Theo dõi trên

Bảo tồn, phát triển nghệ thuật nhân gian Chăm - một góc nhìn

06/07/2018, 10:07 - Lượt đọc: 42

BT- Bình Thuận có hơn 300 năm thành lập, tính từ năm 1697. Vùng đất này có kho tàng văn hóa của các dân  tộc khá phong phú, đa dạng, độc đáo, đặc biệt là kho tàng văn hóa Chăm. Nói về văn hóa Chăm,  là nói về một nền văn hóa có chiều sâu khoảng 2000 năm, với nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc thuộc diện bậc thầy. Và, cũng như mọi tạo vật,  nhiều công trình văn hóa Chăm, không tránh khỏi bị bụi thời gian phủ lấp, cho dù chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa, nhất là ngành bảo tàng những năm gần đây có không ít cố gắng trong trùng tu, bảo tồn, phục dựng các di tích, các loại hình văn hóa phi vật thể.

                
Ảnh: Đ.Hòa

Ở đây, trong bài viết này vì điều kiện có hạn, chỉ đề cập đến một số vấn đề xung quanh các di tích, đền đài, đền thờ, nghề gốm truyền thống, các khí nhạc, các điệu dân ca, dân vũ của người Chăm

Trước tiên là các đền tháp Chăm. Hiện nay, trong tỉnh có một số nhóm đền tháp sau: Đền tháp Pô Sha Inư,  xây dựng từ đầu thế kỷ thứ VIII, nay thuộc  phường Phú Hài (Phan Thiết); đền tháp Pô Tằm, thuộc  xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong,  niên đại từ cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX;  đền thờ vua Pônít, xây dựng vào đầu thế kỷ XVII, thuộc xã Phan Hiệp, Bắc Bình… Về nghề gốm truyền thống, hiện nay tập trung ở huyện Bắc Bình, nơi có trên 25 ngàn người Chăm/ 40.979 người Chăm toàn tỉnh, sinh sống. Gốm Chăm từng nổi tiếng một thời, được người dân vùng Đông Nam bộ, Nam Tây nguyên và một phần Sài Gòn… tin dùng. Chính vì nghệ thuật tạo gốm có phần đặc sắc nên năm 1997, một số nghệ  nhân làng Chăm Trì Đức, được mời sang Nhật  biểu diễn nghề làm gốm. Về tín ngưỡng nhân gian, người Chăm Bình Thuận đang giữ gìn khá nhiều hình thức tín ngưỡng trong đời sống. Đó là lễ hội mang tính chất tôn sùng các anh hùng dân tộc; lễ hội tưởng nhớ  tổ tiên; lễ hội mang tính chất tôn giáo… Đa phần lễ hội Chăm diễn ra trong thời điểm nông nhàn, hoặc liên quan đến sản xuất nông nghiệp… Đó là, lễ hội Mbăng K’tê - Chabur, lớn nhất trong năm của người Chăm theo Bàlamôn giáo, tổ chức vào tháng 7 Chăm lịch; lễ Chabur tổ chức sau ngày rằm tháng  9 Chăm lịch, cúng các hoàng hậu công chúa… Ngoài ra, còn có các lễ hội định kỳ 3 năm một lần… Về dân ca, dân vũ và khí nhạc. Dân tộc Chăm có một kho tàng múa dân gian phong phú, đặc sắc, hiện nay đang từng bước phục dựng. Nhạc  truyền thống thì có các loại đàn đá, đàn Chàpi tranh, đàn Kapin bầu, sáo Wau, khèn bầu Rakle, tù và bằng sừng trâu, trống Ginăng, trống Bara nưng, kèn Saranai… Các  nhạc cụ này đang từng bước được tái dụng trong các sáng tác âm nhạc - nghệ thuật Chăm. Về dân ca, có một số làn điệu dân ca như: “Ai như lơi”, Tò mai”, “Thay mai” Anichlo… đang được tìm hiểu,  phục dựng…

Tuy nhiên, nhìn chung  những năm qua, ngành văn hóa và các địa phương có cộng đồng Chăm sinh sống,  mới chỉ chú trọng nghiên cứu trùng tu các di tích kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật, mà chưa chú trọng nghiên cứu đúng mức các loại hình văn hóa phi vật thể. Do vậy trong thời gian tới, cần tiếp tục tìm hiểu, phục dựng những loại hình dân ca, dân vũ còn tiềm ẩn trong dân, rộng ra là trong kho tàng nghệ thuật Chăm. Tiếp tục nghiên cứu các loại hình nghệ thuật dân gian  dân tộc Chăm đã nghiên cứu trước đây, cũng như mang tính chất chuyên sâu hơn. Muốn thế, ngoài kinh phí của Trung ương, của tỉnh… dành cho khôi phục, phục dựng, ngành văn hóa cần tổ chức khai thác các vốn cổ trong dân cũng như giới thiệu rộng rãi cái hay, cái đẹp của nghệ thuật Chăm đến quảng đại quần chúng - coi đó là hình thức nhân rộng và bảo tồn; khuyến khích các văn nghệ sĩ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, khai thác phát huy vốn nghệ thuật phong phú, đa dạng của dân tộc Chăm.

NguyỄn Thành ThẬt



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn, phát triển nghệ thuật nhân gian Chăm - một góc nhìn