Theo dõi trên

Đá cảnh - nghề chơi lắm công phu

12/04/2019, 09:54 - Lượt đọc: 918

BT-  Những năm gần đây, tại Bình Thuận đá cảnh là loại hình nghệ thuật được khá nhiều người yêu thích. Những hòn đá được thu lượm về từ bãi biển, ven suối hay sườn đồi… qua góc nhìn của người chơi lại là những tác phẩm nghệ thuật, mang một triết lý riêng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của chủ nhân.

                
Nhà văn Nguyễn Hiệp và một tác phẩm đá    cảnh.

Nhà thơ Nguyễn Huỳnh Sa - hiện cư ngụ tại phường Tân An, thị xã La Gi là tác giả tập thơ xuất bản cách nay hơn 10 năm có tựa đề “Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ”. Sở dĩ ông lấy tựa đề tập thơ như vậy, bởi nó gắn với kỷ niệm tuổi thơ nơi vùng quê Tân Thành, Hàm Thuận Nam - miền biển Kê Gà - Hòn Lan nổi tiếng về đá. Và cũng từ những kỷ niệm đó đã đưa ông tới niềm đam mê với đá nhiều năm qua.

Trong phòng khách nhà ông trưng bày một số đá cảnh được lấy ở mũi Hòn Lan, đó là những viên đá núi lửa có từ hàng triệu năm. Nguyễn Huỳnh Sa cho biết mình chơi hoàn toàn tự nhiên chứ không quan niệm theo trường phái nào. Đá lấy về nhiều nhưng do điều kiện không gian chưa cho phép nên mới có một số sản phẩm đưa ra trưng bày. Về ý nghĩa một số tác phẩm đá của mình, ông cho biết:  “Có viên thấy nó giống trái đào, mình có viết mấy câu: Trái tình rụng xuống trăm năm/Hạt yêu thương đã dậy mầm chưa em? còn viên giống mặt người thì mình cho đó là chân dung của chính mình, có bức lại giống như một gia đình, gồm cha mẹ, con cái quây quần”.

                
Nụ hôn Thiên điểu - tác phẩm đá cảnh của    Nguyễn Hiệp.

Cũng theo nhà thơ Nguyễn Huỳnh Sa, khi đã chơi thì có niềm đam mê, hễ nghe có đá ở đâu cũng cố đến để tìm những viên ưng ý mang về. Đá thường có chân đế để trưng, có những buổi trưa đi làm về tuy mệt nhưng cũng ráng tạo nên một cái chân đế cho hợp với viên đá của mình mới thỏa mãn. Hiện ông còn khá nhiều đá phôi vẫn cất đi để khi nào thích hợp sẽ đưa ra xử lý và trưng bày. Ông cho biết thêm hiện ở La Gi cũng có một số người đam mê chơi đá cảnh, họ thường hay gặp gỡ cùng đi lấy đá hoặc góp ý cho nhau tạo nên những tác phẩm đá cảnh đẹp để thưởng lãm.

Còn đối với nhà văn Nguyễn Hiệp ở thị trấn Thuận Nam, cùng với việc sáng tác, viết báo thì chơi đá cảnh cũng được ông yêu thích và đi sưu tầm thường xuyên từ hơn 5 năm qua. Trên facebook của nhà văn, mỗi khi có được một tác phẩm đá ưng ý, ông thường đưa lên để mọi người chiêm ngưỡng. Nhà văn Nguyễn Hiệp cho biết, chơi đá theo kiểu Nhật Bản có hai trường phái Suiseki - tức chơi đá nguyên bản và Biseki - chơi đá cho phép can thiệp bên ngoài. Ông chia sẻ, Suiseki xuất phát nguyên thủy là “thạch thủy”, theo nghĩa tiếng Việt đó là “thuật chơi đá nước”. Đá tự nhiên đem về, dùng nước tưới cho nó có độ tươi trở lại. Viên đá mang về chỉ làm sạch, không được tác động vào, nét nguyên bản này tiệm cận được với Thiền - mở ra được trường giao tiếp giữa con người và thiên nhiên (ngôn ngữ vô thanh). Khi đứng trước suiseki, không gian mở rộng ra rất nhiều, làm cho con người thấy tự tại, chìm vào một thiên nhiên khác. Người nào biết cách mở thì sẽ đi vào con đường của thế giới đá - một thế giới vô cùng vô tận.

                
   
Trầm tư - tác phẩm đá cảnh của Nguyễn Hiệp.

Để có một tác phẩm đá đẹp, người ta dựa vào những tiêu chí như hình dáng, màu sắc, cấu trúc, sự cổ xưa và tổng thể. Người chơi sẽ xem xét các mặt như trên - dưới, phải - trái, trước - sau để chọn thế. Theo nhà văn Nguyễn Hiệp, người chơi có thể chọn nhiều chủ đề như về con người, thiên nhiên, con vật... nhưng được đánh giá cao nhất là dáng người. Chọn được hình người mang dáng vẻ nội tâm sâu kín thì vẫn là ưu tiên số một, được đánh giá cao trong các kỳ thi hay nhìn nhận của giới chuyên môn. Việc chọn đế (tức Daiza theo tiếng Nhật) cũng là điều quan trọng. Tùy từng tác phẩm mình tạo Daiza cho phù hợp. Thường người ta dùng loại gỗ tốt, màu sậm để không chi phối tác phẩm chính.

Hiện trong khuôn viên ngôi nhà của mình, trong phòng khách hay ngoài sân, Nguyễn Hiệp trưng bày hàng trăm đá cảnh các loại. Có tác phẩm tình cờ tìm được ven đường trong khi đi lấy tư liệu viết báo, có tác phẩm phải bỏ cả ngày trời đi dọc theo bờ suối để tìm, cũng có tác phẩm lấy được từ vùng Sông Bung, Quảng Nam mang về... Mỗi phiến đá là một tác phẩm độc đáo, có thể kể ra như: Cá đá, Núi đôi, Bùa yêu, Đá cười, Cừu đen, Lá, Thư pháp, Hoa vô thường... Có thể nói, để có được một tác phẩm đá ưng ý, ông đã phải bỏ ra khá nhiều công sức, thời gian, nhưng Nguyễn Hiệp cho biết, điều đó mang lại cho mình những ý nghĩa cuộc sống.

“Chơi đá là một quá trình chứ không phải là mục tiêu trong một thời điểm nào đó. Quá trình đó giúp con người ta thấy an lạc, tĩnh tại trong người hay là thấy yêu mến thiên nhiên, yêu mến con người, thấy hỉ xả, từ bi với cuộc đời. Tuy nhiên, nó còn công dụng nữa về mặt y học đó là trong tất cả các thuật làm láng đá thì người ta dùng mồ hôi và chính đôi tay của mình, hàng ngày dùng đôi tay để xoa tác phẩm đá đó. Khi xoa như vậy thì các huyệt ở trong hai lòng bàn tay được tác động và ảnh hưởng tốt đến sức khỏe của người chơi. Người ta thường nói “đá vào nhà thì con bệnh đi ra”, tức là người chơi đá ít khi nào bị bệnh vặt” - nhà văn Nguyễn Hiệp chia sẻ.

THIÊN THANH



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đá cảnh - nghề chơi lắm công phu