Theo dõi trên

Chẳng dễ với nàng thơ

20/12/2019, 15:23

BT- Còn nhớ, những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Bộ Giáo dục bổ sung chương trình môn văn một số tác phẩm, mà trước kia rơi vào vùng cấm, đặc biệt là thơ, in thành sách phụ lục, đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa, tạo ra một không khí hào hứng, sôi nổi.

Thường quen lối cũ 

Hào hứng, sôi nổi bởi có lắm cách nhìn, cách hiểu ngược nhau. Đa số theo thói quen khi cảm nhận phân tích một chi tiết, một hình tượng luôn tìm những yếu tố hiện thực để soi rọi đánh giá nội dung tư tưởng tác phẩm. Một hôm tôi gặp lại thầy giáo dạy tôi trước đây (là GS – nhà nghiên cứu phê bình văn học), hỏi trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng, có 3 lần nói đến hoa: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”, “Xuôi dòng nước chảy hoa đong đưa”, hai hình ảnh “hoa” này có thể hiểu được, nhưng đến “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” thì “hoa” ấy là hoa gì? GS không trả lời mà bảo: Cái gì không biết thì lơ đi, đừng có sa vào giảng mà nói sai, làm cho học trò hiểu sai theo thì tai họa đấy. Mãi sau này có lần tình cờ tôi xem buổi gặp mặt của những chiến sĩ Tây Tiến (khách mời của VTV), có một cụ kể lại sự gian khổ của những người lính trên đường hành quân, nhiều khi phải chuyển quân về đêm, vượt đèo, sương mù giăng kín, phải nhờ những người dân tộc thông thạo lối đi dẫn đường, người sau không nhìn thấy người trước, buột phải thắp đuốc, nối nhau, để người sau nhìn vào ánh đuốc người trước mà đi. Chuyển quân mà đốt đuốc như thế cực kỳ nguy hiểm, khác gì “thưa ông con ở bụi này”, nhưng không còn cách nào khác. Thế mà anh Quang Dũng lại đưa hình ảnh ánh đuốc ấy vào trong sáng tác “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, một cảm hứng lãng mạn bay bổng thật thú vị.

Thăm thẳm trời thơ

Sau này, có lần tôi với anh bạn gặp thầy, tôi kể lại chuyện ấy, GS cười bảo, tất cả nên xem là tư liệu tham khảo. Anh bạn trao đổi với thầy câu “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay” (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử), nói có người cho rằng đó là bức tranh hình ảnh sông trăng, thuyền chở đầy trăng, thơ mộng… nhưng anh không nghĩ vậy, khi nhìn thấy chiếc thuyền ai đấy đậu trên bến, thời gian lúc ấy không phải là đêm, mà trong tâm tưởng nhà thơ cái bến sông kia chỉ đẹp khi đêm về phải có ánh trăng soi. Không biết thuyền ai đó có chở trăng về kịp tối nay không, hay để cho màn đêm ngự trị, cái đẹp biến mất, chỉ còn bóng tối đen ngòm bao phủ, thế thì kinh hoàng biết bao. Nghe đến đây, GS nói, phải hết sức cẩn thận khi cảm nhận các sáng tác của nhà thơ này. Giữa lúc người ta đang hào hứng với trào lưu thơ lãng mạn thì Hàn đã vượt lên một bước. Ngay Hoài Thanh lúc ấy cũng  “chưa thể nói nhiều về Bích Khê”, ông “đã đọc không biết mấy chục lần bài “Duy tân” (…) nhưng “không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng” ông “những nỗi niềm riêng của nó” (…) “Mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc”(1). Trong khi đó, Hàn Mặc Tử nhận định về “Tinh huyết” (1939) của Bích Khê (cùng thời điểm bài “Đây thôn Vĩ Dạ” ra đời): “… văn thơ của Bích Khê như một đóa hoa thần dị. Lối tượng trưng và huyền diệu, ngời ánh như màu sắc Paul Valéry” (…). “Bây giờ đây, mời các vị vào chơi vườn nghệ thuật của chàng. Trước hết ta hãy đến khu vực tượng trưng”. “Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu...”. Mới thấy Hàn Mặc Tử cùng Bích Khê lúc ấy đã bay lượn trong bầu khí quyển thơ tượng trưng. Mà chủ nghĩa tượng trưng xem chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên như “kẻ thù” trong sáng tác nghệ thuật, phản ứng lối thơ thiên về chạm trỗ (…) cách làm thơ quá dễ dãi của trường phái lãng mạn (…), nó là kẻ thù của “sự mô tả khách quan”...(2). Họ tìm cảm hứng trong một thế giới khác, thế giới siêu thức của họ không quy chiếu vào điều gì cụ thể, cách xa cảm nhận xã hội học dung tục. GS nói, có lẽ câu thơ ai cũng thuộc nhưng để hiểu tại sao “áo em trắng quá” mà lại “nhìn không ra” kia chứ, ma à! Ấy là cả vấn đề.

Ngày ấy qua rồi

Hồi đi thanh tra dự giờ ở các trường, khi gặp giáo viên dạy bài “Đây thôn Vĩ Dạ”, tôi có nêu ý kiến bên trên để trao đổi thêm, đa số đều nói, thôi thì cứ dạy theo tầng “nghĩa thứ nhất” cho học trò dễ hiểu, chứ sa vào tượng trưng, siêu thực làm gì, gây thêm rối rắm cho học trò! 

(1): Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam 1932 – 1941, Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942 ; (2): Quan niệm của những tên tuổi như Baudelaire (1821-1876), Rimbaud (1854-1891), Verlaine (1844 - 1896), Mallarmé (1842 -1898), Valéry (1871 - 1945)... đã tạo một bước chuyển mình đột phá trong tiến trình phát triển văn học.   

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chẳng dễ với nàng thơ