Theo dõi trên

Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Đình Cường: Những “khoảnh khắc” sống mãi với thời gian

12/07/2019, 09:10 - Lượt đọc: 660

 BT- Ở tuổi 92, ông biết sức khỏe của mình ngày càng yếu nên từ tháng 4/2019 ông tự mình chọn lọc và biên soạn tập sách ảnh nghệ thuật. Nhưng tập bản thảo vừa xong trang cuối cùng chưa kịp xuất bản thì ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

                
Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Đình Cường.

 Tập bản thảo chưa in

Tôi lấy tập bản thảo dày cộp từ trên kệ sách của ông xuống lật từng trang, ngắm nhìn những bức ảnh ông chọn. Trang nào cũng chỉ một bức ảnh. Ảnh trắng đen chiếm đa phần. Cả tập bản thảo tôi đếm được 99 bức ảnh nghệ thuật và trang đầu là bức ảnh chân dung của ông chụp lúc tuổi tròn 80; cuối tập bản thảo có kèm theo một số bài viết phân tích, bình luận về những tác phẩm đặc sắc nhất từng được giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Trong số cả ngàn bức ảnh lưu giữ ông chỉ chọn 99 tác phẩm đặc sắc nhất và được hình thành phân bố theo 4 nhóm đề tài, đó là hình ảnh phản ánh cuộc sống lao động, đánh bắt hải sản, sản xuất nông nghiệp của người dân Bình Thuận như: Tung chài, phơi lưới, phơi mực, mùa dông bão, được mùa, vá lưới, nỗ lực, gắng sức, nghề truyền thống, nghề làm nước mắm xưa… Nhóm đề tài thứ 2 là tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước. Qua các tác phẩm không hề có chữ yêu đương, không có cảnh “nóng”, nhưng người xem bức ảnh “Hẹn hò” chỉ thấy cái mũ phớt úp trong lòng chiếc nón bài thơ trước một gò đất lớn. Tuy là ảnh tĩnh, nhưng trong suy nghĩ người xem lại thấy rất động, nam nữ đang hẹn hò. Hoặc tác phẩm “Bên khung cửa sổ”, tuy góc chụp xa, nhưng hình ảnh nam nữ sau khung cửa sổ, toát lên mối tình nồng thắm. Tiếp theo là nhóm đề tài xã hội - chiến tranh. Các tác phẩm của ông không có những trận chiến, bom, đạn đầy khói lửa, mà thay vào đó là hình ảnh nạn nhân của cuộc chiến. Tác phẩm cậu bé ôm chân cụt của cha đôi mắt rực lửa căm hờn; tác phẩm “Chiến tranh đi qua” để lại nỗi đau cho một gia đình, người cha chỉ còn một chân, nhưng phải mưu sinh để nuôi nấng hai đứa trẻ mồ côi mẹ. Hay tác phẩm hai đứa trẻ trên đường đi học về ngước mặt lên bức tường thủng loang lỗ bởi quả đạn nhầm đường, nhưng tâm hồn ngây thơ cứ nhìn mà không hiểu được sự tàn phá của cuộc chiến. Khi quê hương Bình Thuận chuẩn bị giải phóng, ông Ngô Đình Cường đứng chờ sẵn tại chân cầu Trần Hưng Đạo để săn bằng được bức ảnh “Xe tăng bộ đội cách mạng tiến vào Phan Thiết”. Nhóm đề tài tiếp theo là phong cảnh quê hương đất nước, thắng cảnh đẹp của Bình Thuận được ông phác họa bằng những góc chụp mới lạ không trùng lắp với các bức ảnh nghệ thuật khác. Trong tập sách ông chọn đăng nhiều bức ảnh nghệ thuật về đồi cát Mũi Né ở những góc độ khác nhau. Trong đó nổi bật nhất là tác phẩm “Qua đồi mộng”. Ông chọn thời điểm trời mới mưa xong những hạt titan màu đen nổi rõ hình hoa vân đã tạo nên bức ảnh nghệ thuật có một không hai về đồi cát Mũi Né…

Cả tập bản thảo ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Đình Cường thể hiện khá nổi bật đất nước và con người Bình Thuận xưa và nay. Nhất là cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân Phan Thiết xưa qua ống kính, góc chụp tinh tế, mới lạ, với tông trắng đen chủ đạo của nghệ sĩ tạo sự tương phản làm người xem có cảm giác như thấy được chiều sâu của mỗi bức ảnh nghệ thuật.

