Theo dõi trên

Chuyện đấu giá tranh ở xóm nghèo

26/08/2019, 08:24

BT- Tháng 7 âm lịch mỗi năm, người Việt dành nhiều thời gian cho việc đi lễ chùa, cầu bình an cho gia đạo - mùa đại lễ Vu Lan, báo hiếu công đức sinh thành của các bậc cha mẹ.

Cũng trong tháng 7, con người ta bỗng trở nên phát tâm hơn, rộng lượng bảo bọc nhiều hơn đối với các mảnh đời bất hạnh. Người ta mở nhiều đợt thiện nguyện, xây nhà, tặng quà, phát gạo, tích góp công đức cho bản thân để những người thân được an yên mạnh khoẻ. Tất cả những việc làm này đều tốt dù thể hiện dưới hình thức nào. Các ngôi chùa đâu đó khắp nơi nên dải đất hình chữ S đều có những chương trình lớn nhỏ, để thuyết pháp răn dạy người đời cách sống, cách báo hiếu và cách cho trong cuộc sống để biết rằng mình còn đang hạnh phúc khi còn có cha, mẹ bên cạnh.

Đại lễ Vu Lan hay còn gọi mùa hiếu hạnh, hầu như nhiều người Việt dành cả thời gian này để ăn chay trường, đóng góp tiền bạc, công đức để tổ chức những chương trình Vu Lan hoành tráng. Nhiều ngôi chùa ở xa xôi, còn khó khăn cũng không ngại mời những nghệ sĩ có tên tuổi về phục vụ tăng ni, phật tử, cho người dân nơi ấy. Xem như một lễ hội, qua đó để hướng con người đến vẻ đẹp chân thiện mỹ, mà chữ hiếu đạo cần phải được tôn vinh.

Có chùa dùng cả việc đấu giá tranh Đức Phật để dùng khoản tiền ấy xây cho xóm nghèo ngôi nhà tình thương chẳng hạn. Buổi tối hôm diễn ra đại lễ Vu Lan, có cả sự hiện diện của nghệ sĩ cải lương Thanh Ngân, ca sĩ nhí - Á quân giọng hát Việt nhí Phương Mỹ Chi, quán quân giọng hát Việt nhí mùa 2 Thiện Nhân… đã cống hiến cho người dân những ca khúc về Phật pháp, về công ơn sinh thành, về đạo hiếu của phận làm con đối với cha mẹ. Ngôi chùa không lớn, nằm khép mình bên quốc lộ 28, bỗng đông vui hơn mọi khi.

Trong chương trình, nghệ sĩ Thanh Ngân đã dùng bức tranh tượng Phật Thích Ca để đấu giá. Nhưng, sau vài lần kêu gọi gần như phần đấu giá trở nên vô vọng. “Là một người nghệ sĩ, Thanh Ngân muốn dùng bức tranh này để “kết duyên” và giúp đỡ cho người nghèo nơi đây. Nhưng có lẽ, bà con mình còn khổ quá, không thể cùng Thanh Ngân thực hiện được nên hy vọng sẽ tiếp tục thành công nguyện vọng này ở nơi nào đó” - cô chia sẻ.

Âu cũng là chuyện thường tình, khi ở nơi đồng quê người dân quen với ruộng đồng, quen với khó khăn, họ chắt mót từng đồng để đảm bảo cho cái ăn, cái mặc trong thời buổi hiện nay đã quá khó, huống chi đến việc chơi tranh, trưng tranh. Khó muôn vàn, dù ý chí của người nghệ sĩ, của chùa Bửu Lâm rất đáng trân trọng.

Là người có mặt hôm đó tự nhiên tôi thấy chạnh lòng, thấy thương dân mình quá đỗi. Bức tranh được đưa ra với giá khởi điểm 3 triệu đồng, nhưng cuối cùng không ai sở hữu được nó. Người nghệ sĩ lại phải tiếp tục mua lại để nhờ vào bạn bè, đưa ra đấu giá ở một nơi khác, với ước mong xây đủ một ngôi nhà tình thương cho hộ dân nơi đây. Không chạnh lòng sao được trước bao ánh mắt ngơ ngác nhìn bức tranh, rồi lại nhìn vào hoàn cảnh của mình, đủ ăn đã khó thì biết phải làm sao đây?

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện đấu giá tranh ở xóm nghèo