Theo dõi trên

Cần thêm bài hát về nghề giáo

17/11/2017, 11:35

BT- Tôi vào nghề dạy học từ năm mới 1975, tại Phan Thiết, sau khi được trang bị một lớp ngắn hạn về kiến thức nghiệp vụ sư phạm. Ở tuổi 18, đôi mươi, vừa mới xong trung học phổ thông, chúng tôi say sưa dạy cho các em học sinh tiểu học ở quê tôi, bởi lúc bấy giờ còn rất thiếu giáo viên.

Bên cạnh những kiến thức về chuyên môn, chúng tôi  còn được biết đến  một số bài hát về ngành: Bài ca người giáo viên nhân dân (Hoàng Vân); Yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu (Nguyễn Văn Quý); Có chúng tôi những người trồng hoa (Phạm Úy); Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Văn Ký); Vì đàn em thân yêu (Phong Nhã); Cô giáo trẻ trên bản làng xa; Giờ lên lớp đầu tiên…

Thành thực mà nói, những bài hát ấy đã đi vào tâm trí tôi, của những người bạn cùng trang lứa, cùng chọn nghề dạy học. Sau những giờ soạn bài, lên lớp, chúng tôi  có dịp cùng nhau ca hát. Và trong những bài ca chúng tôi đã cùng nhau hát ấy, không thể không có những bài hát viết về ngành, về những người dạy học chúng tôi.

Tôi yêu những bài hát ấy, chúng là một phần trong hành trang dạy học của  tôi, bên cạnh những trang giáo án mà một giáo viên tiểu học như tôi thời bấy giờ luôn phải soạn.

Lời của chúng ra sao nhỉ?

“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người, bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân…”

(Bài ca người giáo viên nhân dân - Hoàng Vân).

Tôi cũng nhớ mãi những lời hát phơi phới, đầy sức trẻ:

“Nào cùng đi, khi ta đã là người giáo viên nhân dân, kỹ sư tâm hồn nghề ta có gì đẹp hơn. Lời ca vang trong tiếng gió, niềm tin trong tim chói sáng vì ngày mai”.

(Yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu - Nguyễn Văn Quý).

Hay:

“Tôi không quên những giờ lên lớp đầu tiên, khi mới về trường đây, bước vào đời làm một giáo viên. Trang sách đầu tôi dạy các em thơ, tay vụng về từng nét phấn đơn sơ…”

Và: “Trên trang thơ những dòng tôi viết đầu tiên, suốt đời còn in nét đậm là bài ca giáo viên. Đi gieo mầm cho hạt giống lên cây, ươm mầm xanh của Tổ quốc hôm nay…

Yêu tha thiết ơi nghề ta bao quang vinh, nghìn năm truyền thống của dân tộc mình, hiếu học, siêng năng, kính thầy, mến trường…”.

(Giờ lên lớp đầu tiên)

Còn đây nữa:

“Chim hót ca vang đón chào mùa xuân sang. Tiếng các em tôi hát rộn trường làng. Yêu biết mấy mái trường và em nhỏ, nhìn về tương lai lòng tôi thấy rộn ràng…”.

(Có chúng tôi những người trồng hoa – Phạm Úy)

Ở một bối cảnh khác:

“Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi. Tính tình tang, đàn cô hát trên nương trên bản Mèo. Cô tìm ai, tìm người yêu đang đứng đợi bên bờ suối chắc? Không! Không! Không! Cô đi tìm dạy đàn em nhỏ chưa biết chữ ở trên đỉnh núi cao…”.

(Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi – Văn Ký).

Và sau này là những bài hát khác: Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu); Cô đi nuôi dạy trẻ (Nguyễn Văn Tý); Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến)…

Là giáo viên, tôi từng nghĩ về  những người cùng làm nghề dạy học như mình... Các anh chị em ấy hằng ngày đang chăm lo truyền đạt kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng tâm hồn cho những thế hệ học sinh, sinh viên của mình, với những lĩnh vực rất khác nhau. Nhưng, giữa những mênh mông vô cùng của tri thức, của kỹ năng, của công nghệ hỗ trợ, những người thầy, người cô ấy còn có mong muốn được người đời chia sẻ những gian nan, khó nhọc... thông qua các tác phẩm văn học - nghệ thuật nói về nghề, gần gũi nhất là các bài hát. Cần có những bài ca để nói lên tiếng lòng, tâm trạng, những công việc của mình. Những công việc mà anh chị em gắn bó có khi 30 năm, 40 năm, cả đời, có thể. Những bài hát ấy là những bài hát từ góc nhìn của bản thân người giáo viên, mang tâm trạng, nỗi lòng của chính mình đối với lao động hằng ngày của mình. Nó khác với những bài hát của học sinh, sinh viên hát về thầy, cô giáo.

Dạy học nhiều năm, ở những ngôi trường khác nhau, chúng tôi được dự nhiều buổi sinh hoạt 20/11. Điều đọng lại trong tôi có lẽ là: Tại sao một ngành có đông người tham gia như giáo dục, lại có ít bài hát nói lên tâm trạng, những nỗi niềm của người giáo viên?

Được xem những chương trình hội diễn văn nghệ quần chúng có thầy, cô giáo tham gia, tôi cũng dễ gặp tình hình tương tự. Những bài hát, bài múa viết, dựng về người dạy học cũng chiếm không nhiều.

Dạy học 40 năm, nhưng đối với tôi, tìm những bài hát khác viết về nghề dạy học để gởi đến các đồng nghiệp của mình không hề dễ dàng.

Tôi và những anh chị em đồng nghiệp của mình cần những ca khúc viết về nghề để cùng với việc dạy học, chúng tôi  trải lòng mình theo những giai điệu, những ca từ để giúp mình thêm yêu nghề, yêu người, yêu đời. Để giữa bộn bề công việc, người giáo viên vẫn có thể dành ít thời gian tìm đến những ca khúc viết về nghề của mình, những ca khúc nói lên phần nào lao động nhọc nhằn, nói lên phần nào tâm trạng của mình giữa biết bao sự kiện của xã hội hiện nay.

Và thêm một lần nữa, tôi lại tìm về những hoài niệm của mình từ “Có chúng tôi những người trồng hoa” cho một ngày 20/11 năm nay.

Thế Thuật



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần thêm bài hát về nghề giáo