Theo dõi trên

“Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi”

23/08/2019, 09:01 - Lượt đọc: 108

BT- Năm 2018, nhà giáo Đặng Ngọc Hùng - thầy giáo Trưởng khoa Sư phạm Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận -  đã cho ra mắt tập sách Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi. Đây là cuốn sách tập hợp 19 bài phê bình và biên khảo, được anh chọn lọc lại từ những bài viết của mình, đã đăng từ năm 2000 đến 2018, ở nhiều tờ báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh…

Cuốn sách được kết cấu làm 2 phần: phần Khơi nguồn nơi bục giảng gồm 7 bài viết; và phần Học ở cuộc đời sinh động gồm 12 bài viết. Có lẽ, nghiên cứu khoa học đối với một nhà giáo dạy văn trường cao đẳng đã đưa anh Hùng đến với những bài viết đầu tiên trong phê bình văn học và biên khảo, bắt đầu từ những tác phẩm văn học được giảng dạy trong nhà trường phổ thông.

Trong Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi, bài Về một nhân vật thường bị bỏ quên được tác giả cho đăng vào năm 2000, viết về tiểu thuyết Đất rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Theo thầy Ngọc Hùng: “Ra mắt độc giả từ năm 1957, Đất rừng Phương Nam thực sự là “giấy thông hành” để Đoàn Giỏi đến với độc giả nhỏ tuổi”. Nhân vật thường bị bỏ quên được tác giả bài viết đề cập đó chính là anh Ba thủy thủ. Với nhà giáo Ngọc Hùng: “Phân tích nhân vật anh Ba thủy thủ, chúng ta sẽ thấy đây là một sự tương tác thời gian nghệ thuật rất độc đáo”. Người thủy thủ ấy đã có nhiều ảnh hưởng đến chú bé An, nhân vật chính của tác phẩm. Người thủy thủ ấy đã tặng bé An một chiếc địa bàn cùng những lời tâm tình: “Cuộc sống của con người phải đâu chỉ thu hẹp trên mảnh đất vùng quê”. Trong kháng chiến, vượt những khó khăn, gian nan, “An đi theo hướng chỉ của cây kim địa bàn, theo sự giục thúc của bài hát về chiếc tàu với người thủy thủ”, “An đón nhận tương lai và vượt qua mọi thử thách với tư thế của con tàu lướt sóng” .

Với bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, đã có nhiều bài nghiên cứu, phê bình. Nhà giáo Đặng Ngọc Hùng lưu lại một bài viết Về vị trí văn học sử của bài thơ Đất nước ở phương diện: Chiều sâu chủ đề tư tưởng và cảm quan lịch sử. Theo anh, Nguyễn Đình Thi chính là người đã nói về quá khứ, truyền thống một cách sinh động, cô đúc và đầy đủ thành luận đề trong bài Đất nước:

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Theo anh: “Đất nước của Nguyễn Đình Thi có một vị trí văn học sử đáng kể về tư tưởng…”, “Nguyễn Đình Thi đã sớm nhận thức được giá trị tinh thần truyền thống trong đời sống cách mạng và kháng chiến đương thời”, “Nói Nguyễn Đình Thi  đề cao giá trị truyền thống là nói đến việc thể hiện bằng câu chữ, thành hình tượng trong thơ như là một sản phẩm của ý thức nghệ thuật”.

Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi được tác giả dùng đặt cho nhan đề của bài  viết về một bài thơ chữ Hán là kiệt tác của Nguyễn Du: Long Thành cầm giả ca. Theo anh, “Truyện Kiều mới chỉ là một nửa chân dung tâm hồn Nguyễn Du. Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng ta sẽ có điều kiện nhìn ra một vài góc khuất còn lại trong tâm hồn ông”.

Theo phân tích của nhà giáo Ngọc Hùng: “Bài thơ Long Thành cầm giả ca được kết cấu theo nguyên tắc tương phản – tương phản về thời gian. Tứ thơ cũng được người đọc tiếp nhận, cảm thụ như thế, tức là trên cái trục tương phản ấy.” Cuộc gặp gỡ giữa thi nhân và ca nữ ở 2 lần: lần đầu và lần thứ hai, sau 20 năm “chất chứa những câu thơ trĩu nặng thời gian nhân thế”.

Tác giả bài viết Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi đã thật sâu sắc khi nhận ra rằng: “Nguyễn Du đã tài tình xen quyện tương phản: quá khứ vàng son và hiện tại sương tuyết, héo mòn… Trước hết, đó là sự tương phản về nhan sắc, dung mạo; tiếp nữa, là sự tương phản về tâm hồn và niềm vui sống; cuối cùng là sự tương phản khách quan diễn ra trong lòng người đời”; Và “Ở Long Thành cầm giả ca, câu chuyện thương tâm của người ca nữ được kể bằng lời nửa trực tiếp (Cảm xúc của cô Cầm, lời lẽ của tác giả) làm cho trường cảm xúc trở nên mênh mang, đa âm”.

