Theo dõi trên

Độc đáo gà tàu chút chít

13/07/2018, 09:16

BT- Cách đây vài hôm, tôi tình cờ đọc tùy bút “Cơn bấc tinh nghịch” của tác giả Hoàng Công Tâm. Tùy bút có đoạn da diết nhớ về con gà tàu chút chít của thời thơ dại: “Nhớ món đồ chơi quê mùa mà bà đã mua về cho mỗi đứa cháu mỗi lần bà đi chợ tỉnh, những con gà bằng đất sét vừa biết gáy ò ó o đánh thức mọi người trong buổi bình mình, vừa biết cục ta cục tác gọi đàn con nhỏ đến thưởng thức miếng mồi ngon vừa kiếm được. Ôi! Nhớ làm sao cái con gà tàu chút chít của một thời thơ dại”. 

                
Anh Nguyễn Hữu Phương gắn bó với nghề làm    gà tàu chút chít ở An Thạnh.

Trò chuyện với nghệ nhân

Lần theo tùy bút của Hoàng Công Tâm, tôi về làng An Thạnh tìm hiểu nghề làm gà tàu chút chít là sản phẩm đặc trưng của vùng đất này với nhiều nghề thủ công truyền thống nổi tiếng thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Gà tàu chút chít được làm bằng đất sét phát ra âm thanh rộn rã của đàn gà gọi nhau được nhiều thế hệ trẻ em thích thú. Anh Nguyễn Hữu Phương là nghệ nhân duy nhất còn gắn bó với nghề làm gà tàu chút chít, sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của vùng đất An Thạnh xưa.

Anh Nguyễn Hữu Dục, Trưởng Ban quản lý thôn An Thạnh 2 cho biết, làng An Thạnh có lịch sử trên 300 năm thành lập, phát triển. Thuở xưa, ông bà từ các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên đến đây lập nghiệp mang theo rất nhiều nghề truyền thống tinh xảo như dệt chiếu, làm lò, chế tác gốm. Có lẽ nghề làm gà tàu chút chít bằng đất cũng đã đồng hành cùng với lịch sử hình thành và phát triển của làng An Thạnh. Thời hưng thịnh của nghề làm gà tàu chút chít, trong làng có hàng chục hộ gắn bó làm ra sản phẩm có hình dạng đẹp mắt, phát ra âm thanh như tiếng kêu “tục… tục” của gà mái hoặc có tiếng gáy “ò… ó… o” của gà trống nghe rất vui. Khi đồ chơi công nghiệp phát triển thì nghề làm gà đất mai một dần, sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ. Người dân lần hồi bỏ nghề làm gà tàu, hiện nay còn anh Nguyễn Hữu Phương là nghệ nhân duy nhất gắn bó đam mê với nghề làm gà tàu chút chít.

Anh Dục nhiệt tình dẫn đường đưa tôi đến thăm gia đình nghệ nhân chế tác gà tàu. Trong ngôi nhà nhỏ hẹp của anh Phương bày bề bộn sản phẩm gà tàu trong những chiếc thúng tre, trên cánh nan bao che quạt điện. Người nghệ nhân 49 tuổi đời đã có 35 năm gắn bó với nghề làm gà tàu. Ngồi bệch trên nền nhà, tay mân mê những con gà tàu vừa hoàn thiện, anh Nguyễn Hữu Phương cho biết từ năm lên 14 tuổi đã bị tiếng kêu của những con gà tàu làm “mê hoặc”. Anh theo ông Huỳnh Hoa là nghệ nhân chế tác gà tàu nổi tiếng ở An Thạnh học nghề. Tròn một năm được ông Hoa tận tình truyền nghề từ ủ đất đến làm khuôn, làm kèn, lắp đầu vào thân, cân chỉnh âm thanh, dán giấy, trang trí con gà tàu hoàn chỉnh. Tôi hỏi vì sao có tên gọi gà tàu chút chít, cả người “vác tù và” thôn An Thạnh 2 và nghệ nhân Nguyễn Hữu Phương đều trả lời “không rõ”, chỉ biết từ ngày xưa ông bà gọi “gà tàu chút chít” rồi bà con thôn xóm truyền lại tới ngày nay.

