Theo dõi trên

Bàn về sự ra đời của bảo tàng tư nhân

06/12/2019, 13:51 - Lượt đọc: 642

BT- Bình Thuận hiện nay có khá nhiều cơ sở đầy đủ các thành phần tạo nên thiết chế được định danh là một bảo tàng (bảo tàng công lập), nhưbảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận, Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm, Nhà truyền thống của Tỉnh đội, Nhà truyền thống của Công an tỉnh, và hiện nay đang hoàn thiệnnhà trưng bày ở tháp Po Sah Inư.  

Thực trạng của bảo tàng công lập

Tuy có số lượng khá nhiều như vậy, nhưng số bảo tàng hoạt động thật sự có hiệu quả lại rất ít và đơn điệu trong mọi hoạt động, phục vụ, bởi nhiều lý do chi phối ngay từ những tháng, năm đầu mới thành lập. Thực trạng này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về cách làm bảo tàng để phù hợp với cuộc sống hiện đại và nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng. Không phải bây giờ mới nhìn thấy mà thực trạng này đã có từ lâu. Đó là đa phần các bảo tàng đều hoạt động cầm chừng, bởi không thu hút được khách tham quan, mặc dù tất cả các bảo tàng đều mở cửa tự do, không thu phí. Trừ Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận và tháp Po Sah Inư là có lượng khách đến tương đối lớn trong những năm gần đây. Việc vắng khách triền miên đã phần nào cho thấy giá trị thực tiễn của bảo tàng tại địa phương chưa đáp ứng được đòi hỏi của công chúng. Có rất nhiều lý do để giải thích, trong đó do vị trí đặt bảo tàng không thuận lợi (không phù hợp), không có kiến trúc của một bảo tàng, không đủ diện tích và cơ sở trưng bày, các hoạt động như chỉnh trang, sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung hiện vật, tổ chức hoạt động khoa học cho bảo tàng bị ảnh hưởng do thiếu kinh phí, và kể cả bộ máy hoạt động kém hiệu quả về nhiều mặt.

Thử lấy vài con số xây dựng bảo tàng ở Quảng Ninh cùng thời điểm với việc sửa chữa nâng cấp Bảo tàng tỉnh năm 2014: Để hoàn thành cải tạonhà kháchtỉnh ủy và trưng bày Bảo tàng Bình Thuận với 6 tỷ đồng với 400m2 trưng bày; cùng thời điểm bảo tàng, Thư viện Quảng Ninh có tổng mức đầu tư  919 tỷ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích 6.512m2. Do vậy, để mở cửa không thu phí nhưng mỗi năm Bảo tàng Bình Thuận chỉ đón khoảng 6.000 khách tham quan. Trong khi Bảo tàng Quảng Ninh khoảng 170.000 khách tham quan, vé bán 40.000 đồng/người và 20.000 đồng/vé, 10.000 đồng/vé đối với sinh viên, học sinh, trẻ em, năm 2019 ước đạt nguồn thu khoảng 6 tỷ đồng. Dẫu biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng cần nêu một vài con số để biết thêm về hoạt động của bảo tàng - một thiết chế chính yếu của ngành văn hóa phục vụ du lịch phát triển.

Bảo tàng tư nhân

Nói về bảo tàng tư nhân và cả sưu tập tư nhân thì đến thời điểm này ở nhiều tỉnh, thành đã có và đang hoạt động hiệu quả. Ở Bình Thuận chính thức đến nay có Bảo tàng nước mắm Làng chàixưa được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động. Có thể nói đây là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam về nghề nước mắm được xây dựng và đưa vào hoạt động phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.

Đón đầu và lựa chọn lĩnh vực, vị trí để đầu tư là những lời khen ngợi dành cho ông Trần Ngọc Dũng chủ nhân của bảo tàng. Nằm ngay cửa ngõ vào “thủ đô resort” Hàm Tiến - Mũi Né, không gian trưng bày nghệ thuật của bảo tàng đã khiến nhiều người ngỡ ngàng, thích thú. Toàn bộ khu trưng bày có diện tích 1.600m². Đây là không gian trưng bày tái hiện lại một phần nghề làm nước mắm truyền thống ở Phan Thiết - Mũi Né cách đây hơn 300 năm trước. Vé vào tham quan bảo tàng là 100.000 đồng/người phù hợp với những gì du khách cảm nhận được.

Ngoài ra trong khu bảo tàng còn có nhà hát khá hiện đại với 1.200 chỗ ngồi với vé 300.000 đồng/người dành cho du khách. Khu ẩm thực với hai nhà hàng phục vụ du khách khi tham quan bảo tàng. Vậy là một chu trình khép kín phục vụ đầy đủ từ tinh thần đến vật chất. Như vậy bảo tàng đã vừa bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống, vừa khuyến khích các làng nghề phát triển; tạo không gian phù hợp cho du khách vừa tham quan tìm hiểu, vừa trải nghiệm được nhiều điều bổ ích về những giá trị tốt đẹp của làng nghề xưa được tái tạo lại.

