Theo dõi trên

Để văn hóa đọc đi vào cuộc sống

05/07/2017, 09:50

BT- Cùng với nhịp sống sôi động, sự phát triển của khoa học công nghệ, con người có thêm nhiều kênh thông tin để tiếp nhận các tri thức. Vì thế, nhiều người không còn mặn mà với việc đọc, đặc biệt là giới trẻ đã không còn muốn đọc sách theo cách truyền thống, dẫn đến văn hóa đọc ngày càng bị mai một. Xã hội hiện đại tuy đem đến cuộc sống đầy đủ hơn cho mọi người nhưng cũng mang đến nhiều thói quen không tốt ảnh hưởng đến tư duy, cách nhìn nhận, suy nghĩ cũng như hành động của mỗi người. Những trang cá nhân như zalo, facebook, những thiết bị công nghệ: điện thoại, ipad, laptop cũng khiến con người trở nên lười đọc sách. Bên cạnh đó, sự tiếp nhận thông tin thụ động qua các phương tiện nghe nhìn hiện đại đã làm giảm bớt tính tư duy, sự sáng tạo vốn có của văn hóa đọc.

                
Ảnh minh họa

Khác với những năm về trước, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Nhưng hiện tại văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều.  Nhiều bạn trẻ cho rằng đọc sách là lạc hậu, bởi đây là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng để đọc vừa nhanh vừa đỡ tốn kém. Trước thực tế đó, UBND tỉnh  Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó mục tiêu chung là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Qua đó nhằm cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, cũng như tăng cường ý thức chấp hành pháp luật và hình thành lối sống lành mạnh trong con người, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Định hướng đến năm 2030, người dân sẽ có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập và công tác. Ngoài ra các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố theo hướng tăng dần, phấn đấu đạt từ 0,5 - 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng. Trung bình mỗi người dân đọc 5 cuốn sách/năm, môi trường đọc tiếp tục được mở rộng với nhiều loại hình từ tỉnh đến cơ sở. Hoạt động thư viện có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân, bao gồm cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, xuất bản phẩm in và điện tử.

Để làm được điều đó cần tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc. Qua đó khẳng định phát triển văn hóa đọc là điều kiện cần thiết trong mục tiêu nâng cao dân trí và học tập suốt đời. Bên cạnh đó cần vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng và duy trì thói quen đọc, trong đó tiếp tục chú trọng sách in, phù hợp với điều kiện của từng đối tượng. Thường xuyên tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan, tiếp cận và đăng ký sử dụng thư viện, trực tiếp sử dụng các dịch vụ tìm kiếm và khai thác các loại hình tài liệu thư viện. Xây dựng và phát triển hệ thống thư viện hiện đại để làm phong phú cách tiếp cận đọc sách cũng như vốn tài liệu, thân thiện với người sử dụng, trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của cộng đồng…

 A.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để văn hóa đọc đi vào cuộc sống