Theo dõi trên

Đinh Đình Chiến  - văn chương là hướng về sự thật

18/01/2019, 09:30 - Lượt đọc: 642

(Tập truyện ngắn Đi về phía không phải nhà mình - Nhà xuất bản Hội Nhà văn)

BT- Thật sự với tựa tập truyện và hình bìa đã gây ấn tượng cho tôi khá mạnh mẽ. Với tâm thức của một người đọc, tôi bị lôi cuốn ngay từ những câu chuyện nhiều cung bậc của tình yêu, cuộc đời… đã đong đầy gần 200 trang chữ. Tựa tập truyện cũng là câu chuyện tình được khơi dậy từ những kỷ niệm hồn nhiên tưởng chừng trôi theo thời gian để an bài cho duyên phận. Nhưng với tình yêu lại có sức âm ỉ đến độ kỳ diệu trong mỗi con người, chỉ cần một ngọn gió lay nhẹ cũng đủ bùng cháy lên thôi. Dẫu rằng với đàn bà luôn an phận thủ thường, chọn lựa cái gì gọi là hạnh phúc nhưng cũng có lúc lại chao đảo, buông xuôi và nỗi đau đó rơi vào người đàn ông tội nghiệp. Nếu gia đình là mái ấm, là chốn trở về thì ở đây người chồng phải “lầm lũi đi về phía không phải nhà mình…”. Cái kết đó đã vượt khỏi trạng thái gay gắt, oán thù mà ắp đầy một nỗi đau cả đời người. Tiếp đó, “Lâu đài cát”, tác giả đưa nhân vật trong truyện kể về cảm xúc của chàng trai chớm tuổi đã sớm xúc động với những trang văn và lại tìm thấy một hình mẫu đẹp thiên thần vì “chị cười đẹp mê hồn”. Rồi một ngày nọ chị về quê lấy chồng… thế là nhân vật “tôi” hụt hẫng, đớn đau nhưng trong lòng luôn đau đáu, bị cấu xé “vừa thương vừa giận”. Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đến tác phẩm “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng, từng gây xôn xao, khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, viết về mối tình của cô giáo yêu học trò, bị nhiều phê phán nhưng suy cho cùng đó lại rất người. Chàng trai trẻ này lại không khác mấy, tinh tế hơn “Hai tay chị choàng sau đầu tôi lắc lắc. Hơi ấm từ cơ thể chị phả vào mặt nôn nao”… Nhưng tác giả đã kịp cho nhân vật biết được chỗ dừng lại thật dễ thương, khi “Tôi đứng tần ngần trông theo bóng chị…Và chợt thấy ở phía trước xa xăm có một chú bé đang say sưa xây lâu đài trên cát”. Với các truyện Ly hôn, Phố biển chiều mưa, Người đẹp trong tranh, Chiếc bóng đèn màu… Tác giả đã soi thấu tận cùng đáy lòng của nhân vật, dù đau khổ, mất mát đó là nhân vật nam hay nữ đều có một sự chọn lựa rất dịu dàng và đầy lòng bao dung. Hơn nữa, người đọc có thể thấy đôi chỗ có những diễn biến chưa hợp lý theo lẽ thường tình, tôi nghĩ đó cũng là sự cố ý của tác giả tạo nên trạng thái bất ngờ nhưng cần thiết.

Tôi đồng cảm với tác giả, trong đời sống văn chương không thể nào vô cảm trước sự thật và sự thật cũng là nguồn cảm hứng, ý thức xã hội đối với người cầm bút đích thực. Cho nên các truyện Điều chưa biết đằng sau vụ án, Ngọt ngào bình yên, Góc khuất, Cơn giông cuối ngày… Tôi nghĩ trong thực tế đời sống ở một vùng quê, nơi mà tác giả nằm lòng từng đám mây chiều, góc núi âm u ở đây nên từ những câu chuyện thật ngoài đời, đầy bi kịch, oái oăm nhưng được “giải mã” bằng hiệu ứng cảm xúc, được biện giải giàu tính nhân văn.

Tôi biết Đinh Đình Chiến là một thầy giáo dạy chuyên văn cấp trung học phổ thông ở huyện Đức Linh nhưng hỏi ra anh quê Quảng Bình, thị xã Ba Đồn vào Đức Linh dạy học, rồi suốt 12 năm làm hiệu trưởng cho đến lúc về hưu. Tôi càng ngạc nhiên, thế mà giọng văn đẹp của anh trong tác phẩm này mang đậm chất của một vùng đất tụ nghĩa rất đặc trưng, bình dị. Tôi thích nhất ở bài “… bên đường người khách rưng rưng”, tôi nghĩ đó là nỗi niềm, là ruột gan của anh với cái nghiệp văn và dạy văn. Đối mặt với thực tế xã hội trong bon chen cách học, cách dạy... Cái kết câu chuyện tâm tình với nghề, tác giả để nhân vật là người thầy dạy văn bị chấn thương sọ não, may sao cô học trò cũ đang là một bác sĩ trưởng khoa tận tình chăm sóc. Đó chính là cô học trò giỏi văn và có tấm lòng mà ông thầy bệnh nhân vẫn nhắc. Cái hay của Đinh Đình Chiến, không giải bày bằng sự áp đặt của nghề, bảo vệ cái ưu của môn mình dạy mà còn là một thông điệp và tác giả đã tha thiết “Đừng trách các em và cũng không nên đỗ lỗi cho thầy”.

  Không kể tập kịch ngắn “Người kể chuyện cổ tích” và tập thơ “Phải lòng đêm”, thì sau tập truyện đầu tay “Góc khuất” của Đinh Đình Chiến xuất bản năm 2002, tức cách đây 17 năm thì đây là tập truyện thứ hai, cho thấy với một phong cách riêng, nhiều ưu tư đã định hình được chân dung Đinh Đình Chiến trên diễn đàn văn học của tỉnh và xa hơn.

 PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đinh Đình Chiến  - văn chương là hướng về sự thật