Theo dõi trên

Ðổi rác thải nhựa lấy khẩu trang

29/10/2021, 08:22 - Lượt đọc: 54

BT- Theo báo chí phản ánh thì cứ chiều chiều là người dân ở khu vực bãi biển khu phố 4, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết lại hồn nhiên, vô tư mang rác ra đổ xuống biển. Đủ loại rác thải sinh hoạt (cả động vật chết đang phân hủy) khiến cả đoạn bãi biển ở đây bị ô nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối không ai chịu nổi. Tình trạng ăn ở thiếu vệ sinh này đã kéo dài, dẫn đến dịch bệnh lây lan. Ngay trong đợt dịch Covid-19 dai dẳng hiện nay, Phú Hài cũng đang là một “vùng đỏ” của TP. Phan Thiết.

Thực ra, việc dân cư ven biển hàng ngày đổ rác thải xuống biển không phải là hiếm gặp, hay xảy ra mới đây. Nếu đi dọc bờ biển Bình Thuận sẽ gặp nhiều bãi rác lộ thiên, có nơi kéo dài vài trăm mét. Đủ loại rác thải sinh hoạt bị tống thẳng xuống biển, để rồi không lâu sau đó phần lớn lại theo những con sóng trôi dạt tấp vào bãi biển, làm ô nhiễm môi trường sống của chính những người dân biển. Cảnh những đứa bé hồn nhiên vui chơi trên bãi biển đầy rác làm ai cũng “xót” con mắt.

Không chỉ ở các khu dân cư ven biển, ở khu vực Làng Chài tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né (nơi du khách thường ghé vào chụp ảnh vì có cảnh thuyền và biển rất đẹp) thì bãi biển cũng biến thành một bãi rác đủ loại, cả rác từ ngoài biển tấp vào và bà con ngư dân cạy sò ốc đổ ra. Rất may là sau khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương đã đưa phương tiện, lực lượng tới thu dọn sạch sẽ khu vực Làng Chài, nhưng không biết sau đó thì sao?

Việc dân ta còn hồn nhiên, vô tư hàng ngày vứt rác ra biển, đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” của Bình Thuận, khiến du khách ngao ngán một đi không trở lại. Nhiều tổ chức - đoàn thể yêu môi trường biển, hàng năm đều tổ chức ra quân tình nguyện đi thu gom rác, làm sạch bãi biển. Nhưng chỉ sạch sẽ được ít ngày rồi lại ngập rác.

Tỉnh ủy Bình Thuận vừa thông qua nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, trong đó đã xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, là 1 trong 3 trụ cột kinh tế. Phải bảo vệ bằng được môi trường biển thì mới phát triển bền vững, để biến Khu du lịch quốc gia Mũi Né thành “Một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

2 năm dịch Covid-19 hoành hành, cái gì cũng “bán mang về”, “ship tận nơi”, nên lượng rác thải nhựa gia tăng chóng mặt. Nào hộp xốp, túi ni lon, chai nhựa, ống hút, ly, muỗng, dĩa nhựa dùng một lần… trong đó một lượng lớn không được thu gom, tiêu hủy mà thải ra sông biển, kênh rạch, đất cát. Trong khi phải mất hàng trăm năm một túi ni lon hay chai nhựa mới phân hủy được. Nhiều tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên trong tỉnh đã phải phát động phong trào “Đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang y tế”, nhất cử lưỡng tiện, vừa khuyến khích bà con đi thu gom rác thải nhựa, mang đến đổi lấy khẩu trang y tế phòng chống dịch.

Và điều quan trọng nhất là góp phần thay đổi ý thức của người dân - điều quan trọng nhất trong bảo vệ môi trường hiện nay.  

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ðổi rác thải nhựa lấy khẩu trang