BT- Có những cú chạm nhẹ nhàng nhưng làm cho tâm hồn người ta chợt bần thần nhớ, bần thần thương. Đó là cú chạm phải làn khói bếp thơm nức mùi tết trong một lần về miệt quê nhà của tôi.

Mấy sợi tơ khói chẳng biết gọi đúng tên là màu gì, chút xanh xám, chút trắng ngà, chút màu cũ xưa..., tất cả bẫng quyện, len len theo mép mái nhà. Cái gốc khói ấy làm như bịn rịn, quyến luyến lắm, trong khi ngọn khói cứ lần hồi loãng tan theo gió.

Có gì đó không hình hài cứ ở lại, cứ quanh quẩn mãi làm cho kẻ bộ hành là tôi phải dừng chân, mắt dán chặt vào mảnh tơ lụa mong manh mang màu sắc ấm áp giữa một chiều tháng chạp, mũi hít lấy hít để cái mùi không chịu theo con gió đi xa, không chịu tan loãng, không chịu phân ly ấy.

Đầu tiên là cái mùi mấy khúc củi dầu cháy hăng hăng, loại củi mà ngày xưa cứ mỗi chủ nhật là tôi lại theo mấy anh lớn vào bìa rừng nhặt nhạnh, chặt tề liền tay liền chân mà cây củi nào cũng để lại nhiều dấu vết băm băm yếu ớt của đôi tay đứa học trò không quen việc nặng, đôi bàn tay mà má tôi hay chọc quê là “buộc gà không chặt”.

Và thằng tôi ngày nhỏ ấy hăng hái, vui thú lắm với những bước chân vừa lúp xúp chạy vừa dừng lại bắt chước ẹo người sang vai mà mắt cứ luôn dán chặt vào những gánh củi kềnh càng phía trước của các anh, sợ bị lạc đường. Cái thú vui được làm gì đó giúp má đã gắn chặt cái mùi củi dầu ấy vào người, không làm sao quên được.

Từ những sợi tơ khói bếp ấy lại có mùi đường tán thắng ngòn ngọt pha chút mùi gừng rim. Nhưng gây nhớ da diết hơn cả là cái mùi nổ, mùi nếp rang, cái mùi chỉ có vào những ngày cuối của tháng chạp, khi nhà nào cũng chuẩn bị đóng cốm hộc để chưng bàn thờ ba ngày tết.

Bất ngờ nhất là mùi lông súc vật cháy sém vừa góp thêm chút khen khét, nồng nồng trong làn khói, chắc con Mực hay con Ky nào đó gà gật sưởi ấm gần ông Táo, mê ngủ tới mức để cho ngọn lửa lan liếm cháy một vạt lông tơ.

Và hình ảnh má tôi chợt hiện lên cùng với cái nồi đất rang nổ loang loang màu nắng, cùng với những hạt nổ trắng hếu vừa bay vừa cười, cùng với ánh lửa bập bùng chụm bằng những nhánh củi dầu cong queo có nhiều dấu dao rựa băm băm vụng về ở hai đầu...

Ôi trời! Hình như tất cả những cung bậc của những tông ty mùi ấy đã là một phần ký ức nên cứ hít ngửi tới đâu là những kỷ niệm, những dấu ấn, những cười vui, buồn tủi tràn dâng, hiển hiện đến đó. Kiểu quay về từ mùi mè này nghe chừng như một cuộc thôi miên, nó làm cho người ta quên mất hiện tại, làm cho người ta chìm ngập trong không gian, thời gian đã qua, làm cho người ta có được những khoảnh khắc thật rõ ràng sống lại cùng quá khứ.

Chợt rưng rưng tôi nhớ đến hai câu thơ của Thôi Hiệu:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”

Tôi lẩm nhẩm đọc đi đọc lại cho một mình mình nghe, ngoái lại làn khói trên... mái nhà ấy vài lần nữa, cũng đành bước đi vì sự thúc ép của công việc. Nhưng rồi phút giây chạm vào tháng chạp xa xưa ngắn ngủi ấy cứ bám lấy tâm hồn tôi, chảy tràn trong máu, trong thịt tôi một luồng nhân điện mới mẻ, rạo rực và bâng khuâng như một thời trai trẻ mà tôi cứ tưởng đã qua lâu rồi. Tôi chạm sợi khói trưa nay, bỗng nghe cuối chạp hiện ngày ấu thơ. Vậy đó mà bước chân cứ như muốn nhún nhảy hát ca cả ngày trời.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chạm tết