Theo dõi trên

Đi tìm Văn miếu Bình Thuận xưa

18/10/2019, 09:25 - Lượt đọc: 1,716

Bài 2: Trên thực địa và nguồn gốc một địa danh

  Cuộc đi tìm về quá khứ

BT - Tôi làm chuyến điền dã về xã Phan Rí Thành (huyện Bắc Bình), một trong những vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống nho học của Bình Thuận xưa, mong tìm lại chút dấu vết trầm tích. Dẫu biết rằng qua bao gió bụi phủ dày, vật đổi sao dời, nhà thơ Bùi Nguyên Hư, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tam Mỹ - hai “thổ địa” Phan Rí Thành vẫn vui vẻ, nhiệt tình tham gia cùng tôi vào cuộc đi tìm về quá khứ. 

                
Bình Thủy Lạc Sơn thôn xưa bên kia sông.

Đồng Khánh chí ngoài phần chữ chép về hình thái đất đai, khí hậu, sông suối, núi non, từ miếu… còn có bản đồ khảo tả. Dựa vào các địa điểm, công trình lưu lại trên bản đồ, chúng tôi đến thôn Bình Liêm, nơi quần tụ 3 làng Bình Thủy (trùng với tên thôn Bình Thủy, một trong 4 thôn của xã Phan Rí Thành hiện nay), Lạc Sơn và Liêm Công. Làng Lạc Sơn hiện nay chính là thôn Bình Thủy Lạc Sơn ngày xưa. Vậy thì Bình Thủy Lạc Sơn được đổi tên thành Lạc Sơn từ khi nào? Câu hỏi cứ bám theo chúng tôi suốt cuộc đi tìm về quá khứ, đưa chúng tôi từ hết ngạc nhiên này, đến bất ngờ khác.

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là miếu Thiên Y, bản đồ Đồng Khánh chí chép Thiên Y từ (天依祠), hiện nay gọi là Thiên Y cổ miếu. Miếu thuộc làng Bình Thủy, thờ nữ thần Pô Ina Nagar (còn gọi là Mẹ Xứ Sở), được các chúa Nguyễn sắc phong Hoằng Diệu phổ tế Linh ứng Thượng đẳng Thần. Nơi này còn lưu giữ 2 bảng gỗ chữ Hán (do quan Bố chánh Bình Thuận Trần Điểu tạo khắc lại sự tích Thiên Ya Na hóa đá, quan Tri phủ Hòa Đa Trần Chấn bổ chú dưới đời vua Tự Đức) và một số cổ vật khác. 

                
Thuyền về bến Văn Thánh.

Từ miếu Thiên Y, dọc theo sông Lũy về phía Bắc khoảng vài trăm mét, len lỏi giữa bạt ngàn vườn thanh long xanh ngát, thì đến miếu Lạc Sơn nằm bên cây cầu bắc qua sông Lũy đang xây dang dở. Ông Lê Văn Công, người quản lý, chăm sóc miếu gần 30 năm nay tiếp chuyện khách phương xa. Theo hướng tay chỉ của ông từ giữ miếu về hướng Đông, qua bên kia sông Lũy, nơi có nhiều động cát trắng cao, xen lẫn cây chồi xanh lúp xúp, đó là thôn Lạc Sơn xưa lúc tạo lập (trùng khớp bản đồ Đồng Khánh chí). Theo ông Lê Văn Công, các bậc cao niên kể lại, Lạc Sơn xưa kia là một vùng giàu có, sung túc, có chùa chiền, đình làng, miếu thờ Khổng Tử. Vào các dịp lễ hàng năm, đích thân quan Bố chánh, quan Tri phủ về đây làm chủ tế. Người dân bao đời hưởng cuộc sống lạc quan chốn sơn khê như tên gọi vùng đất.

Từ năm 1898 trở đi, chính quyền “bảo hộ” dần dần dòm ngó đến vùng đất phía Đông sông Lũy này. Đến sau năm 1945, toàn bộ người dân Lạc Sơn bị Pháp cưỡng chế về bên bờ Tây sông để dễ dàng quản thúc; đền miếu, chùa chiền bị đập phá. Miếu Lạc Sơn dựng cạnh bờ Tây sông Lũy cũng bị bom đạn chiến tranh san phẳng. Mãi sau, người dân dựng lại miếu, tồn tại cho đến nay.

