Theo dõi trên

Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật của các dân tộc thiểu số

27/07/2021, 16:09 - Lượt đọc: 1,080

BT- Trong tiến trình lịch sử tồn tại và phát triển, cộng đồng các dân tộc Chăm, Raglai, Cờho và Chơro đã sản sinh ra nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hết sức đa dạng, phong phú như dân ca, dân vũ, dân nhạc. Những loại hình nghệ thuật đó được kết tinh từ chính cuộc sống lao động sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ nghi, lễ hội và không ngừng được sáng tạo, bồi đắp qua từng thế hệ để tạo nên giá trị bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng mỗi dân tộc và ít nhiều còn duy trì đến ngày nay.

Nét văn hóa truyền thống

Bình Thuận là vùng đất hội cư với 35 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có đặc điểm riêng về phong tục, tập quán, nghi lễ, sinh hoạt… tạo nên bức tranh nghệ thuật dân gian đặc sắc. Trong số các dân tộc thiểu số (DTTS) có 3 nền văn hóa dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) tiêu biểu của 4 dân tộc là Chăm, Raglai, Cờho và Chơro.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trong số các DTTS trên địa bàn tỉnh người Chăm chiếm số lượng đông nhất. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ và có 2 tôn giáo chính, đạo Bàlamôn và đạo Bàni, điều này khiến cho lĩnh vực văn học dân gian của dân tộc này phong phú về thể loại và có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc. Với hơn 70 lễ hội, lễ nghi diễn ra liên tục theo chu kỳ trong năm gắn với sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng như lễ hội Katê, lễ nghi liên quan đến vòng đời người, lễ nghi theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp… Hầu hết các lễ hội đều có sử dụng bộ nhạc cụ truyền thống gồm trống Ghinăng, trống baranưng, kèn saranai, chiêng, grong (lục lạc), seng (chập chõa), đàn Kanhi. Nghệ thuật dân gian dân tộc Chăm rất độc đáo, mang đậm bản sắc riêng, thể hiện rõ nét trong các lễ nghi của dòng tộc và sinh hoạt cộng đồng.

Còn tín ngưỡng dân gian của người Raglai là tín ngưỡng đa thần. Họ tin và thờ cúng hồn lúa, hồn bắp, đặc biệt là lúa Mẹ với cả một hệ thống lễ nghi khá phong phú, mà gia đình nào cũng phải thực hiện khi mùa lúa đến. Nhạc cụ của dân tộc Raglai gồm đồng la, chiêng, kèn bầu, trống Sagơr, trống Gờnưng, lục lạc. Các loại nhạc cụ thường được sử dụng để độc tấu hoặc hòa tấu trong các lễ hội cúng ông bà, cúng trâu trong nghi lễ dời làng, cúng thần Lúa, đám cưới, đám hỏi, lễ bỏ mả và các ngày vui của làng.

Riêng người Cờho, do đời sống kinh tế chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, nên có nhiều lễ nghi liên quan đến nông nghiệp như lễ cầu mưa, lễ cúng mẹ Lúa, lễ cúng rẫy đầu năm, lễ về nhà mới, lễ cúng thần Núi… Từng điệu múa dân gian của dân tộc Cờho thường không có tên gọi cụ thể. Giữa các điệu múa sinh hoạt cộng đồng và lao động có nhiều nét tương đồng nhau, ít có sự khác biệt.

Còn múa dân gian dân tộc Chơro lại có các động tác phản ánh môi trường sinh sống, lao động sản xuất, thể hiện các mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chơro gồm trống, đàn Talod, kèn lúa, kèn bầu, cồng, chiêng đồng, đàn Chinkcla (đàn tre). 

Biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm.

Trước nguy cơ mai một

Hiện nay nghệ thuật dân gian của các DTTS đang bị mai một dần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mất mát, thất lạc như về thời gian, sự tiếp xúc và giao lưu lâu dài với văn hóa các dân tộc, sự tác động của kinh tế thị trường, phương tiện thông tin, truyền thông. Thực tế hàng trăm năm qua, nghệ thuật dân gian trước hết là các làn điệu dân ca, dân vũ và âm nhạc truyền thống luôn gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Vì vậy, sự phát triển bền vững hay dần mai một đều phụ thuộc vào cộng đồng. Trong khi đó, những nghệ nhân thực hành các loại hình nghệ thuật dân gian trong cộng đồng dân cư ngày càng cao tuổi, nhiều bậc cao niên tâm huyết đã qua đời.

Cụ thể, hát ngâm Hari chỉ là một trong số các thể loại hát ngâm dân gian của tộc người Raglai. Qua khảo sát của các nhà nghiên cứu, không phải tộc người Raglai ở địa phương nào cũng còn lưu truyền thể loại hát ngâm này. Có nơi lưu truyền thể loại hát ngâm Kathơn, có nơi không lưu truyền thể loại hát ngâm Hari, Xitit, Kathơn nhưng lại lưu truyền thể loại khác. Về dân vũ, múa dân gian gần như quên hết chỉ còn lưu giữ rất ít động tác trong lễ nghi, lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Về nhạc cụ cũng chỉ còn một số.

Thêm yếu tố tác động của kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phương tiện thông tin, truyền thông khiến ít người còn ưa thích các bộ môn của lĩnh vực nghệ thuật dân gian này. Điều này khiến cho việc học tập để giữ gìn, lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc và tầng lớp thanh thiếu niên ngày càng xa vời. 

Cần giữ gìn cho đời sau

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của các DTTS trong tỉnh, các nhà nghiên cứu đều cho rằng cần xây đựng thể chế - chính sách, các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch riêng. Cụ thể đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật hiện có như câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ, thành lập quỹ bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật dân gian.

Song song đó, quan tâm đến chính sách tôn vinh, đãi ngộ, động viên đối với các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hỗ trợ để địa phương duy trì mở lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian cho thanh, thiếu niên vùng đồng bào DTTS. Nghiên cứu, đưa vào chương trình tại các trường vùng đồng bào DTTS những nội dung về nghệ thuật dân gian. Tạo điều kiện cho các em tham gia biểu diễn ở nhiều cuộc thi văn nghệ dân gian. Phát huy có hiệu quả các thiết chế nhà văn hóa vùng đồng bào DTTS để thu hút đồng bào đến giao lưu, học hỏi, sáng tạo, cùng tham gia biểu diễn văn nghệ, tạo không khí sinh hoạt vui tươi, lành mạnh gắn với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, học tập, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2017, sở đã giao Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh nhiệm vụ nghiên cứu và thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian) 4 dân tộc tiêu biểu tỉnh Bình Thuận thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật”. Trên cơ sở nghiên cứu, nhà hát triển khai viết kịch bản phục dựng 4 chương trình nghệ thuật dân gian theo hình thức diễn xướng dân gian và ca múa nhạc dân gian truyền thống… Đồng thời, sở đang kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đối với các DTTS. Trong đó có chính sách bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật dân gian, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS cho phù hợp từng giai đoạn cụ thể. Tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới từ trong nền tảng của nghệ thuật dân gian. Coi trọng các chính sách, chế độ khuyến khích đối với các nghệ nhân để họ nhìn thấy trách nhiệm của mình đối với cộng đồng dân tộc mà trao truyền di sản văn hóa cho giới trẻ một cách đầy đủ, khách quan...

“Bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc là việc làm cần thiết, không chỉ mang ý nghĩa trong giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa, du lịch, nâng cao thu nhập cho nhân dân, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Lâm Tấn Bình – nguyên Giám đốc Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bắc Bình đánh giá.

 Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật của các dân tộc thiểu số