Sắp tới sẽ có Bảo tàng cổ vật Mũi Né của nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn.  Nổi tiếng từ nhiều năm qua với hàng chục bộ sưu tập cổ vật độc đáo, mà ngay Bảo tàng tỉnh cũng không có. Độc đáo ở đây chính là sự quý hiếm của một số sưu tập. Một số sưu tập khác lại có giá trị lớn về kinh tế, khác lạ về hình loại đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu và du khách tham quan. Còn lại là những sưu tập cổ vật có niên đại rất sớm hơn nửa thiên niên kỷ trước Công nguyên; nhiều cổ vật thời phong kiến tự chủ Việt Nam qua các triều Lý, Trần, Lê, Mạc và triều Nguyễn... Hơn 20 năm sưu tầm, trao đổi, mua bán hàng chục bộ sưu tập của ông Nguyễn Ngọc Ẩn đã đến con số hàng chục nghìn cổ vật. Ông tặng lại các cổ vật sưu tập được cho nhiều bảo tàng các tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ với số lượng gần 6.000 hiện vật.

Hiện nay các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc xin cấp phép hình thành bảo tàng và hoạt động, ông Ẩn đang xúc tiến theo các quy định của luật pháp hiện hành.

Trong khi chờ bảo tàng đi vào hoạt động, đã có rất nhiều kỳ vọng được đặt ra. Bởi những năm gần đây, khi đang trong giai đoạn sắp xếp các sưu tập cổ vật của mình theo từng chất liệu, giá trị trong các gian nhà khá chật chội, nhưng đã thu hút số lượng người đến tham quan khá đông và chủ yếu là du khách từ các nơi. Nhiều người bảo nên thu tiền để trả công cho những người giúp lau chùi, bảo quản và bảo vệ, nhưng ông Ẩn không làm điều đó, vì như ông nói là không được phép khi chưa có giấy phép của UBND tỉnh cấp cho bảo tàng cổ vật của ông.

Ngoài ra ở Bình Thuận cũng còn nhiều bộ sưu tập cổ vật tư nhân nhưng đang trong giai đoạn sưu tầm. Như các sưu tập cổ vật của ông Nguyễn Văn May thường trú tại khu phố 12, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết; một sưu tập tư nhân khác ở Hàm Tân về điện ảnh của nghệ sĩ Quang Đạt mà gần 10 năm trước nhiều người gọi là “Bảo tàng điện ảnh” nhưng chưa hoàn thiện vì thiếu nhiều thành phần cấu tạo nên, và quan trọng hơn là chưa được UBND tỉnh cấp phép hoạt động. Thực ra đó chưa phải là bảo tàng như nhiều người tự công nhận và cổ súy ở thời điểm đó, mà là một sưu tập chưa đầy đủ về tài liệu và phương tiện trong ngành điện ảnh.

Hơn 10 năm trước, một nhà khảo cổ người Đức đã có ý định hình thành bảo tàng tư nhân về muối ở Phan Thiết, nhưng do thiếu nhiều tư liệu nên đã ngưng lại.

Cho đến nay mới chỉ có một vài bảo tàng tư nhân được hình thành, nên chắc chắn là thiếu bộ máy hoàn chỉnh và tính chuyên nghiệp chưa cao… Song những lợi ích mà bảo tàng tư nhân mang lại là không thể phủ nhận, trước hết là làm phong phú thêm hoạt động bảo tàng, góp phần gìn giữ di sản, hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật. Bảo tàng tư nhân đã bổ khuyết rất tốt những phần còn khuyết thiếu của các bảo tàng công lập. Thực tế bảo tàng tư nhân còn đi trước cả bảo tàng công lập, thí dụ như bảo tàng tư nhân khi phát hiện được món cổ vật quý, hiếm với giá trị lớn, họ sẵn sàng mua ngay còn bảo tàng công lập thì chắc chắn không có tiền để mua, hoặc là chờ các thủ tục rườm rà, khi có tiền thì cổ vật đã bị người khác mua.

Sự ra đời và phát triển ngày càng nhiều của bảo tàng tư nhân là xu thế tất yếu của mô hình hoạt động bảo tàng trong thời hội nhập. Trong lúc bảo tàng công lập chưa thể vươn tới những lĩnh vực chuyên sâu thì sự ra đời của bảo tàng tư nhân là một bước đột phá đối với một địa phương có tiềm năng du lịch lớn về thiên nhiên nhưng đang thiếu về các lĩnh vực xã hội, nhân văn như tỉnh ta.                         

NguyỄn Xuân Lý



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bàn về sự ra đời của bảo tàng tư nhân