Theo dõi trên

65 năm Ngày Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: Điện ảnh Bình Thuận đồng hành cùng đất nước

14/03/2018, 08:53

BT- Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, đây cũng là ngày chính thức thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (ĐACMVN), với 4 nhiệm vụ: Tuyên truyền chủ trương chính sách của Chính phủ; nêu cao những thành tích, những gương đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam; giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh, kiến thiết của nhân dân các nước bạn và giáo dục văn hóa, chính trị cho nhân dân.

                
   
   Đêm Dạ hội điện ảnh ở vùng cao và tuyên    truyền Luật giao thông do Trung tâm PHP và chiếu bóng tổ chức.

Điện ảnh Đồi cọ

Ra đời trong khói lửa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, vào các năm 1946 – 1947 những thước phim đầu tiên của ĐACMVN xuất hiện gắn liền với đam mê và nhiệt huyết cách mạng của các nhà quay phim, nhiếp ảnh, điện ảnh. Nhà hoạt động văn hóa nghệ sĩ Phạm Văn Khoa được giao trọng trách đứng đầu Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (gọi tắt Doanh nghiệp Chiếu bóng). Khu Đồi cọ ở Bản Bắc, xã Điềm Mạc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, từ đó được coi như cái nôi của ĐACMVN. Tại chính khu rừng cọ Bản Bắc, trước ngày thành lập Doanh nghiệp Chiếu bóng quốc gia, cuối năm 1951 có một cuộc hội tụ của những người kháng chiến hoạt động về điện ảnh ở chiến khu Việt Bắc và Nam bộ thành đồng Tổ quốc, với sự hiện diện của các gương mặt tiêu biểu của điện ảnh kháng chiến Nam bộ là Nguyễn Phu Cấn, Võ Thành Tắc, Nguyễn Công Sơn, Lê Minh Hiền, Nguyễn Thế Đoàn và nhà quay phim, nhiếp ảnh kiêm đạo diễn Mai Lộc. 3 năm sau, tổ chức điện ảnh được tách làm hai bộ phận: Xưởng phim Việt Nam và Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng Việt Nam. Các chi nhánh tiếp tục được mở rộng ra các tỉnh, thành và hoạt động đến thời kỳ đổi mới. 

Điện ảnh bưng biền

Ngược dòng thời gian trở về trước, trong đợt triển lãm mít tinh mừng kỷ niệm 2 năm ngày độc lập (2/9/1947), tại chợ Thiên Hộ - Đồng Tháp, đồng bào, chiến sĩ hoan nghênh những hình ảnh của nhà nhiếp ảnh Mai Lộc chụp được như: Chiến thắng đồn Vàm Nước trong, trận Dòng Dứa ghi lại các tội ác dã man của thực dân. Khi xem triển lãm, Chính ủy Khu 8 Nguyễn Văn Vịnh ghi chú: “Nếu những hình ảnh này mà cử động được thì tác dụng của nó sẽ vô cùng to lớn, động viên đồng bào và chiến sĩ ta”. Những lời của Chính ủy Khu 8 như kích thích, mở đường cho điện ảnh xứ bưng biền ra đời. Hơn một tháng sau đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 ra quyết định thành lập Tổ nhiếp ảnh điện ảnh trực thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Quân khu. Chiến tranh ác liệt, điều kiện kinh tế khó khăn, máy móc, vật dụng mua ở nội thành rồi chuyển ra. Trong một lần bị địch phục kích, chiếc máy quay 16 ly đầu tiên bị rơi xuống sông, tổ in tráng vừa hoàn chỉnh việc thiết kế thủ công thì bị địch nhảy dù lấy hết phim nhựa, máy móc, dụng cụ…Thôi thì lại phải từ đầu dù vô cùng thiếu thốn, hiểm nguy rình rập. Vậy mà ở cái buổi sơ khai đó máy in tráng đặt trên xuồng có mui lưu động, có phòng tối làm lạnh bằng nước đá, in tráng phim bằng guồng thủ công. Với điều kiện nhu thế mà tháng 3/1948, Tổ nhiếp ảnh điện ảnh thực hiện những phóng sự như: Binh xưởng khu 8 dài 12 phút, Trường Lục quân khu 8, Trường Thiếu Sinh quân, Lễ xuất quân Trung đoàn 1115… Đến tháng 9/1948, Nhà quay phim Mai Lộc cùng với Khương Mễ, Vũ Sơn đã hoàn thành bộ phim Trận Mộc Hóa. Đây là thành quả đầu tiên của Tổ nhiếp ảnh điện ảnh khu 8, bộ phim phản ánh các hoạt động của bộ đội xung phong đánh giặc, nhân dân mang quà ủy lạo bộ đội, ghi hình hình ảnh trại tù binh, đồn trưởng Pháp đầu hàng bộ đội ta…

