Theo dõi trên

Độc đáo lễ cúng ghe dịp tết 

19/01/2017, 16:44

 BT- Ngoài việc cúng tổ tiên, ông bà trong những ngày tết theo truyền thống, ngư dân còn thực hiện nghi lễ cúng ghe đầu năm và cuối năm nhân dịp tết đến xuân về.

Từ bao đời nay, phong tục ấy được  bao thế hệ ngư dân thực hiện, để bày tỏ lòng biết ơn thiên nhiên đã ban tặng cho họ những mùa tôm cá đầy khoang, cầu may mắn cho một năm “thuận buồm xuôi gió”.

                
Nghi lễ cúng ghe xuất hành đầu năm. Ảnh:    Ngọc Lân

Lễ cúng cuối năm (ngư dân gọi là cúng mãn mùa) thường diễn ra từ ngày 27 – 30 tháng chạp. Mâm cỗ cúng có sự bày biện khác nhau, tùy theo cách thể hiện của mỗi người, có người cúng đơn giản, có người kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Cân - một ngư dân Hàm Tiến cho biết: Năm nào cũng vậy, vào ngày 29 tháng chạp sau khi sơn phết bóng, dọn ghe sạch, tôi làm lễ cúng mãn mùa. Lễ cúng đơn giản chỉ cặp vịt luộc, bình trà, bình rượu cùng nhang, giấy, bánh, trái, đặt trước mũi ghe. Nhà khấm khá hơn họ cúng con heo hoặc đầu heo. Khác với ông Cân, ông Lượng - một ngư dân ở phường Đức Thắng lại chu đáo hơn, ông thường cúng vào ngày 30 tháng chạp, mâm cúng rất thịnh soạn và bài bản. Ông cho biết, sửa soạn mâm cúng cần đặt mâm hội đồng (ông bà, thần linh, thần biển…) gồm cặp vịt luộc, miếng ba sườn, xôi, chè, bánh trái, trầu cau, áo giấy…  phía trên, mâm cúng bà ghe có dĩa gà luộc, dĩa trứng (3 quả), dĩa cá đuối kèm theo trái dừa khô, dĩa trái cây có trái dừa non, xôi, chè, bánh trái, trầu cau… đặt phía dưới, bên cạnh là mâm cúng cô bác gồm có bánh, trái…  Theo các lão ngư cao tuổi, cách cúng và bày biện như ngư dân Lượng, đúng tập tục như ông bà xưa.

Mâm cỗ chuẩn bị xong, chủ ghe trong trang phục chỉnh tề, lấy 3 nén nhang quỳ xuống khấn vái và cầu mong một năm may mắn, bình an. Sau đó đốt tiền, áo giấy, rải muối, gạo xuống nước và khắp sàn ghe để tạ ơn các vị anh minh có công độ trì cho họ bám biển, vươn khơi đánh bắt được nhiều tôm cá. Phong tục “cúng ghe” thường được ngư dân chọn vào thời điểm buổi trưa.  Họ cho biết, sáng sớm phải đi chợ mua phẩm vật và chuẩn bị đến trưa cúng là vừa, cũng có ngư dân cho rằng, thời điểm này là giờ linh thiêng, tốt nhất trong ngày.

Những ngày tết ấm áp sum vầy rồi cũng qua mau, khác với quan niệm tháng giêng là tháng ăn chơi, ngư dân Hàm Tiến - Mũi Né cũng như nhiều nơi khác lại ra khơi. Bởi theo họ, những ngày đầu năm thời tiết thuận lợi nhất, hải sản đánh bắt nhiều hơn, giá thành sản phẩm cũng cao hơn. Quan trọng hơn cả, họ hy vọng đầu năm mới sẽ mang về nhiều lộc biển.

Trước lúc ra khơi, họ lại chuẩn bị lễ cúng đầu năm (cúng xuất hành), có ngư dân chuẩn bị mâm cỗ cúng tương tự như mâm cỗ cúng mãn mùa nhưng ngư dân cúng đơn giản hơn, chỉ trầu cau, hoa, quả, nhang…  Ngày xuất hành cũng tùy theo cách suy nghĩ, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình chủ ghe. Có chủ ghe chọn ngày tốt để ra khơi, có chủ ghe chỉ kiêng ngày mùng 1. Một ngư dân phường Đức Thắng kể: Chọn được ngày tốt, nhưng thời tiết xấu, tôi cúng bến (nơi neo đậu thuyền), sau đó cho tàu chạy ra cửa biển, cúng cửa biển rồi chạy ra xa thả lưới xuống giả bộ đánh bắt cá, kéo lên chạy về nhà (để lấy ngày). Ngư dân Hàm Tiến - Mũi Né không như vậy, họ chỉ nghỉ  mùng 1 tết, ngoài ra ngày nào cũng có thể ra khơi. Ông Nguyễn Cân cho biết thêm, nghỉ tết vài ngày, đến mùng 4 tết là xuất hành. Có người chỉ kiêng  mùng 1, mùng 2 tết.

Ông Nguyễn Văn Thảo - ngư dân Mũi Né nói, bất kể ai là ngư dân đều kiêng cữ mùng 1. Ngày này là ngày “Ông Bà” nên không ai dám đi đánh bắt. Những tàu đánh bắt khơi xa, qua tết mới trở về đất liền, họ vào đảo Trường Sa và các đảo khác, neo đậu ăn tết trên đảo, qua mùng 1 mới đi đánh bắt. Trường hợp không vào đảo hoặc đất liền kịp thì neo tàu giữa biển chờ qua mùng 1. 

Ngoài việc cúng ghe, ngư dân Hàm Tiến – Mũi Né còn tổ chức lễ cúng trong làng tại các vạn (miếu thờ cá ông hoặc các vị thần linh trong làng). Tại đây, các lão ngư cùng chủ ghe dựng cây nêu và treo cờ lên sau đó mới bắt đầu sửa soạn đồ cúng, thắp nhang, khấn.

Với ngư dân, cúng mãn mùa, cúng đầu năm và lễ cúng khác là những lễ cúng không thể thiếu trong dịp tết đến xuân về. Dù lăn lộn với những con sóng ngoài khơi, nhưng họ đã cùng nhau thành kính chuẩn bị những phẩm vật dâng lên các vị thần, thành hoàng để cầu mong một năm sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm, cá.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc đáo lễ cúng ghe dịp tết