Theo dõi trên

Cát ủ hương quê

12/10/2018, 09:25

BT- Có người nói quê tôi là miền cát bay vì cứ vào mùa bấc thổi, cát bay từng luồng như những dải lụa trắng lượn lờ nơi những đỉnh đồi cát. Có một ca sĩ hải ngoại về đây quay phim đã trả lời phỏng vấn nhớ nhất là hát xong bài hát thì trong miệng có rất nhiều cát. Cát. Nắng. Gió. Và nhọc nhằn. Nhưng đó là quê hương, khi chất quê ấy thấm vào máu, vào hồn người thì những thứ ấy chính là đời sống, là nỗi nhớ tha thiết của những con người được chôn nhau cắt rốn, được trải qua tuổi thơ, được trưởng thành từ miền duyên hải này.

                
Đồi cát Bàu Trắng. Ảnh minh họa

Ông Á ở quê tôi có người con gái lấy chồng Việt kiều Mỹ rồi còn lo thủ tục bảo lãnh cha già sang định cư luôn. 3 tháng sau cuộc tiệc chia tay, dân làng thấy ông lù lù cùng với một vali đồ đạc trở về. Ông giải thích đơn giản: Nếu chỉ để nằm nhà coi phim nhiều tập thì ở đâu coi cũng vậy thôi. Qua đó, con cái đi làm cả ngày, mình không biết tiếng ra đường sợ lạc, nằm nhà coi phim miết sinh đau lưng mà lại nhớ cái mùi cát quê mình quá chừng.

Vậy đó nên tôi tin ông Á nói trở về nước, trở về làng xóm vì cát đã ủ hương quê trong hồn ông, cát của vùng duyên hải này đã thành nỗi nhớ trong ông là đã nói thật.

Trở lại câu chuyện của ông Á. Tôi đã lại sang nhà uống trà cùng với ông được tháng nay (may mà trước khi đi ông chưa bán căn nhà). Ông Á công tâm nói với tôi về các chính sách an sinh rất tốt ở nước con gái ông định cư, việc đưa cha mẹ già sang một nước văn minh như thế con cái sẽ đỡ lo lắng, đỡ khổ hơn rất nhiều, nhất là vấn đề sức khỏe. Ông cũng phân vân nhiều bề, có lẽ thế hệ của mình vốn có đời sống chậm và không thể thuần lý nên khó phù hợp, quê mình nghèo khổ quá mà, có gì để tiếc nuối đâu nhưng rồi cái nỗi nhớ nó hành ghê lắm, ngày ngày trôi qua cứ thấy trống trải khủng khiếp, đầu óc rỗng rênh, tâm hồn lạnh lẽo từ lúc nào không hay. Bên đó, mình đã lãnh tiền trợ cấp xã hội thì không được làm gì nữa cả mà làm sao được khi mình không nói không nghe được tiếng nói của họ, là giao tiếp cơ bản cũng không được nói chi đến hòa nhập. Còn lòng tự trọng một chút thôi đã mang nặng ưu tư mỗi khi nhận đồng tiền trợ cấp. Đến mức con đi làm phải khóa cửa vì sợ ông già nổi hứng lang thang, tìm hiểu hàng xóm, cảnh sát họ gặp hỏi không trả lời được họ hốt về bốt thì phiền phức vô cùng. Giao cho ông hoặc bà giữ cháu cũng trăm bề cơ khổ, chuyện buộc phải đi khám sức khỏe cẩn thận thôi cũng chấp nhận được nhưng cháu hơi lớn chút lỡ cháu có câu nói hỗn hay có hành vi xằng bậy, ông bà bộp cho bộp tai để dạy cháu theo kiểu “thương cho roi cho vọt” của người Việt, không ngờ đứa bé gọi báo cảnh sát vậy là không chỉ ông bà khổ mà con cháu cũng khổ lây…

Mấy người khác qua xứ lạnh không quen bị sưng khớp, viêm phổi, riêng ông Á thì không, sức khỏe ông rất tốt. Tôi nhìn sắc da hơi sạm nhưng cơ bắp chắc nịch và cách đi đứng nhanh nhẹn của ông thì tin ông khỏe thật. Ông nhẹ nhàng, chầm chậm nhấp một ngụm trà trong cái tách sứ thật mỏng rồi thong thả nói: Cát đã ủ quá lâu cái hương quê trong con người mình rồi, không thay đổi được. Đó không phải là lời thanh minh, là lý giải, đó là điều hiểu ra, ở một lứa tuổi nào đó, ở một mức độ trải nghiệm đời sống nào đó, ở một độ nhạy nào đó của tâm hồn con người mới hiểu được như vậy. Tôi tin vào cái mùi cát đọng lại trong tâm hồn con người là thật, tôi tin vào câu nói của Raxun Gamzatov: “Người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người được”.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cát ủ hương quê