                
   
   Rạp 19/4 hiện đã được nâng cấp.

Như vậy ở hai đầu đất nước khi ấy điện ảnh cách mạng đã bắt đầu xuất hiện với cái tên giản dị, mộc mạc gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc. 

Điện ảnh Bình Thuận - Đồng hành cùng năm tháng

Tại Bình Thuận, được sự giúp đỡ của Điện ảnh Nam bộ đã tặng cho Đoàn Sao Vàng do ông Nguyễn Văn Khánh (cha nghệ sĩ nhân dân Trà Giang) làm Đoàn trưởng một máy quay phim 16 ly hiệu ETM, một máy chiếu bóng hiệu Heurtier, 100 tấm ảnh triển lãm cỡ 24 x 30, 3 bộ phim Trận Mộc Hóa, Binh xưởng khu 8, Dân quân khu 8, một số thuốc in tráng phim và hướng dẫn kỹ thuật làm phim. Một chủ hiệu ảnh yêu nước ở Phan Thiết sẵn lòng ra bưng đi kháng chiến cùng một số người yêu nước ở Pháp về, Sài Gòn ra góp sức xây dựng bộ phận điện ảnh Bình Thuận. Thời điểm bấy giờ nhiều người được coi “hát bóng”, thấy vệ quốc đoàn, quân du kích lăm lăm tay súng, chân đất phất cờ đuổi Tây, ai cũng sung sướng hả hê. Thấy rõ tác dụng to lớn của điện ảnh, lãnh đạo tỉnh đã cấp cho Đoàn Sao Vàng 20.000 đồng Đôngdương để mua thêm máy quay phim hiện đại thời đó là Baillard Rolex với 3 ống kính của Thụy Sĩ. Bộ phận điện ảnh của đoàn được học kỹ thuật quay phim của Điện ảnh Nam bộ và tự quay được các phim Đại hội chiến sĩ thi đua tỉnh, hoạt động của Binh công xưởng 812, Dân quân du kích và đồng bào Tam giác đánh giặc giữ làng… Có thể nói điện ảnh Bình Thuận gắn liền với hoạt động của Đoàn Sao Vàng suốt những năm cuối thập kỷ 40 của thế kỷ trước, góp phần đặt nền móng sơ khai của thuở ban đầu, đồng hành cùng ĐACMVN.

Tuy hiện nay không còn Công ty Điện ảnh nhưng tỉnh ta vẫn duy trì Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng (thuộc Sở VHTT &DL) phục vụ nhiệm vụ chính trị theo yêu cầu. Được biết, từ nhiều năm nay trung tâm đã cố gắng tìm tòi mô hình hoạt động mới như tổ chức Dạ hội điện ảnh cho đồng bào vùng cao, phối hợp với lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức giới thiệu điện ảnh của nước bạn nhằm tăng cường mối quan hệ, giao lưu. Trong điều kiện còn khó khăn nhưng trung tâm vẫn cố gắng nâng cấp Rạp 19/4 về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ người dân thưởng thức bộ môn “nghệ thuật thứ bảy” trong xu thế hội nhập và phát triển.

Như NguyỄn - Đình HÒA



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
65 năm Ngày Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: Điện ảnh Bình Thuận đồng hành cùng đất nước