Theo dõi trên

Dinh xưa còn đó…

21/12/2018, 10:48

BT- Dinh Vạn Thủy Tú nằm trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết trong một khuôn viên rộng khoảng 1.500 m2. Vạn theo ngữ nghĩa là vạn chài, Thủy Tú là vùng biển (nước) giàu đẹp, dinh là nơi thờ tự các vị thần theo tín ngưỡng dân gian vùng biển ngoài “Thành hoàng bổn cảnh” chính thống thờ ở đình làng (như dinh Thầy Thím ở La Gi, dinh Cô ở Long Hải, dinh Ba Bà ở Phú Hài...). Dinh Vạn Thủy Tú là nơi thờ thần Nam Hải của vạn chài Thủy Tú; ngày xưa vạn được coi như một đơn vị cơ sở, các sắc phong của các vua triều Nguyễn đều ghi rõ: Sắc Bình Thuận tỉnh, Hàm Thuận phủ, Thủy Tú vạn tùng tiền phụng sự (Sắc phong tỉnh Bình Thuận, phủ Hàm Thuận, vạn Thủy Tú để phụng thờ).

                
Dinh Vạn Thủy Tú (năm 1930).

Dinh Vạn Thủy Tú là một công trình kiến trúc nghệ thuật xưa, theo tài liệu và những dấu tích còn ghi khắc trên xà kèo còn giữ lại, dinh được tạo lập từ năm Nhâm Ngọ - 1762. Tiền thân là một gian nhà gỗ lợp mái lá, sau đó đã được tôn tạo hoàn chỉnh dần bằng vách gạch, mái lợp ngói âm dương với tổng diện tích xây dựng 530 m2.

Đến dinh Vạn Thủy Tú chúng ta sẽ không khỏi thán phục và biết ơn công sức của người xưa đã dày công góp sức tạo dựng nên công trình đồ sộ uy nghiêm ghi đậm dấu ấn dân tộc với lối kiến trúc theo hình chữ “Tam” như bao đình làng khác với cấu trúc của cổng Tam quan, nhà Võ Ca, chính điện và nhà Tiền vãng. Đã hơn 250 năm trôi qua, song công trình kiến trúc này cũng như cách bài trí nội thất, ngoại thất vẫn giữ được nhiều cấu trúc nguyên vẹn mang đậm dấu ấn văn hóa của người xưa..

 Dấu ấn qua đôi câu đối

 Có một kỳ dự lễ hội Cầu Ngư ở dinh Vạn Thủy Tú, tôi được gặp chú Bảy Văn, một nhà nho học cư ngụ tại phường Đức Long (nay đã qua đời). Chú thứ bảy và là người chuyên viết văn tế cho các kỳ tế lễ  và đọc câu đối văn bia ở các đình, miếu, dinh, lăng... trên địa bàn khu vực xung quanh Phan Thiết, nên mọi người mới gọi chú là chú Bảy Văn.

Hải thượng giá thương long húc nhựt ngưỡng quang xuân sắc

Sơn trung lai sam phượng tự thiên diêu tích duy tân

Đó là cặp liên đối chữ Hán đặt tại nhà Võ ca dinh Vạn Thủy Tú, được chú Bảy phiên âm và phóng dịch như sau:

(Mỗi ngày) nhìn ra biển lúc mặt trời mới mọc đoàn thương (ghe) buôn đua nhau uốn lượn hình con rồng giống cảnh sắc mùa xuân

(Nhìn vào) trong núi từ trời xa một đồng lúa mống phượng theo gió uốn mình lấp lánh như trời ban cho một cảnh mới

Nội dung có lẽ diễn tả cảnh sắc của vùng quê Phan Thiết - Hàm Thuận vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX bấy giờ đang mở mang giao thương buôn bán, tấp nập ghe bầu chở sản vật “trên rừng dưới biển” đi các nơi.       

Lần trang sách cũ, Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “Còn như thuyền chài cá, thuyền buôn bán qua lại tấp nập, cư dân trù mật, phố xá liền nhau thì Phan Thiết cũng là một nơi đô hội nhỏ mà Phan Rí là thứ hai”.

Với vị thế của mình, năm 1889 tỉnh thành Bình Thuận từ thôn Hòa An, huyện Hòa Đa dời về thôn Phú Tài thuộc phủ thành Hàm Thuận, thì Phan Thiết trở thành vị trí trung tâm của tỉnh. Phan Thiết đã phát triển thành thị tứ, ngày 20/10/1898 vua Thành Thái đã xuống Dụ công bố Phan Thiết là thị xã. Tiếp đến qua phong trào “Duy Tân” thị xã đã vươn lên với “Hội Các Lái” (chủ ghe bầu), “Hàm hộ tương tế Hội” (Nghiệp đoàn nước mắm), “Liên Thành thương quán”… như thế “Rồng bay, Phượng múa”, “Xuân sắc, Duy tân”.

                
Khách nước ngoài tham quan dinh Vạn Thủy    Tú.

