được dịp xới lên, theo hướng nước mắm
truyền thống cần được xây dựng quy chuẩn riêng, để bảo tồn nghề truyền thống vốn
dĩ đã chịu mai một, dù đã có thương hiệu từ lâu.
Với
nước mắm Phan Thiết, thương hiệu này đã trải qua thời gian vài thế kỷ nhưng bây
giờ, nhìn lại chỉ để hỏi rằng làm sao được như xưa. Quy luật “rẻ thì đắt hàng”
cộng thêm sự dễ dãi của người tiêu dùng đã khiến nước mắm công nghiệp chiếm lĩnh
thị trường. Nước mắm truyền thống bị thua trên sân nhà kéo dài nhiều năm. Nhưng
theo thời gian, khi người tiêu dùng bớt dễ dãi hơn, có nhu cầu tiêu thụ những
sản phẩm làm ra sạch, tương tự thời ông bà thì đó cũng là khi nước mắm truyền
thống Phan Thiết được vực dậy, được ổn định. Số liệu cho thấy hiện ở Phan Thiết
có 100 cơ sở làm nước mắm truyền thống, trong khi con số là thành viên Hiệp hội
Nước mắm Phan Thiết đang có khoảng 40. Hình như chưa đủ, vì thực tế những hộ gia
đình làm nước mắm ở Phan Thiết không ít, có thể hình thành nhiều làng nghề nhưng
không thể thống kê chính xác. Chính lực lượng hộ gia đình làm từ vài mái đến vài
chục mái nước mắm tại nhà này, ủ mắm cả năm, chỉ có cá và muối, không hóa chất
này đã cung cấp sản phẩm cho thị trường theo kiểu “vết dầu loang”. Âm thầm và
chậm, dù mấy năm gần đây, người tiêu dùng chuộng mua sản phẩm từ niềm tin qua bà
con, bạn bè giới thiệu nhiều. Trong khi đó, các công ty sản xuất nước mắm công
nghiệp với trình độ quảng cáo sản phẩm chuyên nghiệp, hệ thống phân phối dày đặc
và quá trình sản xuất sản phẩm chóng vánh như một chuyên gia nhận định: “Với 10
bể, 1 ngày các doanh nghiệp có thể tạo ra 100.000 lít nước mắm” thì không thể sử
dụng chung quy chuẩn.
Điều
đó, với người tiêu dùng còn mông lung, vì sản phẩm nào quảng cáo nghe đều chất
lượng nhưng người trong nghề thì quá rõ. Nhưng vì sao những người trong nghề này
lại muốn tác động chính sách để xóa nhòa ranh giới phân biệt đó, thì ai cũng
hiểu vấn đề. Sau cuộc chiến về hàm lượng Asen, đến cuộc chiến này thì vấn đề
càng phức tạp hơn. Và chỉ có nước mắm truyền thống chịu tổn thương nhiều, khi
thông qua sản phẩm là chữ tín, đạo đức nghề nghiệp, là nghề truyền thống phải
giữ gìn tiếp nối theo lời của cha mẹ, của ông bà căn dặn. Điều mà người sản xuất
nước mắm truyền thống cần lúc này là phải phân định rõ sự khác biệt giữa quy
trình và điều kiện sản xuất nước mắm thật – hay còn gọi nước mắm truyền thống và
nước mắm pha chế công nghiệp bằng giấy trắng mực đen chứ không dừng ở hiểu biết
bất thành văn như lâu nay. Tương tự như rau quả chẳng hạn, vì sao có những khái
niệm rau an toàn, rau VietGAP, rau hữu cơ, vì chúng đã có cụ thể quy trình sản
xuất riêng, từ đó sẽ ra sản phẩm với khái niệm riêng và cũng có giá cả riêng.
Nước mắm truyền thống Phan Thiết với thương hiệu nổi tiếng lâu nay và chất lượng
bảo đảm sức khỏe tốt cho người sử dụng xứng đáng được như vậy.
Bích Nghị