Theo dõi trên

Chi hội Văn nghệ Tuy Phong: Với những trang văn giàu sức sống

17/04/2018, 09:35

BT- Mảnh đất Tuy Phong từ xưa nay luôn căng mình, thách thức đón đợi những biến đổi về thời tiết khắc nghiệt ở địa đầu tỉnh Bình Thuận. Cũng bởi thế mà Tuy Phong đã hội tụ được những nét đặc thù làm nên bản sắc văn hóa có sức tiềm tàng của các thế hệ trở thành di sản cho đến ngày nay. Từ niềm cảm xúc về lịch sử vùng đất, con người ở đây đã cho tôi cơ duyên thâm nhập được cái không gian sôi động trong lĩnh vực sáng tác văn học đang diễn ra ở Tuy Phong mà cụ thể là hoạt động của Chi hội Văn học nghệ thuật (VHNT) được thành lập gần 20 năm, thuộc hội VHNT tỉnh Bình Thuận. Tất nhiên nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội VHNT tỉnh thì cũng sẽ khó cho tổ chức này tạo động lực sáng tạo khí thế như hiện nay. Chi hội Tuy Phong có 24 hội viên - là hội viên VHNT tỉnh, nhưng nổi bật nhất là hoạt động văn học và nhiếp ảnh nghệ thuật.

Tình hình sáng tác văn học trong tỉnh được đánh giá mảng văn xuôi có vẻ dần dần thiếu vắng ngày càng nhiều. Với trên 100 hội viên văn học thì số lượng hội viên sáng tác thuộc lĩnh vực văn xuôi chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế mà Chi hội Tuy Phong trong vài ba năm gần đây đã có những đóng góp vào mảng văn xuôi của Bình Thuận nhiều tác phẩm tiểu thuyết, truyện ký, dịch thuật đáng kể. Đơn cử các tác giả như Hồ Việt Khuê - hội viên hộinhà văn Việt Nam (các tập truyện Biển ngọt ngào, Hoa mai nở đúng giao thừa), Trương Trọng Quang (Tuyển tập truyện ngắn), Kinh Duy Trịnh (truyện cổ Chăm)… Với Nguyễn Phương, tác phẩm “Đi qua dĩ vãng” - tập tiểu thuyết, vừa được giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và giải C văn nghệ Dục Thanh 2017. Một cây bút mới về thể loại bút ký văn học phải kể đến Võ Minh Chiến trẻ trung. Hiện nay, các tác phẩm văn xuôi của Hồ Việt Khuê, ngoài các truyện thường xuyên trên các báo, tuyển tập văn nghệ trong nước, đang có tại nhà xuất bản tập truyện ngắn “Những ngày trở gió”, tác giả giàu bút lực Nguyễn Phương thì tiếp tục cho ra mắt tập tiểu thuyết mới “Chuyện một người hành khất”. Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Kinh Duy Trịnh với “Truyện cổ Chăm - tập thứ 2” đang được các nhà xuất bản Hội Nhà văn, Văn hóa - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, Kim Đồng xúc tiến phát hành… Dự kiến của chi hội về một công trình biên soạn có ý nghĩa và giá trị “để đời” qua những góc nhìn về di sản văn hóa của Tuy Phong do các tác giả hội viên của chi hội sẽ hình thành trong nay mai. Cách đặt vấn đề này, theo tôi là hoàn toàn có tính khả thi, xứng tầm cho một vùng đất và trong khả năng của chi hội. Để có một công trình văn hóa đạt yêu cầu chất lượng cao hơn rất cần đến sự hỗ trợ của chính quyền và những người hằng tâm hằng sản ở địa phương.

Sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến những tác giả thơ của chi hội, được coi là rất đều tay, rất cá tính trong tác phẩm của mình như Huỳnh Hữu Võ, của một thời kỳ dài tên tuổi với những bài thơ tình mượt mà làm xao lòng hàng trăm nhạc phẩm. Với những bạn thơ cùng thời là Đài Nguyên Vu (đã mất), Hồ Việt Khuê, Tô Duy Thạch, Phạm Bình, Trần Yên Thế rồi tiếp đến là Dương Hoàng Hữu, Nguyễn Hồ Nam, Nguyễn Duy Sinh… và 2 nhà thơ nữ Thái Thị Ngân Khang, Lê Thị Thanh Thùy. Trong đó nhiều tác giả có tác phẩm thơ riêng đã xuất bản và những sáng tác đăng tải đó đây được trong giới đón nhận, ngưỡng mộ.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật, với cảnh quan thiên nhiên giàu cảm xúc của quê hương, từ khi mới thành lập chi hội như Thanh Vũ (đã mất), Bùi Duy Hòa, Lê Duy Hoàng, Trần Quang, Vương Công, Phạm Ngọc Hoàng… tuy cuộc sống phải nhọc nhằn nhưng vẫn tiếp tục niềm đam mê sáng tạo cùng với những tên tuổi mới là Lê Minh Quốc, Huỳnh Trọng Lan, Phạm Hoài Thương, Lê Minh Ngọc, Phạm Minh Thành… Đặc biệt với Lê Minh Quốc (Lê Nam) khá có duyên với các giải thưởng của trung ương, khu vực, tỉnh và có nhiều tác phẩm được bằng danh dự, huy chương của các tổ chức nhiếp ảnh quốc tế.

Chi hội Tuy Phong chỉ nhìn lại vài năm gần đây thôi mà có được nhiều tác phẩm văn học chất lượng, dài hơi là bởi từ yếu tố có một lực lượng hội viên thật sự tài năng, xác định được vị thế của người sáng tạo để chạm đến yêu cầu chuyên nghiệp với lòng tự trọng và trách nhiệm đối với ngòi bút của mình. Điều này cho thấy sự khác biệt với một số nơi do mang suy nghĩ vào hội một cách dễ dãi nhằm để “đông và vui” thì phải dẫn đến tình trạng giá trị tác phẩm kém chất lượng. Không phải đi sâu vào các tác giả, tác phẩm xuất bản mà chỉ đọc qua các Tuyển tập văn nghệ của Chi hội Tuy Phong trong các dịp xuân hàng năm mới cảm nhận được một cách đầy đặn diện mạo, sức sáng tạo, nội lực của lực lượng văn nghệ sĩ địa phương.

Qua tiếp xúc với nhà văn Hồ Việt Khuê - Chi hội trưởng, anh nói ngoài sự đam mê, năng lực của các hội viên, chi hội rất được sự quan tâm đầu tư, khích lệ của lãnh đạo địa phương, đó là quyết định định mức ngân sách hỗ trợ hàng năm (25 triệu đồng) cho chi hội để chủ động trong hoạt động sáng tạo vừa gắn trách nhiệm với phong trào văn hóa văn nghệ địa phương. Không phải các nơi khác trong tỉnh đã làm được.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chi hội Văn nghệ Tuy Phong: Với những trang văn giàu sức sống