Ba bài viết trên nằm trong phần 1 của tập sách. Người đọc còn có thể tìm thấy những bài viết khác của anh trong phần này, viết về những tác phẩm, tác giả được chọn giảng trong nhà trường: Stevenson, Lỗ Tấn, Nam quốc sơn hà…

Từ những bài phê bình, biên khảo về những tác phẩm, tác giả được chọn giảng trong nhà trường, nhà giáo Ngọc Hùng đã tìm đến với những tác phẩm, tác giả khác, cả trong và ngoài nước; để lại những bài viết đậm chất học thuật, phong phú trong diễn đạt bằng ngôn ngữ, lại đầy cảm xúc. Hãy đọc những dòng anh viết về bài thơ Phan Thiết có anh tôi của Hữu Thỉnh: “Một bài thơ dễ neo đậu vào lòng người yêu thơ bởi cái điệu trữ tình đặc biệt của nó”. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh rằng “Bài thơ hay ở tư tưởng, ở tấm lòng mà hình như tấm lòng có sức nặng hơn”.

Trong số 19 bài viết trong tập sách, đã có đến 11 bài, nhà giáo Đặng Ngọc Hùng viết về những tác phẩm, tác giả nước ngoài. Một trong số 11 bài viết đó, có Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ.

Anh đã khẳng định: “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ là cuốn sách đích thực làm nên phong cách hiện thực độc đáo của Svetlana Alexievich”, một nhà văn được trao giải Nobel văn chương năm 2015. Svetlana Alexievich viết cuốn sách về những người phụ nữ đã đi qua chiến tranh. Nhà văn đã tìm đến để lắng nghe những người phụ nữ đã ra chiến trường trong cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô chống Phát xít Đức những năm 1941 – 1945 kể lại, để chia sẻ, suy ngẫm và công bố những “cuốn sử trong mỗi tâm hồn”.

Nhà giáo Đặng Ngọc Hùng đã nêu ra 4 sự thật anh rút ra được sau khi đọc tác phẩm của nhà văn nữ đoạt giải Nobel văn chương năm 2015: “Phải nhân bản với con người; Phải nhân đạo với con người; Phải để con người được sống nhân văn; Có một “khoa học căm thù” tính nữ”.

Theo anh, “Căm thù ở đây là căm thù của văn hóa Nga, một sự căm thù biết phân biệt bộ máy gây ra chiến tranh với nhân dân Đức”. Và “ Svetlana Alexievich viết về chiến tranh không phải ở góc độ lịch sử chiến tranh mà là lịch sử xúc cảm”.

Ở bài viết Bùi Giáng: “Độc hành” “Nghịch chữ” trong dịch thuật, anh đã có những nhận định hết sức trân trọng đối với nhà thơ Bùi Giáng, bằng những ngôn từ phong phú, đa diện, ẩn chứa những ý tứ sâu sắc: “Với Bùi Giáng, dịch là sống. Sống sâu sắc. Với mình. Với người. Với cái mà mình dịch. Một cách cuồng luyến. Mê đắm. Tuôn trào. Trách nhiệm. Quẫy lật. Để hiểu cái chân của cái sự sống mà mình dịch. Để tái sinh nó. Trong cái sinh quyển văn hóa mới” và” với họ Bùi, dịch “là sáng tác”. Hồn của nguyên tác vẫn còn, thậm chí được khơi sâu, nhưng xác thì khoác lớp “sương bóng” chữ nghĩa và cấu trúc, tình điệu thẩm mỹ của Bùi Giáng”.

Ở phần 2 của cuốn sách, ngoài các bài viết trên, Đặng Ngọc Hùng còn viết về những tác giả khác trong nước: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thế Hùng…; cùng những tác giả nước ngoài: William Shakespeare, Albert Camus, Orhan Pamuk…

Tôi rất tán thành ý của nhà văn Nguyễn Hiệp sau khi anh đọc Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi: “Trong một ý nghĩa nào đó, tôi cho rằng tác giả Đặng Ngọc Hùng đã bắc một nhịp cầu cần thiết và quý giá trên hành trình sáng tạo từ nhà văn đến nhà lý luận phê bình và bạn đọc qua quyển sách…” và “Tôi rất thích những góc nhìn mới, hay là cách phát hiện ra những góc nhìn mới của tác giả Đặng Ngọc Hùng”.

Một chặng đường 18 năm, tính từ bài viết phê bình văn học đầu tiên, đã đưa ngòi bút của thầy giáo Đặng Ngọc Hùng đến nhiều bài viết phê bình, biên khảo văn học khác nhau.

Trên một nền tảng kiến thức lý luận văn học vững chắc, cộng với việc chịu khó đọc rất nhiều, suy nghĩ sâu về những tác phẩm đã đọc, có những liên tưởng hợp lý về những tác phẩm có liên quan ở những tác giả khác nhau, anh đã nhiều lần đưa ra những ý kiến, những phát hiện mới mẻ của mình, với sự diễn đạt đậm chất văn chương, dưới những lớp vỏ ngôn từ đa dạng và chính xác đến từng ý tưởng tinh tế nhất, về những tác phẩm văn học của những tác giả cả trong và ngoài nước. Để khi những nghiên cứu ấy được công bố, anh đã có nhiều bài viết được giới chuyên môn công nhận. Quả là một sự dày công. Tôi rất thống nhất với ý kiến của nhà giáo Ngọc Hùng khi anh viết rằng: “Văn chương đích thực phải là văn chương mưu cầu điều tốt đẹp, hạnh phúc cho con người”.

 Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi mới chỉ là sự tập hợp có chọn lọc một mảng bài viết phê bình, biên khảo của nhà giáo Đặng Ngọc Hùng. Mảng sáng tác truyện ngắn của anh cũng đã được anh gởi đến độc giả trong những năm qua. Hy vọng rằng những bài viết phê bình, biên khảo về văn chương của anh cũng góp phần vào việc mưu cầu điều tốt đẹp, hạnh phúc đến cho bạn đọc.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi”