Theo dõi trên

Báo chí với công nghệ 4.0

17/07/2019, 09:30 - Lượt đọc: 42

BT- Cách mạng khoa học và công nghệ 4.0 đã tác động đến nền báo chí Việt Nam ở nhiều chiều khác nhau. Do vậy những người làm báo cần phải nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm tư vấn chính sách quản lý báo chí truyền thông trong môi trường truyền thông số một cách kịp thời và hiệu quả. Trong chương trình của khóa học “Quản lý nhà nước về báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây cũng đã đề cập rất nhiều đến vấn đề báo chí với công nghệ 4.0 để những người làm báo, những người quản lý về báo chí vận dụng và thực hiện trong các cơ quan báo chí.

                
Ảnh minh họa

Có thể nói, đây là một trong những yêu cầu căn bản và cấp thiết nhất ở mọi quốc gia hiện nay, khi phải giải bài toán “cách mạng công nghệ 4.0”. Nếu chỉ một nhóm nhà báo trẻ đơn lẻ học cách làm báo công nghệ 4.0 thì chưa đủ. Lãnh đạo tòa soạn, nếu không hiểu về nguyên tắc đa phương tiện và hội tụ truyền thông, không hiểu tính tất yếu trong sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh phát triển mạng xã hội, quản lý Fanpage, sử dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung tác phẩm, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin, nguy cơ khủng hoảng trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội... thì khó có thể chuyển đổi được thực trạng báo chí truyền thông thích ứng với môi trường truyền thông số. Nói cách khác, các cơ quan báo chí truyền thông cần nhận thức đúng về “cách mạng công nghệ 4.0” và tính tất yếu của sự đổi mới, có chiến lược nghiên cứu, thay đổi chính sách quản lý báo chí truyền thông trước thách thức của sự phát triển mạng xã hội, truyền thông xã hội, sự ra đời của nền báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu và báo chí.

Có thể nói, cách mạng công nghệ 4.0 buộc các cơ quan báo chí với tư cách là nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông phải thay đổi chiến lược sản phẩm tương thích với nhu cầu và phương thức tiếp cận, thị hiếu tiêu dùng sản phẩm báo chí truyền thông của công chúng. Yêu cầu đổi mới là căn bản và toàn diện, từ cơ sở kỹ thuật công nghệ, mô hình tổ chức toà soạn, quy trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, kiến thức và kỹ năng chuyên môn của người làm báo và quản lý báo chí, đến việc hoàn thiện môi trường pháp lý, công tác nghiên cứu công chúng báo chí trong xã hội thông tin và môi trường số hiện nay. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội khiến báo chí đang phải chịu sức ép rất lớn và buộc phải tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt về thông tin. Câu hỏi đặt ra là báo chí phải làm gì để có thể khẳng định vị thế của mình. Để khẳng định vị thế của mình, báo chí phải tận dụng được cơ hội và có giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và các hệ thống thông minh đã đưa loài người tiến tới một cuộc cách mạng mới, cách mạng khoa học và công nghệ 4.0. Là cơ quan báo Đảng địa phương, nhưng Báo Bình Thuận bước đầu đã vận dụng công nghệ 4.0 để thực hiện nhiệm vụ của mình như: “Mô hình văn phòng không giấy trong tòa soạn báo”. Đây là mô hình đã được áp dụng trong tòa soạn Báo Bình Thuận để giảm thiểu thời gian gửi tin, bài đến tay người biên tập, đáp ứng tin, bài nhanh hơn, kịp thời hơn trên mạng nội bộ mà không cần biên tập bằng bài in giấy như trước. Đây cũng là quy trình xử lý tin, bài trên mạng nội bộ để tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm và phóng viên không cần đến cơ quan để nộp tin, bài cũng như nhận thư mời họp. Đây là mô hình được xây dựng từ hệ thống phần mềm quản lý trong tòa soạn báo trực tiếp trên trang website của báo hoặc sử dụng hệ thống quản lý thông tin nội bộ hiện có. Như vậy, phóng viên ở bất cứ chỗ nào có internet hoặc có sóng 3G, 4G đều có thể nộp tin, bài, ảnh đến bộ phận biên tập thông qua hệ thống phần mềm... Bên cạnh đó, Báo Bình Thuận bước đầu đi vào hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ truyền thông đã mang lại được hiệu quả thiết thực.

Có thể khẳng định rằng, cách mạng công nghệ 4.0 với báo chí vừa là thời cơ cũng vừa là thách thức. Việc phát triển báo chí theo hướng đa phương tiện và hội tụ đang tạo nhiều cơ hội thách thức cho cơ quan báo chí và nhà báo. Một trong những thách thức đó là thực hiện được nhiều tin, bài chất lượng và tăng số lượng độc giả cho tờ báo. Với cơ quan báo chí, ngoài việc phải có nguồn kinh phí để phát triển tòa soạn, phải đầu tư phát triển nhân tố quyết định sự tồn tại của cơ quan báo chí, đó là đội ngũ nhà báo giỏi nghề, chuyên nghiệp và đa phương tiện. Với mỗi nhà báo, cần phải suy nghĩ về đa phương tiện và tự tin làm tin, bài cho tất cả các loại hình báo chí. Bởi lẽ, cùng lúc báo chí có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều lĩnh vực trong cuộc sống nên những người làm báo trong mỗi tác phẩm, sản phẩm báo chí của mình phải nhận thức sâu sắc từng việc làm, cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét cẩn trọng. Trong mỗi tòa soạn, sự hình thành và phát triển phải trải qua nhiều giai đoạn, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến kỹ thuật. Có như vậy thì cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mới tạo điều kiện cho sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, truyền thông xã hội. Nó vừa là thách thức đồng thời cũng là sự cạnh tranh hấp dẫn, quyết liệt để nền báo chí truyền thống phải không ngừng đổi mới và sáng tạo…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo chí với công nghệ 4.0