Theo dõi trên

Cúng biển đầu xuân

02/03/2018, 09:54

BT- Tờ mờ sáng, những người đàn ông, đàn bà này đã lục tục xuống biển. Sớm nay, họ không đi tắm biển như thường lệ mà ăn mặc chỉnh tề, nét mặt có phần nghiêm trang hơn. Trên xe họ không phải là bình nước ngọt, chiếc khăn tắm, mà bông hoa, trái cây, trà, bánh, rượu và một con heo quay vàng ruộm. Họ đi cúng biển.

                
Lễ hội Cầu Ngư là một trong những phong tục    cúng biển của người dân. Ảnh: Internet

Thường trước ngày ông Táo về trời (23 tháng chạp) là các hội tắm biển ở TP. Phan Thiết lại rục rịch cúng biển. Phan Thiết có nhiều hội - nhóm tắm biển, chơi với nhau theo lứa tuổi, sở thích, nghề nghiệp… nhưng có chung một niềm đam mê yêu biển, gắn bó với biển. Một năm 365 ngày, có lúc biển êm ả, lúc dậy sóng, lúc nắng, mưa, ấm, lạnh nhưng biển luôn đồng hành với họ, cho họ niềm vui sống, sức khỏe, lạc quan yêu đời, quẳng bớt đi nỗi cô đơn, bệnh tật của tuổi già. Biển là điểm hẹn hàng ngày họ gặp gỡ, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Xa biển một ngày là thấy buồn, vắng ai một ngày là nhắc nhớ, gọi điện hỏi thăm…

Vì thế, cúng biển là một tập tục thường niên của nhiều hội tắm biển. Chọn một vị trí đẹp, cao ráo ở bãi tắm để đặt mâm cúng, bày biện lễ vật xong xuôi, khi mặt trời vừa nhú lên khỏi mặt biển, các thành viên trong hội tắm biển thành kính đứng hướng về phía biển, thắp nhang vái tạ và cầu mong trong năm mới biển tiếp tục ban phát cho mình sức khỏe để sống vui, sống khỏe cùng con cháu, anh em bạn bè.

Mâm cúng biển gồm nhiều món: bông vạn thọ, trái cây, bánh, trà, rượu, xôi và một con heo quay nguyên con khoảng trên 20kg vàng ruộm. Để có heo quay cúng biển, các thành viên hội lập ra một dây “huê heo” mỗi ngày góp 10.000 đồng/người (góp hàng ngày khi gặp nhau dưới biển). Tiền lãi từ “huê heo” dùng để đi thăm, viếng nhau khi có người ốm đau, hoạn nạn hay qua đời.

Có người già yếu, con cháu phải dìu đi xuống cúng biển. Có người không chạy xe nổi, phải kêu taxi. Nhiều cụ là dân Phan Thiết, đã sang nước ngoài định cư, mà vẫn nhớ quay quắt ngày cúng biển hàng năm, tết nào cũng gửi về ít “đô” gọi là góp phần với hội. Năm nào được về quê ăn tết là “phi” ngay xuống biển để hàn huyên tâm sự.

Lễ cúng biển năm nay, nhìn hội tắm biển mỗi năm một thưa vắng mà lòng thấy rưng rưng. Tiếng ai thì thầm: Sao hôm nay không thấy bà ấy xuống biển? Giọng ai đó trả lời: Bệnh nặng lắm rồi, sáng nay không ngồi dậy nổi! Mùi bông vạn thọ hòa vào tiết trời se lạnh và nhang trầm ngào ngạt, làm tôi nhớ quá dáng người liêu xiêu trên bãi cát mỗi buổi sớm mai.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cúng biển đầu xuân