Đi lễ chùa an toàn mùa dịch
Đi lễ chùa an toàn mùa dịch
BT- Lễ chùa là nét đẹp văn hóa truyền thống được duy trì ở nhiều gia đình Việt
Nam trong những ngày đầu xuân mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19,
Tết Nguyên đán Tân Sửu, số lượng người đi lễ chùa tại các điểm du lịch tín
ngưỡng trên địa bàn tỉnh, trong đó có chùa núi Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam đã
giảm hẳn so với năm ngoái. Công tác phòng chống dịch tại các khu du lịch được
thực hiện nghiêm ngặt đối với du khách.
Cầu sức khỏe, bình
an
Đi lễ chùa để cầu bình an, sức khỏe,
tài lộc cho gia đình trong năm mới là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời của người dân
Việt Nam. Bởi vậy, nhiều năm qua, ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ, nổi tiếng với
pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49m trên đỉnh núi Tà Cú thuộc huyện
Hàm Thuận Nam thu hút rất đông du khách về đây lễ Phật. Người dân địa phương
thường gọi ngôi chùa này với tên thân mật là chùa núi Tà Cú. Với lịch sử tồn tại
trên 140 năm, chùa núi Tà Cú có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc hòa mình giữa
khung cảnh thiên nhiên giữa rừng núi hoang sơ và huyền bí. Khi chưa có cáp treo
lên núi, khách hành hương đi lễ chùa bằng đường bộ dài gần 2.000 m với nhiều
đoạn ngoằn ngoèo, dốc đá thẳng đứng. Đến năm 2007, tuyến cáp treo 25 cabin được
đầu tư, mỗi cabin chở tối đa 6 người. Chỉ trong 10 phút đi cáp treo, khách hành
hương sẽ có mặt trên đỉnh núi, lễ Phật và hòa mình trong không khí trong lành
của núi rừng nguyên sinh.

Người dân đeo khẩu trang khi đi lễ chùa núi Tà Cú
Chị Mai - người dân xã Tân Thành -
huyện Hàm Thuận Nam cho biết, chị đã đến đến tham quan và lễ chùa núi Tà Cú rất
nhiều lần nhưng mỗi lần đến đây chị vẫn thích nhất là không khí trong lành và
những tượng Phật lớn, mang đậm văn hóa người Việt. “Năm qua là một năm khó khăn
nên tôi cầu mong năm mới nhiều điều an lành, nhất là mong cho đại dịch sớm qua
đi để xã hội được yên ổn trở lại” – chị Mai chia sẻ. Anh Hùng ở thị xã La Gi cho
biết: “Trước đây, chúng tôi phải leo núi để lên chùa, bây giờ chỉ cần 15 phút đi
cáp treo là đến nơi. Chính vì vậy, gần như tết năm nào gia đình tôi cũng đến du
xuân ở chùa núi Tà Cú. Trước hết là lễ Phật cầu mong cho gia đình một năm an
khang thịnh vượng, sau đó tận hưởng một không khí mát mẻ, trong lành, yên tĩnh
trên núi cao”.
Đảm bảo biện pháp
phòng dịch
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng,
khu vui chơi, nhà lưu niệm, quán ăn, quán cà phê cũng lần lượt được đầu tư phía
dưới chân núi và thu hút rất đông du khách. Hiện, trong khuôn viên rộng lớn của
Khu du lịch TTC World – Tà Cú đều có cây xanh phủ bóng mát với nhiều trò chơi
thú vị. Đơn vị làm du lịch này rất chú trọng công tác giữ gìn môi trường tự
nhiên, không tác động tiêu cực đến quần thể cây xanh ở đây. Dọc quanh các tuyến
đường trong khuôn viên đều có hoa, đủ loại hoa khoe sắc. Hàng năm, mỗi độ xuân
về, chùa núi Tà Cú trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn
dành cho du khách trong và ngoài nước. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, do ảnh hưởng
bởi dịch Covid-19 nên lượng khách lên chùa cũng như đến Khu du lịch Tà Cú giảm
hẳn so cùng kỳ năm trước. Theo khu du lịch này, trong 6 ngày nghỉ tết, mỗi ngày
đón chỉ khoảng gần 2.000 lượt khách, giảm 1/3 so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Công Thái – đại diện Khu du
lịch Tà Cú cho biết, do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, Ban Quản lý Khu
du lịch TTC World - Tà Cú thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh về việc triển khai
biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 khi đi lễ chùa. Theo đó, người dân
cần phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, đeo khẩu trang, thường xuyên
rửa tay sát khuẩn. Khu du lịch đã bố trí các bảng thông tin, gel diệt khuẩn tại
các vị trí phục vụ khách. Đồng thời, yêu cầu 100% nhân viên đeo khẩu trang, đo
thân nhiệt cán bộ, nhân viên và khách vào công ty, cáp treo vệ sinh khử khuẩn
cuối mỗi ngày phục vụ khách. Ngoài ra, Khu du lịch TTC World - Tà Cú còn gửi
danh sách vùng dịch, yêu cầu cán bộ, nhân viên nếu trở về từ vùng dịch thì thông
báo và không đến công ty.
Trước diễn biến phức tạp của dịch
Covid-19, người dân cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của Bộ Y tế nơi công
cộng để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Thu Hà