Đền miếu bị hủy hoại, đồ thờ cúng thất thoát trong nhân gian. May sao, nhờ trụ trì chùa Bửu Tích trong vùng còn lưu giữ được 5 bản sắc phong của các vua triều Nguyễn. Đó là 5 bản sắc phong Tự Đức năm thứ 5 (1851), Tự Đức năm thứ 33 (1879), Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924). Lần giở từng trang giấy dó hơn 150 năm, nhìn từng dòng chữ lấp lánh màu thời gian, chúng tôi phần nào biết được Bình Thủy Lạc Sơn được đổi tên thành Lạc Sơn từ bao giờ.

Các bản Tự Đức năm thứ 5 (1851), Tự Đức năm thứ 33 (1879), Đồng Khánh năm thứ 2 (1886) sắc phong thành hoàng thôn Bình Thủy Lạc Sơn. Các bản Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924) sắc phong thành hoàng thôn Lạc Sơn.

 Như vậy, qua các thư tịch cổ (Hoàng Việt chí, Địa bạ, Đại Nam chí, Đồng Khánh chí), cùng 5 bản sắc phong kể trên, có thể khẳng định: tổng Vĩnh An, huyện Hòa Đa trước đây có 2 thôn Bình Thủy và Bình Thủy Lạc Sơn, không có thôn nào tên Lạc Sơn. Trong khoảng thời gian cuối đời vua Đồng Khánh (1889) đến đời vua Duy Tân (1900), thôn Bình Thủy Lạc Sơn được đổi tên thành thôn Lạc Sơn, nhưng chưa rõ nguyên nhân vì sao. Qua đó, có sự ghi chép hoặc dịch thuật sai sót, nhầm lẫn trong Đại Nam chí, Đồng Khánh chí (điều không thể tránh khỏi).  

 “Chốn sơn khê lạc quan” còn có câu đối khắc trên cổng miếu, dựa theo nội dung thì đoán được ra đời khi đổi tên Bình Thủy Lạc Sơn thành Lạc Sơn. Tiền nhân lấy tên Lạc Sơn làm câu đối, vừa giải thích tên gọi vùng đất, vừa dùng từ đầy ý nghĩa, vừa đối nhau. “Lạc địa tài phong nhân tự lạc/Sơn cao phước hậu thế đa sơn” (樂地財豐人自樂/山高福厚世多山); tạm dịch: (Vùng) đất lạc quan, tài sản phong phú, người tất nhiên (sống) lạc quan/Sự tốt lành (như) núi cao nối (tiếp) nhiều núi.

Tôi đứng bên này sông giữa buổi ban trưa, nhìn từng đụn cát nhấp nhô của Lạc Sơn xưa bên kia sông, tự nhủ không thể nào tìm lại được, dù chỉ là dấu vết nền móng nhạt mờ, nơi dựng Văn miếu xưa. Nhưng dẫu sao cũng mãn nguyện vì đã được đặt chân đến vùng đất cổ, được chiêm ngưỡng các sắc phong còn gìn giữ nguyên vẹn, không uổng phí cuộc đi về quá khứ.

 Nguồn gốc một địa danh

Ở phường Phú Tài (thành phố Phan Thiết) hiện nay có địa danh hồ Văn Thánh, khu Văn Thánh, khu dân cư Văn Thánh. Xưa hơn nữa, khi còn là làng Phú Tài ven ngoại ô Phan Thiết, có bến đò Văn Thánh, hàng ngày đưa người sang bên làng Thành Đức, hữu ngạn sông Cà Ty (nay thuộc phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết). Tại sao có tên gọi Văn Thánh? Tên gọi Văn Thánh xuất hiện từ bao giờ?

Qua tìm hiểu tư liệu được biết, năm 1898, khi tỉnh thành dời từ huyện Hòa Đa về làng Phú Tài, kéo theo đó là một số công trình kiến trúc được xây dựng xung quanh. Tại bến đò làng Phú Tài cạnh bờ sông Cà Ty, quan lại địa phương xây một ngôi miếu nhỏ(1) thờ Khổng Tử (không xây thêm đền Khải Thánh kề bên như ở huyện Hòa Đa), đắp con đường từ cổng tỉnh thành ra đến bến đò, miếu thờ Khổng Tử(2). Để thể hiện sự tôn kính đối với bậc thánh nhân, người khai sáng Nho giáo, dân gian gọi khu vực xung quanh miếu thờ Khổng Tử, trong đó có bến đò làng Phú Tài là khu Văn Thánh, bến đò Văn Thánh.