 Những tác phẩm sống mãi

Hơn 70 năm cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ngô Đình Cường đã chụp hàng chục ngàn bức ảnh với số giải thưởng ông không thể nhớ hết, nhưng có những bức ảnh trở thành tác phẩm để đời, sống mãi với thời gian, gắn với tên tuổi của ông. Ngày ông từ trần Báo Tuổi Trẻ đã đăng bài “Tác giả Qua đồi mộng qua đời”. Bài báo viết: Trên 70 năm cầm máy ông đã có một “gia tài” với nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế. 3 tác phẩm nổi tiếng (Qua đồi mộng, Hẹn hò, Đợi), trong đó “Qua đồi mộng” (giải thưởng Tượng vàng quốc tế 1973) được chọn in trong tuyển tập “Những kiệt tác nhiếp ảnh thế giới”. Sau khi nhận giải thưởng này ông được kết nạp vào Hội Nhiếp ảnh Hoàng Gia Anh. NSNA Ngô Đình Cường có thể được xem là cánh chim đầu đàn của phong trào nhiếp ảnh  nghệ thuật tỉnh Bình Thuận…

Lúc ông còn sống tôi có dịp trò chuyện, tìm hiểu về bức ảnh kiệt tác này. Ông kể: “Để có bức ảnh “Qua đồi mộng” tôi phải “trông trời, trông đất, trông mây” mấy ngày liền. Thế rồi, sau cơn mưa rào lớn khoảng canh ba thì sáng sớm tôi đã có mặt ở đồi cát để bấm máy. Bởi vì, qua nhiều lần theo dõi tôi thấy sau cơn mưa những hoa vân cát đen trên đồi cát chẳng khác nào như vầng mây xám. Đồi cát sau cơn mưa như một bức tranh thủy mặc…”.

Có thể nói, đồi cát Mũi Né được hàng trăm tay máy chuyên nghiệp thể hiện qua hàng ngàn bức ảnh nghệ thuật màu và trắng đen được công bố, trao giải thưởng… Nhưng kiệt tác “Qua đồi mộng” của ông không chỉ là bức ảnh nghệ thuật tựa như bức tranh thủy mặc mà còn lột tả được nét riêng của vùng cát mũi Né – dưới lớp cát mịn màng luôn di động còn tiềm ẩn những loại khoáng sản quý giá khác.

Ngoài kiệt tác “Qua đồi mộng”, NSNA Ngô Đình Cường còn có những khoảnh khắc bấm máy khác đi cùng với tên tuổi của ông mà người yêu thích ảnh nghệ thuật luôn nhắc tới, đó là tác phẩm “Hẹn hò” giải thưởng Huy tượng ART Việt. “Hẹn hò” ở đây chỉ là một bức ảnh tĩnh cái mũ phớt úp vào lòng chiếc nón lá mới trên bãi cỏ úa, phía sau chiếc nón, cái mũ là mô đất cao, ánh sáng chiều tạo sự tương phản khoảng sáng, khoảng tối. Người xem bức ảnh liên tưởng đến đôi trai gái đang yêu nhau thầm kín. Bức ảnh sống mãi với thời gian bởi tác giả đã lấy cái tĩnh để nói cái động; lấy cái nón, cái mũ để nói tình yêu đôi lứa thật lãng mạn. Hay tác phẩm “Đợi” đạt giải khuyến khích ảnh trắng đen do Fiap tổ chức tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Bên cạnh những tác phẩm đạt giải thưởng thì ông còn có những bức ảnh không có giải thưởng lớn, nhưng lại sống với thời gian như: “Xe tăng bộ đội cách mạng tiến vào Phan Thiết”. Tôi đã từng nghe ông kể: Sáng hôm ấy (19/4/1975) đường phố Phan Thiết khác hẳn với những ngày trước đó, hầu như không còn nghe tiếng nổ của bom, đạn pháo mà thay vào đó là tiếng cười, nói, thăm hỏi, chào đón bộ đội cách mạng. Sáng sớm nắng dịu, bầu trời trong xanh không một gợn mây, tôi cũng hòa mình vào niềm vui chung của người dân Phan Thiết. Hai bên đường Trần Hưng Đạo người dân vẫy tay chào bộ đội. Lúc đó tôi nghĩ ngay đến việc phải chụp cho được chiếc xe tăng tiến qua cầu Trần Hưng Đạo trong niềm vui của nhân dân Phan Thiết. Tôi chờ không lâu lắm thì thấy chiếc xe tăng đầu tiên đến khu vực tường rào Tiểu khu Bình Thuận rồi vượt qua cầu, cờ giải phóng tung bay phấp phới và những cánh tay bộ đội trên xe tăng vẫy chào người dân hai bên đường thật cảm động. Đây là khoảnh khắc hiếm có tôi đã bấm hàng chục kiểu ảnh. Sau đó, tôi cùng người bạn đi chiếc honda 67 đón các ngã đường để tiếp tục chụp những bức ảnh khác khi bộ đội cách mạng vào tiếp quản Phan Thiết…”. Bức ảnh “Xe tăng bộ đội cách mạng tiến vào Phan Thiết” của NSNA Ngô Đình Cường chụp sáng 19/4/1975 là tác phẩm có giá trị ghi lại khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ.

NSNA Ngô Đình Cường cầm máy ảnh từ lúc bước vào tuổi 20. Hơn 70 năm trong nghề chụp ảnh nghệ thuật ông đã giành nhiều giải thưởng lớn. Những năm chiến tranh chống Mỹ ông vừa chụp ảnh nghệ thuật vừa hoạt động bí mật cho cơ sở Phật giáo cứu quốc thị xã Phan Thiết và bị tù đày. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ông được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 2004 ông được tặng huy chương “Vì sự nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam”.

Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Đình Cường: Những “khoảnh khắc” sống mãi với thời gian