 Độc đáo gà tàu chút chít

Cả vùng đất An Hải rộng lớn nhưng chỉ có mỏ đất sét cuối sông Lu mới làm được gà tàu không bị nứt, âm thanh ấm áp. Đất sét lấy về lọc bỏ tạp chất đưa vô lu sành ủ nửa tháng cho thật nhuyễn đưa ra cho vô khuôn thạch cao gồm 4 mảnh có hình dạng đầu gà và đuôi gà. Sau khi đất ráo lấy ra hong gió rồi ghép 4 mảnh thành phần đầu gà và đuôi gà. Phần đầu gà lắp chiếc kèn bằng ống trúc nhỏ như đầu đũa được lấy từ rừng Phước Chiến (Thuận Bắc). Chiếc kèn dài khoảng 3 cm, đầu lắp lưỡi gà khi thổi phát ra tiếng kêu. Giữa phần đầu gà và đuôi gà được kết nối bằng hai lớp giấy dày có độ co giãn, khi kéo tạo ra tiếng kêu “tục… tục” của gà mái. Trên phần đuôi khoét lỗ tròn nhỏ khi thổi tạo nên tiếng gáy của gà trống. Đây là nét độc đáo của  âm thanh con gà tàu vừa phát ra tiếng kêu của gà mái vừa phát ra tiếng gáy của gà trống tùy theo cách sử dụng của người chơi. Anh Phương chia sẻ: “Tuy được làm bằng đất sét giống nhau nhưng mỗi con gà tàu thành phẩm có một tiếng kêu khác nhau, không con nào giống con nào. Trong hàng trăm con gà đất có một vài con “đầu dòng”, khi thổi con gà “đầu dòng” cất lên tiếng gáy làm cho đàn gà trong vườn đồng loạt gáy theo. Tôi yêu thích âm thanh rất hay của những con gà đất “đầu dòng” nên thường giữ lại thưởng thức, tạo niềm vui cho mình sau những ngày lao động mệt nhọc”.

 Mưu sinh cùng gà đất

Anh Nguyễn Hữu Phương  sống cùng người mẹ ruột là bà Trần Thị Tím, thợ dệt chiếu giỏi của làng An Thạnh. Khi nghề dệt chiếu mai một, bà Tím ở nhà phụ với con trai làm gà tàu. Hai mẹ con làm một tuần được khoảng 200 con gà tàu thành phẩm, bán với giá 5.000 đồng/con. Anh Phương đạp xe chở gà tàu ra Phan Rang bán dạo cho trẻ em vui chơi ở khu vực Quảng trường 16/4. Thi thoảng có người định cư nước ngoài về thăm quê hương yêu thích con gà tàu gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ đặt mua vài ba chục con làm quà cho con cháu. Nhiều lúc ở Phan Rang không bán được hàng, anh đóng thùng chở gà tàu vô tỉnh Bình Thuận bán cho trẻ con các làng quê Phan Rí, Chợ Lầu.

“Nghề làm gà tàu truyền thống đang lúc khó khăn do không cạnh tranh được với đồ chơi điện tử đang tràn ngập thị trường. Vì lòng đam mê tiếng gáy, tiếng tục tục của con gà đất từ hồi nhỏ tới bây giờ nên tôi vẫn gắn bó với nghề. Nguồn thu nhập từ nghề làm gà tàu tuy ít ỏi nhưng cũng giúp cho hai mẹ con tôi vui sống qua ngày”, anh Nguyễn Hữu Phương giải bày. 

Thái Sơn Ngọc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc đáo gà tàu chút chít