Theo dõi trên

“Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” – mang hơi thở nhân văn, tình người

15/05/2017, 15:41

BTO- Sau “Lô Tô” của đạo diễn trẻ Huỳnh Anh Tuấn nói về phận người thuộc giới tính thứ ba trong những gánh Lô Tô ở những vùng quê, đến “Em chưa 18” mang hơi thở trẻ trung của tuổi trưởng thành thì bộ phim điện ảnh “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” được khởi chiếu từ ngày 5/5như một nốt nhạc trầm buồn, nhưng mang hơi thở nhân văn đến thổn thức.

                

Không kỹ xảo điện ảnh, không có những pha hành động choáng ngợp, không có những tình tiết cười vỡ rạp. Phim “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” được dựng bởi bàn tay của đạo diễn trẻ. Nhẹ nhàng như cuộc sống đời thường đang diễn ra ở xóm nào đó, những con người già nua và cũ kỹ với một niềm tin cũng rất cũ như chính nơi họ đang sống trong chung cư hơn trăm năm giữa thành phố Hồ Chí Minh. Nhân vật bà Tư (NSUT Kim Xuân) đã khắc họa hết thảy tình yêu thương dành cho đứa con biền biệt 30 năm. Bà Tư cũng như những bà mẹ khác yêu thương con vô điều kiện, mọi hành động, mục đích và hy sinh là vì hạnh phúc của con mình.

Truyện phim đơn giản và nó lý giải đôi chút về luân hồi, để khuyên bảo con người ngày nay càng phải sống đúng, sống nghĩa tình trọn vẹn trước sau. “Bán bà con xa mua láng giềng gần”. “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” – có người Mẹ vì không nhận đền bù di dời đi nơi khác chỉ để ấp ủ một hy vọng.  Hy vọng đứa con thất lạc vì một lần nói dối của mình, để cứu đứa con trai bé nhỏ còn nhớ nhà mà quay về. Nhân vật bà Tư, không ít lần khiến người xem nhói đến tận cùng vì ở đó có hình ảnh của chính người mẹ mình, cam chịu và hi sinh. Và khi sự thật được cất giữ trong suốt 30 năm được phơi bày để nhìn thấy hết tận cùng nỗi đau của một gia đình. Tan nát vì những nghi kỵ thiếu căn cứ của chính  người hàng xóm thân thuộc, tan nát vì lo lắng cho con mình bà Tư đã để con mình chết tức tưởi trong một đêm trốn chạy. Và ngay cả khi bà Tư bị chính người chồng giận dỗi không nói chuyện đến khi mất vì đã vô tình làm thất lạc đứa con ruột.

Bộ phim là cách bày tỏ nhẹ nhàng về tình cảm gia đình, hàng xóm. Một cô gái bán hoa vì cái tình với người bảo vệ chung cư đã chấp vá và lo lắng cho nhau. Vậy mà, chính họ lại mang đến sự ấm áp khi chăm sóc bà Tư khi trơ trọi trong những lúc cuối đời. Hai ca khúc trong phim “Mẹ ơi mai con về” (NSUT Hoàng Nhất) và “Có căn nhà năm nghe nắng mưa” (Mai Thế Hiệp) là hai ca khúc nhạc phim nhưng khiến người xem phải đôi lần bật khóc.

Điểm trừ của bộ phim đó là cảnh đang xen giữa quá khứ và hiện tại ngay từ đầu phim đã làm cho bộ phim rối rắm và có phần thiếu thực tế như cái chết của Vũ – bạn thân của Nam (con trai bà Tư). Đây là mắt xích dẫn đến nỗi oan cho Nam bị tai nạn chết nhưng cái chết của Nam lại được che giấu dễ dàng suốt 30 năm, thì e rằng thiếu thực tế. Giá như những khúc mắc được giải quyết rõ ràng, hẳn bộ phim sẽ có thêm những điểm cộng, khi đã quy tụ được dàn diễn viên gạo cội như NSUT Lê Bình, Kim Xuân, Kiều Oanh, Hoàng Nhất, má bảy Ngọc Giàu, Kiều Trinh... Nếu khán giả khó tính sẽ khó chấp nhận các tình tiết thiếu thực tế, nhưng có lẽ chính vì thông điệp nhân văn của bộ phim muốn nhắc nhở về tình thân, về gia đình, về cách trân quý tình làng nghĩa xóm nên đã bị lược bỏ. Tuy nhiên, đây vẫn là bộ phim đáng xem cho gia đình để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu thương nhất là trong cuộc sống hiện nay.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” – mang hơi thở nhân văn, tình người