Theo dõi trên

Chợ Làng… vẫn dấu chân ai

15/01/2021, 08:36

BT - Ở phường Hưng Long, chợ Làng là cái tên quen thuộc. Trừ các em còn quá nhỏ, đa phần dân cư đều biết chợ Làng. Rộng ra, tôi hỏi một số người ở Phan Thiết,  họ đều nói: Chợ Làng cạnh chùa Phật Quang, ngôi chùa trên 200 năm tuổi, nổi tiếng cả nước vì có bộ kinh Pháp Hoa khắc trên gỗ mít… Hồ Tú Anh, giảng viênkhoa Điều dưỡngtrường Cao đẳngy tế Bình Thuận nghỉ hưu, nói: “Em ở chợ Làng, phường Hưng Long, rảnh mời anh sang chơi”. Điều ấy đồng với việc: Tên gọi chợ Làng ngày hôm nay ban đầu chỉ là tên gọi  một chợ thuộc một làng xưa của Hưng Long, dần dần qua thời gian trở thành địa điểm (địa danh) sinh sống của một bộ phận dân cư.

                
Mua bán trong chợ Làng. Ảnh:    Đ.Hòa

Lần theo lịch sử, thời nhà Nguyễn, phường Hưng Long ngày nay là 1 trong 14 làng của Tổng Đức Thắng, phủ Hàm Thuận.  Chữ Hưng Long được mang ý nghĩa như câu đối ghi ở đình làng Hưng Long sau này: “Hưng thịnh thuận thiên thu, nãi trường phúc điền tiên tổ chủng, Long an hòa bách thế, sở tòng tâm địa hậu nhân canh”.  

Dịch nghĩa:

“Hưng thịnh suốt ngàn thu, tiên tổ gieo trồng dài lâu nơi ruộng phước, Yên bình mãi muôn, hậu bối theo đó vun bồi mảnh đất lòng”.

Vào đầu thế kỷ XVIII, trước khi có tên Hưng Long, đất này là nơi bà con Ngũ Quảng vào Phan Thiết làm ăn sinh sống. Đa phần làm nghề kéo lưới rùng, đánh bắt ven bờ bằng ghe bầu, nhưng một bộ phận trong họ đã khai phá các động cát, lấp các bãi bàu quanh chỗ ở làm nơi trồng tỉa lương thực, thực phẩm. Cùng với nhu cầu ăn mặc là nhu cầu tâm linh, nên người xưa chung tay dựng một ngôi chùa trên đồi cát (về sau có tên là chùa Cát, nay là chùa Phật Quang). Lẽ dĩ nhiên, đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt nói chung, người xưa cũng chọn một điểm cao ráo, quang đãng để lập chợ và  xác định đó là chợ của làng. Chợlàng sau 300 năm, do nhu cầu chỗ ở, nhiều người làm nhà quanh chợ, chợ bị thu hẹp lại về diện tích rồi trở thành điểm dân cư như hiện nay. Ngày nay, từ đường Võ Thị Sáu, rẽ vào chùa Phật Quang, du khách sẽ bắt gặp chợ Làng cách chùa chừng 100 m. Chợ Làng ngày nay là khu dân cư, chính giữa là một cái chợ nhỏ chỉ họp vào buổi sáng. Tú Anh  kể: “Chợ nơi em ở hàng hóa, thực phẩm các loại bán không quá đắt vì bởi đây là chợ của dân nghèo thành thị, người lao động. Ở các chợ khác, một tô bún bò có thể 25.000 đồng hoặc hơn, nhưng ở chợ nhà em thì không tới giá đó”. Một buổi sáng, tôi tìm tới nhà Tú Anh để biết nơi người bạn mình ở thế nào, mới  hay chợ ở đây rất đông người mua bán và mua bán cũng rất nhanh. Ở giữa thành phố Phan Thiết, chợ Làng ngày nay mang hồn dấu của người xưa. Đứng giữa chợ Làng nhìn ra những ngôi nhà bao bọc chung quanh, ta như cảm giác đâu đây hình bóng vợ những người dân chài đang gánh những gánh cá, te te chạy từ bờ biển Phan Thiết gần đó, vượt qua một cồn cát để kịp  đến chợ trước trưa. Vì vậy, tôi đồ rằng:dưới nền chợ hiện nay, bên dưới những căn nhà quanh chợ hiện nay là trầm tích văn hóa của hơn 300 năm trước. Những dấu chân ai có thể mờ mờ in dấu trong trầm tích văn hóa đó… Biết điều đó để mà tôn trọng những gì tốt đẹp của quá khứ, sống có trách nhiệm với người đi trước, cũng như lớp sau mình.

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chợ Làng… vẫn dấu chân ai