Theo dõi trên

Cuối năm nghĩ đến tuổi già?

25/01/2019, 14:18

BT- Tôi từng đọc nhiều tác phẩm của Đỗ Hồng Ngọc, vì tên tuổi của anh qua những sách viết về y khoa với một phong cách riêng, ngoài ra còn có số lượng lớn về thiền, văn học mà thể loại tạp bút, thơ của anh (Đỗ Nghê) đã cho tôi sự cuốn hút đến kỳ lạ. Có lẽ tôi nghĩ về những gì yêu quý ở vùng đất La Gi - Hàm Tân xưa nay, mà đây là nơi chôn nhau cắt rốn của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Từ khi nơi này không còn là khu căn cứ địa kháng chiến thời Pháp nữa thì anh rời quê nhà ra Phan Thiết học rồi vào Sài Gòn cho đến khi tốt nghiệp y khoa từ năm 1962. Đất Sài Gòn lại có sự thôi thúc đầy ma lực để anh trở thành một thầy thuốc có tâm, có tài, nhưng theo tôi qua các tác phẩm dù khoa học, thơ, văn… của anh đều chất chứa cái tâm tình và tiếng nói của người nghệ sĩ, của lời ru rất “tình người”.

                
 

Ngọn bấc tháng chạp từ biển thổi vào lòng người cũng ít nhiều bâng khuâng, hiu hắt khi nghĩ đến cái tuổi đang âm thầm về phía trước theo quy luật đất trời. Thì lúc này tôi tìm đọc lại tập tản văn “Già ơi… chào bạn!” của Đỗ Hồng Ngọc đã xuất bản đến lần thứ 3  cách đây tròn 20 năm. Nghe tựa sách đã thấy anh khẳng định “Già là điều tất yếu, là chuyện đương nhiên khi người ta tích tuổi, thêm tuổi”. Tôi lại nghiệm ra khi hỏi han anh về một triệu chứng cơn đau cột sống dai dẳng rồi than vãn, bằng cách nói thân tình, anh tư vấn “Ai biểu mày già chi?”… Ồ, có lý thật! Cho nên trang đầu của tập sách, bài “Già là gì?”, tác giả không phân tích theo ngôn ngữ “lão khoa” mà bằng những câu chuyện thường nhật của người thầy thuốc. Tôi tâm đắc nhất với một câu anh viết: “Hồi trẻ, hồi trung niên và hồi đó. Khi ta dùng từ hồi đó hơi nhiều để nhắc lại những chuyện xưa thì đó là dấu hiệu của tuổi già”. Điều này quá rõ trong thực tế, với người đang tuổi về già, trong câu chuyện “hồi đó” thường lặp lại mà mình đã nghe nhiều lần. Tôi có nhiều cơ hội dự các cuộc tọa đàm gồm những nhân chứng lịch sử của thời kỳ kháng chiến từ xã, huyện và tỉnh… Nội dung, chủ đề cần thảo luận thường bị rơi vào tình trạng “chuyện bây giờ mới kể” nhưng vẫn được thông cảm, trân trọng vì đó là ký ức khó quên và đang trong trạng thái “hồi đó” mà thôi. Bài “Khi nào thì người ta già? Theo Đỗ Hồng Ngọc không có cái mốc tuổi tác nào để nói được. Có khá nhiều định nghĩa tuổi già từ các nhà nghiên cứu hoặc theo cách nhìn bằng phương pháp y học như tổ chức sức khỏe thế giới WHO thì căn cứ cái mốc trên tuổi 60… Và theo tác giả đã dí dỏm “lúc đó ta đang tập tễnh bước vào nhóm của những người cao tuổi do Liên hiệp quốc “áp đặt” vậy!”. Có vẻ anh không mấy tán đồng cái ranh giới già, trẻ cứng ngắt đó vì trong bài khác trong tập sách “Mỗi người già mỗi kiểu, biết ơn mình, một tuổi già hạnh phúc…” thì các yếu tố tâm lý của tuổi già hạnh phúc, anh nhấn mạnh đến yếu tố “làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, vì người, vì đời hơn là chỉ tập trung vào bản thân mình”. Còn quá khứ của một thời hãy để nó mặc nhiên tồn tại qua câu thơ anh viết: “Lắng nghe hơi thở của mình/Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa” và để rồi “Của mình chẳng phải của mình/Thì ra hơi thở của nghìn năm sau”… mới có được một tâm hồn an lạc, phải biết tự tại để sống hạnh phúc.

Từ những chiêm nghiệm đó, các tác phẩm: “Gió heo mây đã về, Những người trẻ lạ lùng, Như ngàn thang thuốc bổ, Thư gửi người bận rộn… cho đến những lý giải giàu tính minh triết như: Như thị, Nghĩ từ trái tim, Thiền và sức khỏe, Cõi Phật đâu xa…”, hay loạt bài trên chuyên mục Phật học và đời sống (Tạp chí Văn hóa Phật giáo), càng gần gũi với tuổi già một cách lạc quan mà có người nói vui từ câu nói “sống chung với lũ”. Tức phải biết thích nghi và có một triết lý sống phù hợp với hoàn cảnh mới đối với tâm thế mình. 

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuối năm nghĩ đến tuổi già?