Theo dõi trên

Đến với bài thơ hay: Bảy lần đời mẹ đi qua của nhà thơ Quang Chuyền

17/07/2017, 09:20

BT- Bài thơ viết cụ thể về mẹ Thương - Mẹ Việt Nam anh hùng, không những chồng đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà liên tiếp 6 người con của mẹ cũng lần lượt hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ ở các mặt trận phía Nam, ở nước bạn và cả ở biên giới Hà Tuyên năm 1979.

Bài thơ lục bát Bảy lần đời mẹ đi qua trước hết là sự xúc động khó kìm nén đối với bất cứ ai khi được đọc bài thơ này khí thế mạnh của thể thơ lục bát mà Quang Chuyền đã chọn khổ thơ tự sự ngay lúc vào đề: “Bảy mươi năm khuyết bảy ngày/Đè lên trĩu nặng vai gầy… mẹ đi/ Nén nhang thắp nỗi thầm thì/ Mẹ trao vào khói những gì cần trao/ Chồng đi lỡ bước mất nhau/ Cái năm ta kéo pháo vào Điện Biên/ Mênh mông đồng đất bưng biền/ Chẳng hay thằng cả khuất chìm nơi nao?/ Còn năm thằng tiếp theo nhau/ Đứa sông Thạch Hãn, đứa vào Tây Nguyên/ Đứa nằm biên giới Hà Tuyên/ Đứa sang nước bạn sao quên đường về?...

Chọn thể thơ lục bát để chuyên chở nỗi lòng là một sự chọn lựa đắt giá ở thể tự sự, nhưng Quang Chuyền không dừng lại ở đó mà anh đã vượt lên truyền thống, dùng lục bát để chuyên chở những suy tư ngẫm nghĩ mới, thể hiện ở khổ thơ tiếp theo của bài thơ Bảy lần đời mẹ đã đi qua… “Bảy lần mẹ tiễn người đi/ Bảy lần mái tóc bạc vì xót xa/ Bảy lần nhang khói chia ra/ Lẫn trong màu khói ông bà tổ tiên/ Tuổi mình có thể mẹ quên/ Đếm đong mất mát chất lên đầy lòng/ Mỗi mùa đất nước pháo bông/ Mẹ nhìn nhang khói uốn vòng như hoa/ Bảy lần mẹ giấu xót xa/ Khăn khô, lại ướt năm qua bảy lần…/ Ở nơi bức tượng lòng dân/ Mẹ giờ ngồi với xa gần nước non…!

Tâm sự với tôi nhà thơ Quang Chuyền nói: Đi qua nhiều làng quê Việt Nam trong và sau chiến tranh gặp rất nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng và anh đã thấm đẫm nỗi đau của những người mẹ, người chị. Trường hợp mẹ Thương anh gặp để có bài thơ Bảy lần đời mẹ đi qua quả là trường hợp đau thương mà anh không thể kìm nén được vì sáu người con của mẹ có phải đứa nào cũng tìm được mộ đâu?

Vâng! Sự đau thương mất mát của các người mẹ, người chị nói riêng và nói chung của cả dân tộc ta để làm nên chiến thắng vang dội khắp năm châu bốn biển bao giờ cũng phải trả  một cái giá nhất định. Tuy nhiên, với một cách nhìn đúng đắn thì đó là sự hy sinh cần thiết để bảo vệ đất nước; và đó cũng là giữ gìn truyền thống tốt đẹp của ông cha ta bao đời nay khi phải đánh trả giặc ngoại xâm. Nhà thơ Quang Chuyền, một trong những nhà thơ đã từng xông pha trận mạc nhận ra sự đẹp đẽ trong nỗi mất mát chính là cái đẹp về nỗi đau chứ không phải là sự bi đát về nỗi đau rất rõ ràng trong khổ thơ cuối:… Mỗi mùa đất nước pháo bông/ Mẹ nhìn nhang khói uốn vòng như hoa/ Bảy lần mẹ giấu xót xa/ Khăn khô, lại ướt năm qua bảy lần…/ Ở nơi bức tượng lòng dân/ Mẹ giờ ngồi với xa gần nước non…!

TrẦn Duy Lý



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến với bài thơ hay: Bảy lần đời mẹ đi qua của nhà thơ Quang Chuyền