Theo dõi trên

Xử phạt nặng mới đủ sức răn đe

08/01/2020, 09:44 - Lượt đọc: 36

BT- Nghị định số 100, về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực chỉ sau đó 2 ngày, tức ngày 1/1/2020. Đây là nghị định quy định mức phạt các lỗi giao thông, trong đó quy định mức phạt rất nặng đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt mức quy định, mức phạt này được nhiều người dân đồng tình ủng hộ, bởi lẽ thời gian vừa qua tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia gây ra rất lớn. Và chỉ sau 2 ngày (từ ngày 1 đến ngày 2/1/2020) ra quân thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, xử phạt hành chính số tiền hơn 816 triệu đồng.

Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia gây tai nạn giao thông hết sức phức tạp. Từ các vụ tai nạn giao thông cho thấy, sau khi đã uống rượu, bia, người điều khiển phương tiện giao thông thường chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường...  Thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống rượu, bia là rất lớn. Bên cạnh đó, số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức đáng báo động. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có hàng chục ngàn vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền phòng, chống vi phạm nồng độ cồn chưa có hiệu quả do thói quen uống rượu, bia của người dân khá phổ biến, đặc biệt vào mỗi dịp lễ, tết. Những kỳ nghỉ dài ngày là cơ hội để bạn bè tụ tập, anh em gặp nhau thì đa phần đều sử dụng rượu, bia và tất nhiên hậu quả của nó là những hành vi khó kiểm soát do đã say xỉn dẫn đến những tai nạn thương tâm. Người Việt Nam chúng ta có thói quen lạm dụng rượu, bia trong bữa ăn hàng ngày hay liên hoan, tiệc tùng… gây tác hại rất lớn cho sức khỏe con người. Đây cũng là một trong những trở ngại đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Luật Giao thông đường bộ quy định: Cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia đối với lái xe ô tô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người đi xe gắn máy. Đồng thời, Nghị định 34 của Chính phủ cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, cụ thể là: Phạt từ 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc 0,4 mg/1l khí thở; phạt từ 2 - 3 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80 mg/100ml máu hoặc 0,25 đến 0,4 mg/1l khí thở. Nhưng Nghị định 100 của Chính phủ thì mức xử phạt còn tăng cao hơn rất nhiều, cụ thể là: Đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người lái xe ô tô từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Đối với người chạy xe máy, phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Mức phạt người đi xe đạp, xe thô sơ vi phạm từ 400.000 - 600.000 đồng.

Ngoài tai nạn giao thông, rượu, bia còn là thủ phạm gây ra một số bệnh như tim mạch, rối loạn tiêu hóa, tổn thương gan, ung thư… chưa kể sử dụng rượu, bia còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội như bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn vấn nạn rượu, bia nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, trước hết phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông kết hợp với sự giáo dục của các cấp, ngành, các đoàn thể, nhà trường và gia đình để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tham gia giao thông của cộng đồng, đặc biệt là với thanh niên. Đồng thời phải có những biện pháp, chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm Luật An toàn giao thông. Bên cạnh chế tài, cần phải xử phạt nghiêm khắc và chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử phạt nặng mới đủ sức răn đe