Hồ nước được đào khoảng năm 1980 để nuôi tôm, rồi trở thành nơi điều hòa không khí cho khu dân cư. Khu dân cư hình thành từ năm 1992, khi xảy ra vụ cháy Cồn Chà, người dân mất nhà di dời lên khu vực này, lấy đất ven hồ làm nhà; sau đó tiếp nhận thêm người dân từ các nơi khác đến định cư. Hồ nước, khu dân cư là những địa điểm được hình thành sau này. Do nằm trên khu vực bến đò Văn Thánh xưa, nên cũng lấy tên hồ Văn Thánh, khu dân cư Văn Thánh.

Như vậy, tên gọi Văn Thánh xuất hiện từ sau năm 1898 tại làng Phú Tài, ven ngoại ô Phan Thiết do có ngôi miếu nhỏ thờ Khổng Tử bên bờ sông Cà Ty. Đến nay, miếu thờ Khổng Tử bên bờ sông cũng không còn dấu vết, nhưng tên gọi thì vẫn còn lưu truyền mãi.

Trường hợp địa danh “Văn Thánh” để chỉ khu vực có miếu thờ Khổng Tử ở phường Phú Tài (thành phố Phan Thiết) cũng giống như quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1824, Văn Thánh miếu của tỉnh Gia Định được xây dựng. Đến năm 1859, Pháp tháo dỡ, phá hủy ngôi miếu. Về sau, người dân làm ngôi chùa đặt tên là “Văn Thánh” trên đất Văn Thánh xưa. Từ đó theo thời gian, vùng đất xung quanh Văn Thánh miếu mang tên Văn Thánh như khu du lịch Văn Thánh, chùa Văn Thánh, rạch Văn Thánh, cầu Văn Thánh...

 Thay lời kết

Xây dựng Văn miếu, đền Khải Thánh, khuyến khích học chữ thánh hiền, nền giáo dục nho học ở Bình Thuận cũng có người đỗ đạt, làm quan như: cụ Bùi Đăng Huy, cử nhân khoa Kỷ Mão 1819, làm Bố chánh Cao Bằng; cụ Phạm Duy Hàn, cử nhân khoa Tân Sửu 1841, làm Hải phòng sứ Quảng Nam; cụ Nguyễn Hữu Chánh, cử nhân khoa Canh Tý 1900, làm Khảo liệu Quốc sử quán… Một số bậc danh nho Bình Thuận cũng được triều Nguyễn trọng dụng, mời ra làm quan giúp nước như: cụ Nguyễn Đăng Hựu làm Binh bộ Thượng thư, cụ Nguyễn Văn Phương làm Hàm lâm thị giảng học sĩ, cụ Cao Tất Tựu làm Hiệp biện đại học sĩ, cụ Phan Văn Tuấn làm Tham hiệp tỉnh Nghệ An… Tuy số lượng khoa bảng đỗ đạt chưa nhiều so với các nơi khác, nhưng giáo dục nho học ở Bình Thuận đã góp phần xây dựng nên truyền thống hiếu học đất nước, cũng như địa phương. Truyền thống hiếu học ấy lưu truyền mãi đến hôm nay và hậu thế mai sau.

Tìm hiểu về Văn miếu, Khải từ ở Bình Thuận, một công trình được xem biểu tượng của giáo dục nho học trong lịch sử giáo dục Việt Nam, cũng biết được vài điều thú vị. Qua đó, hy vọng góp phần bổ sung vài nét chấm phá vào bức tranh lịch sử vùng đất Bình Thuận dưới triều các vua Nguyễn.

Hà Ngân

 (1): Phan Minh Đạo, Bản sắc truyền thống Bình Thuận qua các địa danh hành chính - lịch sử - cách mạng - kháng chiến - dân gian trên địa bàn thành phố Phan Thiết, (Công trình nghiên cứu khoa học 2005), tập 2, trang 148.

(2): Võ Ngọc Văn, Tìm về câu hát quê xưa – Chuyện phủ thành, Bình Thuận cuối tuần, số 6361, ngày 6/9/2019, trang 5.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi tìm Văn miếu Bình Thuận xưa