Theo dõi trên

Chuẩn bị cốm hộc đón tết

16/01/2019, 10:06 - Lượt đọc: 1,080

BTO- Cốm hộc là một món dân dã không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình ở xứ biển Bình Thuận. Thời điểm này, các lò nổ đang đỏ lửa từ tinh mơ đến tối muộn và liền tay đóng cốm.

Khác với cốm ở vùng đồng bằng Bắc bộ, cốm hộc được làm từ lúa nếpthơm 3 tháng, hoặc loại nếp Bông Hồng. Để hoàn thành một hộc cốm, phải trải qua nhiều công đoạn.Trước tiên là chọn nếp, sau đó rắm nếp, rang nếp, sàng, sảo nổđến đóng hộc.

Theo các cụ cao niên ở làng nghề Phú Long (Hàm Thuận Bắc), vào ngày tết, bên cạnh mâm ngũ quả, cặp bánh in, nước ngọt thì không thể thiếu những hộc cốm. Đây không chỉ là đặc sản ẩm thực ngày tết mà còn là nét văn hóa riêng của mảnh đất này. Vì thế tháng 12 âm lịch nhiều nhà đã đắp lò rang nổ, đóng cốm, rồi chuyển đi khắp các vùng trong tỉnh tiêu thụ. Dẫu làng nghề nay đã vơi người làm, nhưng khi những cơn gió từ biển thổi vào, 4 giờ sáng họ lại dậy nhóm lò và tất bật cho đến 9 giờ tối.

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề, bà Võ Thị Sáu – khu phố Phú Cường chia sẻ, để có những bông nổ đẹp, trước khi rang phải trộn đều với nước phèn, tỷ lệ 50kg nếp tương đương 1 lít nước. Trong quá trình rang yêu cầu người có kinh nghiệm, bỏ lượng trấu vừa phải vào lò để ngọn lửa cháy không quá lớn. Sau đó nổđược gằn vỏ, sảo lại cẩn thận trước khi cung cấp cho các cơ sở đóng cốm. Cũng theo bà Sáu, bây giờ tất cả các công đoạn đều có máy móc hỗ trợ nên mỗi ngày có thể rang được 500kg nếp và một vụ tết làm 16 - 17 tấn. Hiện nổ từ nếp Bông Hồng bán ra 27.000 đồng/kg, riêng nổ nếp thơm 3 tháng giá cao hơn với 62.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu nhập 30 triệu đồng.


Những hạt nổ như những bông hoa trắng muốt, thơm lừng nhanh chóng được chuyển đến các cơ sở đóng cốm tại địa phương, trong đó có hộ gia đình bà Phạm Thị Tiến – khu phố Phú Trường. Đây cũng là gia đình gắn bó với nghề đóng cốm lâu năm. Bà Tiến cho biết: Trước khi trộn đường, nổ phải được sảo lại, nhặt bỏ vỏ mày còn sót. 4 giờ sáng bà đã dậy ngào đường theo tỷ lệ 1kg nổ tương đương 1,5 kg đường và 1 quả thơm. Khi thắng đường cùng thơm không nên bỏ nước và nước đường ngả màu vàng sánhmới thả gừng đã giã nhỏ vào. Cái cay nồng của gừng hòa quyện với mùi thơmman mác của nếp tạo nên hương vị rất riêng. Để đóng cốm, người thợ sử dụng những khuôn gỗ, rỗng hai mặt, nhồi cốm vào, sau đó dùng miếng gỗ rời ép cốm thành một khối trắng ngà. Tùy theo nguyên liệu nếp mà một hộc cốm có giá khác nhau, loại 15.000 đồng và 45.000 đồng/hộc.  

Cốm Phú Long nói riêng và Bình Thuận nói chungkhông chỉ làm xao xuyến lòng người bởi vị béo, mềm dẻo của nếp, mùi ấm của gừng, của thơm mà còn bắt mắt bởi những loại giấy gói. Người dân thường sử dụng giấy bóng nhiều màu hoặc loại giấy bông sặc sỡ để gói cốm. Bởi thế không chỉ người dân trong tỉnh mà những người sinh sống nơi xa, đều không quên dặn dò người thân gửi cho mình dăm hộc cốm để bày bàn thờ cho đúng thông lệ và để khi ăn có thể nhớ lại hương vị quê nhà. Ông Đỗ Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Long cho biết: Trên địa bàn chỉ còn 40 hộ làm cốm, nổ. Nghề này chỉ mang tính chất thời vụ trong dịp tết nhưng đã tạo được việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội cũng thường xuyên truyên truyền, nhắc nhở bà con sử dụng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, chế biến, bảo quản sản phẩm an toàn trước khi đem ra thị trường.

Thùy Linh- Ảnh, clip: Ngọc Lân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuẩn bị cốm hộc đón tết