Theo dõi trên

Đi cùng bạn đọc

21/06/2019, 09:04

BT- Anh bạn bên Tòa soạn Báo Bình Thuận nhắn tôi, nhân Ngày Nhà báo (21/6), nên điểm lại một số phản hồi về chuyên mục “Góc nhìn giáo dục” trên “Bình Thuận cuối tuần” trong thời gian qua, gợi tôi nhớ đến bài viết của Minh Thành: “Góc nhìn giáo dục” – Sức lan tỏa của những bài viết. Còn ý kiến phản hồi, khá nhiều, nhưng có mấy vấn đề muốn chia sẻ.

 Những dòng tâm sự

Người viết bài bao giờ cũng nhằm mục đích để giao lưu với người đọc những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Nếu được nhiều bạn đọc sẻ chia, đó là niềm vui của người viết. Tôi có anh bạn PGS TS – anh có đăng một số bài nghiên cứu của tôi nói, bài đăng lên được chừng một, vài trăm người đọc thế là quý rồi, đăng mà chẳng có ai đọc, buồn lắm! Nhìn lại chuyên mục “Góc nhìn giáo dục” trong thời gian qua, bài đăng trên báo giấy được đăng lại trên báo online, mỗi bài có ít nhất 1.000 lượt xem trở lên, có bài đến trên 2.000 lượt. Sau đó, chúng tôi chụp lại đưa lên kênh facebook cá nhân, bạn bè vào tham gia bình luận – comment, khá sôi nổi. Nhưng độ dài bài viết luôn giới hạn, không chuyển tải hết được nội dung cần nói, nhiều lúc chỉ nêu vấn đề để cùng suy ngẫm, không thể phân tích một cách rốt ráo. Thế nên, có bạn đọc phản hồi theo hướng khác, có khi cảm tính theo mục đích cá nhân, chệch hướng, không đúng với tinh thần bài viết nêu lên. Nhớ khi đăng bài “Sợ thanh - kiểm tra”, nhằm trao đổi tìm ra giải pháp để không ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên khi tác nghiệp, nhưng có bạn lại nhảy vào tố cáo chuyện thanh tra, nội dung tố không rõ ràng, không chuẩn, làm cho người đọc chẳng biết thực hư, hiểu không đúng về công tác thanh – kiểm tra của ngành, thật là tai hại.

 Cần đọc kỹ để phản hồi giao lưu

Khi đăng bài “Chiếc roi trên bục giảng”, mượn hình tượng trong quá khứ xa xưa, nhằm nói đến sự kết hợp chặt chẽ giữa thầy giáo và phụ huynh, sự uy nghiêm của nhà trường trong việc giáo dục con em nên người – để cùng suy ngẫm trong thực trạng hiện nay không ít phụ huynh xúc phạm đến thầy cô, nhà trường, chứ đâu có đồng tình cách dùng roi vọt đánh học sinh. Thế nhưng, nhiều bạn phản hồi theo hướng khác, có lẽ chưa đọc những bài chúng tôi viết về giáo dục nhân phẩm học sinh trước đó, nên phải đăng tiếp bài “Đôi điều từ giáo dục gia đình” để nói rõ hơn. Nhớ hôm đăng bài “Trèo lên cây bưởi làm chi”, lấy nhan đề bài viết như thế là dựa theo cách đặt nhan đề của học sinh sau khi cảm nhận bài ca dao, nhưng có người phản hồi viết bài đưa lên facebook cá nhân, đặt lại nhan đề: “Em có chồng rồi, anh tiếc làm chi” (hai nhan đề có nội hàm hoàn toàn khác nhau), ấy vậy lại bình phẩm: “Tôi mỉm cười với sự táo bạo của nữ sinh. Nhưng ngẫm lại cái tên này hơi thô, lộ liễu và táo bạo quá”. Một ý nữa, cho rằng bài ca dao hay rồi, không cần đặt nhan đề. Như thế, người phản hồi không phải người dạy Ngữ văn, nên không biết nội dung chương trình có phần hướng dẫn học sinh tập cách đặt nhan đề cho một đoạn văn, một tác phẩm. Hơn nữa, bài báo chỉ nêu lên một cách tiếp cận tác phẩm. Nhưng cũng có nhiều bạn nêu ý kiến bổ sung để nội dung bài viết được sáng tỏ hơn. Khi đăng bài “Nhất chi mai”, đề cập đến yếu tố thiền, nói rằng đây là bài kệ của Mãn Giác, giảng để học sinh hiểu hết ý tưởng biểu đạt của một nhà sư đạt đến cảnh giới thiền định là rất khó. Nhiều bạn vào bình luận, trong đó có bạn post lên một nhành lan và góp ý bổ sung về yếu tố tánh không: Nhành lan này hai tháng trước nó không có, hai tháng sau cũng không còn. Nó là quy luật của tự nhiên không sanh, không diệt, mà chỉ chuyển hóa tuần hoàn trong vũ trụ, mắt thường chúng ta không thấy được. Còn nhành mai là bản thể của vũ trụ, là tánh không, thường hằng tịch tịnh, không sanh không diệt mà thiền sư đã thấu rõ; như sóng, như mây chuyển động khi có lực tác động, còn không, nó sẽ trở về trạng thái tĩnh lặng. Với ông, qua bài kệ, không còn những biến động của cuộc đời ràng buộc, đã đạt đến cảnh giới an nhiên tự tại. Chúng tôi trân trọng những góp ý thế này.

Rất mong đón nhận tham gia viết bài

Đến nay đã có 110 bài trên chuyên mục “Góc nhìn giáo dục”, nhiều bạn đọc tán đồng nhiều bài viết, rằng tác giả đã nói hộ những điều mà bản thân muốn nói, song chưa biết nói với ai. Nhưng có số bạn gặp riêng chúng tôi, bảo rất thích một số bài viết. Hỏi lại, sao không thấy vào like, comment? Trả lời, bởi bài viết nêu vấn đề gần giống như nói về sếp của mình, nhạy cảm quá, nên thích mà ngại. “Góc nhìn giáo dục” mong rằng, các bạn – nhất là thầy cô, có những điều trăn trở, những ý tưởng hay, viết bài tham gia cho chuyên mục này thêm phong phú, để cùng sẻ chia, giao cảm, làm cho cuộc đời – về sự nghiệp giáo dục, ngày thêm tươi sáng.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi cùng bạn đọc