Theo dõi trên

Cách viết chữ mới của nhà văn Nguiễn Ngu Í

05/12/2017, 10:09 - Lượt đọc: 954

BT- Nhân chuyện lùm xùm về công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng ĐHSP ngoại ngữ Hà Nội, được công bố tại hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và phát triển”, tôi chợt nghĩ ngay đến nhà văn, nhà báo Nguiễn Ngu Í, bởi may mắn còn lưu giữ một số ít tác phẩm, tư liệu về ông. Trong đó tác giả đã sử dụng cách viết rất riêng biệt của mình qua tác phẩm và cả bút danh cách đây khoảng trên 60 năm.

Nguiễn Ngu Í tên thật là Nguyễn Hữu Ngư (SN 1921) tại làng Tam Tân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và mất năm 1979. Cha ông là Nguyễn Hữu Hoàn, tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục ở quê nhà Hà Tĩnh, do bị khủng bố phải vào ẩn dật ở Hàm Tân bằng nghề hốt thuốc bắc và dạy học. Năm 1927, ông giáo Hoàn đã cứu vớt 6 người tù Côn Đảo trôi dạt vào bãi biển Tam Tân, trong đó có nhà cách mạng Nguyễn Đình Kiên (Tú Kiên), bí thư Tân Việt Nam kỳ. Vụ việc bị bại lộ và giáo Hoàn nhận án lưu đày lên Lao Bảo. Từ rất sớm Ngu Í được vào Sài Gòn học ở Trường Pétrus Ký, đậu bằng Thành chung (Diplomé) và hai bằng Brevet cùng với nhạc sư Trần Văn Khê. Tuy ông có bằng Cao đẳng sư phạm (Sài Gòn), đi dạy học nhưng đam mê cái nghiệp văn chương, báo chí nhiều hơn nên Ngu Í khá thành danh trong lĩnh vực văn học, báo chí ở Sài Gòn từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Trên các tác phẩm văn học, báo chí Ngu Í còn có các bút hiệu Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb, Trinh Nguiên… Một số tác phẩm của Nguiễn Ngu Í được gia đình lưu giữ như Việt sử, Hồ Thơm Nguyễn Huệ, Hồ Quí Li, Suối Bùn reo, Khi người chết có mặt, Thái Bình điên quấc, Khi người điên trở về, Thơ Điên… và loạt bài phóng sự khá độc đáo “Sống và Viết…” trên tạp chí Bách Khoa với các nhà văn, học giả, nhà báo nổi tiếng ở miền Nam. Cuộc đời của Ngu Í trải qua nhiều thăng trầm, rồi thất chí để rơi vào trạng thái tâm bệnh, giữa điên và tỉnh, như học giả Nguyễn Hiến Lê nói: “Anh có nhiều lý tưởng, nuôi nhiều mộng cao đẹp mà gặp toàn những điều bất như ý, cứ phải cố nén xuống và sức nén càng mạnh thì sức bùng lại càng dữ…” (1967).

Thế nhưng trên diễn đàn văn học, báo chí với tên tuổi Ngu Í lại được nhắc đến khá đặc biệt cùng theo đó là những giai thoại vừa vui vừa xót xa cho một con người mang nhiều mơ ước. Phải kể đến việc Ngu Í sử dụng chữ viết theo cách riêng cho mình trên tác phẩm và bài báo mang bút hiệu của ông. Việc người đọc thấy hợp lý hay không cũng có nhiều ý kiến, nhưng cách phát âm hầu như phù hợp với âm ngữ miền Nam. Một số chữ mà Ngu Í sửa đổi theo nguyên tắc ngôn ngữ học: mỗi dấu hiệu cho một âm, mỗi âm chỉ có một dấu hiệu… để có sự thống nhất trong sử dụng. Chữ I dùng một mình, ở đầu, ở cuối, ở giữa tiếng nếu giá trị nó với y như nhau (i/sĩ, yêu/iêu, nguyễn/nguiễn…). Phụ âm C (đọc Cơ) ráp với tất cả nguyên âm (Ke/ce, kê/cê, kí/cí…). Chữ K thay kh (đọc Khơ) như khó khăn/ kó kăn, không/ kông… Phụ âm Z (đọc Gơ) ráp với tất cả nguyên âm (ghe/ge, ghi/gi…), ngh thay ng (nghe/nge, nghiện/ngiện…). Chữ J (đọc giơ) thay Gi (gia đình/ja đình, giữ gìn/jữ jìn, gió/jó…). Bỏ dấu sắc trên những vần tự chúng đã có thanh sắc đối với những vần sau cùng bằng p, c, t, ch (phap, chiêc, hêt, sach…). Theo Ngu Í, viết theo phát âm miền Nam thì chữ Q (đọc Quơ) thay cho Qu (quốc/qốc, quy/qy, quê/qê…), với phát âm miền Bắc thì phải viết Cuốc hoặc Kuôk và F thay cho Ph, chữ p cuối từ là b (lễ feb, nước Fab…).

Năm 1970, Nguiễn Ngu Í cùng Bùi Giáng và vài người bạn thơ cùng mang tâm bệnh, điều trị tại nhà thương điên Biên Hòa, có sự bảo trợ của bác sĩ Tô Dương Hiệp là con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc ấn hành tập thơ Thơ Điên còn gọi là Thơ Điên Thứ Thiệt, mỗi bài thơ in 2 cách viết, chữ thông dụng và chữ của Ngu Í. “Băng thiên tuyết địa thịnh triều/ Dặm khuya ngất tạnh ô kiều nương ôi” (Bùi Giáng) - Viết theo Ngu Í: “Băng thiên tuiêt địa thịnh triều/ Dặm kuia ngát lạnh ô ciều nương ôi”. Trong một bài hồi ức về người bạn thân, GS. Trần Văn Khê kể lại, từng tranh luận về một số chữ Ngu Í thay đổi cho rằng chưa hợp lý nhưng Ngu Í vẫn khăng khăng bảo vệ. Ngu Í nói, tại sao chữ C ta đọc để đánh vần là Cờ (cờ a ca) được mà chữ Ke hay Ki lại chữ K, Kinh Kha phải viết là Cinh Ka, Trần Văn Khê/ Trần văn Kê… Còn chừ D thay Y cho người miền Nam (dung nhan/ yung nhan), chữ Z cho người miền Bắc (dân tộc/zân tộc)…Chữ Đ vẫn dùng D (đe dọa/ de zọa). GS. Trần Văn Khê cũng thừa nhận và viết: “Biết là anh (Ngu Í) có lý, nhưng thay đổi cách viết như vậy gây ra cả một số vấn đề nan giải: in lại tất cả sách giáo khoa, sách nghiên cứu, sửa đổi cách dạy học, dạy viết trong các trường, không phải đơn giản…” (1974).

Thực ra chặng đường hình thành chữ quốc ngữ đã có từ mấy trăm năm, nhiều nhà nghiên cứu với những công trình, đề xuất sửa đổi để thống nhất về âm ngữ, chính tả nhưng cũng chỉ có mang tính cập nhập, bổ sung chứ không thể làm thay đổi quy mô cải cách toàn diện. Với Nguiễn Ngu Í, là người giỏi tiếng Pháp, tâm huyết với tiếng Việt và trong hoạt động sáng tạo, kể cả sáng kiến cải tiến chữ viết mới cũng xuất phát từ một tâm hồn nghệ sĩ đầy uẩn khúc, nỗi niềm, nhiều khát vọng.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách viết chữ mới của nhà văn Nguiễn Ngu Í