Lần theo liên đối của cha ông, tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai phá vùng biển “Thủy Tú” này ngày càng thêm “giàu đẹp”.

Nhứt quốc cư thần thượng tại kinh diêu tam thốn thiệt

Bá gia cốt nhục hà tu xảo dụng lưỡng ban tâm.

Chúng ta đọc tiếp câu liên đối cũng đặt tại nhà Võ ca, dinh Vạn Thủy Tú và nói với nhau:

Trong một nước người dân nên lấy kinh luân giao tiếp với nhau rất tốt

Mọi nhà muốn giữ tình ruột thịt hàng ngày chớ nên thay đổi tấm lòng.

Lời dặn của người xưa đến nay vẫn còn cho những ai suy ngẫm!. Ở đời, nói với nhau điều hay lẽ thiệt luôn ở “ba tấc lưỡi” (tam thốn thiệt), còn ở với nhau chớ có xảo quyệt mà “hai lòng” (lưỡng ban tâm).

Mà thôi, hãy giữ cho lòng thanh thản theo cặp liên đối:

Duy địa hư minh linh quang dục kiến phong đầu nguyệt

Tâm uyên thanh tịnh diệu đạo thì khai hỏa lý liên.

(Đứng dưới đất nhìn thấy ánh linh thiêng mờ ảo hiện lúc trăng đỉnh đầu

Tấm lòng lặng sâu thanh tịnh rất huyền diệu rực cháy bên trong hoa sen.

 Cánh cửa của thiên nhiên và con người

Và thả lòng mình trước bộ cửa chính gồm 4 cánh cửa gỗ ngăn nhà Võ ca với chính điện. Cửa chính chỉ mở ra vào những kỳ tế lễ, ngày thường vào ra bằng 2 cửa hông. Đặc biệt trên các ô của 4 cánh cửa chính được vẽ và chạm khắc mô tả tổng hợp cả vũ trụ, thiên nhiên và con người.

- Nhìn lên 4 ô cửa trên cao nhất từ phải qua chúng ta sẽ thấy 4 bức tranh “tứ quý” (tứ bình) vẽ bằng sơn màu: Mai vàng cứng cỏi khoe sắc mùa xuân, lan rừng thắm tươi trong nắng hạ, cúc âm thầm chung thủy với mùa thu và trúc thẳng mình trong mùa đông quân tử.

- Tiếp bên dưới là 4 ô cửa chạm khắc “tứ linh”: Long vân bay bổng làm mưa cho nước, kỳ lân sừng sững núi cao dáng đứng, quy vững chắc làm nền mặt đất và phụng về trời trong cõi bao la.

- Qua “tứ quý”, “tứ linh” ta trở vể với con người trong xã hội với văn nhân, võ tướng, Ngư, Tiều, Canh, Mục: Ô đầu tiên chạm khắc văn nhân mang bên mình bầu rượu túi thơ, thả lỏng dây cương, có chú tiểu đồng quảy gánh đi theo; ô thứ 2 là võ tướng trường thương lẫm liệt trên lưng ngựa, có lính hầu cằm búa tiên phuông; ô thứ 3 là ngư phủ buông cần câu cá và tiều phu gánh củi trên vai; ô thứ 4 là canh tác ruộng đồng với cặp trâu dầy và mục đồng trên lưng chú nghé thả hồn theo tiếng sáo.

- Tiếp theo là 4 ô cửa lớn được chạm khắc thành 8 bức tranh liên hoàn mô tả cảnh rừng xanh chim thú với những con vật nhỏ nhắn hiền lành bay nhảy, nai vàng bên suối ngẩn ngơ tạo cảm giác yên bình thanh thoát.

-  Và sau cùng bên dưới là 4 bức chạm khắc liên hoàn cảnh trời yên biển lặng buồm căng gió, các loài thủy tộc bơi lội nhởn nhơ…

 Một thế giới tâm linh về biển…

Những cánh cửa gỗ trở thành tranh khắc gỗ tạo hình, tạo cảnh mang đậm tính chất dân gian rất hoàn chỉnh trong nét chạm và bố cục trang trí, tạo cho người xem một bức tranh toàn cảnh về thiên nhiên và con người.

Song qua những cánh cửa đi vào chánh điện là cả một thế giới tâm linh về biển. Đặc biệt, mới bước vào cửa bên phải chúng ta gặp ngay “Long thần” chào đón với bức tượng đứng với ánh mắt trang nghiêm như nhắc nhở mọi người một tấm lòng thành kính, cũng như khi bước ra từ cửa trái ta gặp ngay “Hộ pháp” tiễn đưa với bức tượng đứng có đôi mắt trợn ngược sẵn sàng trừng trị những kẻ “dã tâm”.

 Nhìn lên khám thờ với 3 pho tượng lớn và hàng chục pho tượng nhỏ các vị thần có liên quan với nghề biển. Ở đây là Dinh Vạn nên khám giữa chính điện thờ “Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn Thần” (ông Nam Hải) qua tượng thần, phía sau là chữ Thần đại tự (còn ở đình làng cũng một chữ Thần là “Thành hoàng bổn cảnh), bên cạnh là hình họa cá Ông (Voi). Đối với ngư dân, cá Voi (Ông) chính là Thần Nam Hải đã giúp vượt qua những tai nạn hiểm nghèo, sóng to gió lớn trên biển cả, phò hộ độ trì cho gặp được nhiều may mắn trong những chuyến ra khơi. Vì vậy làng vạn lập dinh (hoặc lăng) thờ cúng, tế lễ hàng năm như câu hát “Bả trạo” từ xưa còn truyền lại: Xưa biển Thánh ngài quảng sai tế độ, nay siêu Thần ngài về chốn miếu môn. Trong các vị “Thượng đẳng Thần” mà các vua nhà Nguyễn sắc phong cho Vạn Thủy Tú (và các vạn khác cũng như các đình làng) thì vị thần Nam Hải là “thuần Việt” gắn với đời sống của ngư dân trên biển có nguồn gốc từ việc cá Ông (Voi) cứu người trên biển. Đây cũng cho thấy các vua nhà Nguyễn khẳng định “vương quyền trên thần quyền” ở biển phương Nam (tất nhiên cũng còn phải chịu ảnh hưởng tín ngưỡng của các vị thần phương Bắc qua cả ngàn năm lệ thuộc). Sắc phong chữ Hán nêu rõ (phiên âm): “Từ tế chương linh trợ tín trừng trạm Dực Bảo Trung Hưng - Nam Hải cự tộc ngọc lân chi Thần tiết kinh phân cấp”; dịch nghĩa: “Sắc tặng Thần Nam Hải cự tộc ngọc lân luôn hằng hữu trên biển Nam để độ an cứu nguy theo lời khẩn cầu lúc sóng to gió lớn”.

 Đặc biệt, tại chính điện dinh Vạn Thủy Tú với lòng thành kính nhớ ơn “tổ nghiệp” nên khám tả thờ “Hy hoàng thái hiệu tiên sư tôn Thần” (ông Tổ nghề nông ngư nghiệp) qua bức tượng truyền thần gần gũi dân gian, và khám hữu thờ “Thánh phi nương nương tôn Thần” là vị thần mà trong dân gian gọi là “Bà Thủy”, bức tượng bà oai nghi ngồi trên “Long Ngư” đầu rồng đuôi cá, xung quanh là các tượng thần nữ cai quản “Long cung” nơi sinh ra các loài “thủy tộc”. 

Phía sau chính điện là tẩm lưu thờ hàng trăm bộ cốt ông trải qua trên 250 năm của dinh Vạn Thủy Tú. Những bộ cốt này đã được Ban Tế Tự của Vạn truyền từ đời này qua đời khác với lòng tôn kính theo tập tục tín ngưỡng dân gian.

Tóm lại, các vị thần tôn thờ ở đây đều gắn với lòng tôn kính và biết ơn của ngư dân đối với biển cả và nghề biển của mình. Những hương án, khám thờ, bao lam, thần phủ... được khắc tạo hình hoa lá, vân thủy, chim muông hài hòa. Cùng những câu trướng, câu đối được sơn son thiếp vàng, tạo cảm giác trang trọng uy nghiêm.

Đông minh dực tú vi Thần anh linh thiên cổ tại

Thịnh phục dĩ thời hà Miếu trở đậu vạn niên xuân

(Biển Đông phát triển tốt thần hiển linh từ xưa đến nay

Miếu thờ luôn hưng thịnh lễ phục đầy đủ đứng vững vạn mùa xuân).

Trên chiếc đại đồng chung được đúc từ thời vua Tự Đức, có khắc dòng chữ “Phong Tư Võ Thuận, Quốc Thái Dân An”, đó cũng chính là lòng thành của muôn người.

Trải qua lịch sử thăng trầm, đình làng dinh vạn vẫn còn đó với thời gian. Nay, đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, các di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của cha ông tiếp tục được gìn giữ và phát huy.

Với những giá trị lịch sử - văn hóa, dinh Vạn Thủy Tú đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1996. Năm 2003, thành phố Phan Thiết đã đầu tư cho xây dựng thêm nhà trưng bày bộ cốt Ông dài 22 m, nhằm phục vụ nhu cầu tham quan tín ngưỡng chiêm bái của khách thập phương; bộ cốt được Viện Hải dương học Nha Trang lắp ráp và xác định là bộ cốt Ông lớn nhất Việt Nam. Từ đó, khách tham quan ngày càng đông, trong đó có nhiều khách nước ngoài đủ các quốc gia trên thế giới.

Để kết thúc bài viết ngắn này, xin đọc lại đôi câu đối đặt tại khám thờ nhà Tiền vãng, dinh Vạn Thủy Tú:

Tiền công truy niệm vô vong bản

Hậu thế tôn thờ tất hữu hưng

(Người xưa tạo lập làm cho không mất gốc

Đời sau phải tôn thờ ngày thêm hưng thịnh). 

Võ Ngọc Văn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dinh xưa còn đó…