Theo dõi trên

Độc đáo lễ hội cầu ngư Lăng ông Nam Hải

09/08/2018, 08:26

BT- Hơn 330 năm hình thành và phát triển làng biển La Gàn (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong) và cũng chừng ấy năm, ngư  dân nơi đây ra khơi, bám biển để mưu sinh. Với quan niệm cá voi là “chúa tể” của biển cả, người dân La Gàn đã lập lăng thờ ông Nam Hải để tỏ lòng thành kính, tổ chức lễ hội cầu ngư hàng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên bể lặng. Trải qua nhiều năm, lễ cầu ngư đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong lòng ngư dân.

Sự tích và Lăng ông Nam Hải

Chúng tôi về La Gàn đúng vào ngày lễ hội cầu ngư 16/6 âm lịch. Tại Lăng ông Nam Hải (Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh) ở Bình Thạnh nhộn nhịp, đông vui. Hàng trăm khách tham quan, du lịch khắp mọi nơi đổ về, giao lưu văn hóa trong lễ hội độc đáo của ngư dân làng biển có từ hàng trăm năm.

Các cụ cao niên kể lại rằng: Cách đây trên 130 năm, vùng biển này vào một ngày trời mây ảm đạm, biển mù sương bỗng tan biến, sáng rõ. Có một ông Nam Hải “lụy” bồng bềnh theo dòng thủy triều trôi dạt cách La Gàn 15 km, ngư dân thuyền chài ở các xã ven biển đang hành nghề phát hiện ông lâm nạn. Thuyền nào cũng dùng sức lực với hàng chục trai tráng nhưng không thể giành và đưa ông vào bờ biển của xã mình. Vì ông vào đến làng nào thì đất ấy, làng ấy làm ăn thịnh vượng. Thế rồi, có một lão ngư ở La Gàn trên một chiếc thuyền nhỏ, sau khi khấn vái đã dùng sợi dây dừa mỏng manh đưa ông vào bờ biển La Gàn. Ông Nam Hải này có thân hình khổng lồ, dân vạn chài không thể di chuyển đi nơi khác được mà phải mai táng tại chỗ, sát bờ biển.

Rồi một hiện tượng khác lạ xảy ra chưa từng có, đó là vào ngày 22/8 (âm lịch) năm 1982, một sáng mùa thu nắng đẹp, người dân bỗng thấy có nhiều đốm đen bập bềnh trên sóng nước di chuyển về hướng bờ. Đó là sự xuất hiện của 36 ông Nam Hải áp sát vào bờ theo đội hình mũi tên. Trong “đoàn binh ấy”, có một ông đang thoi thóp, thân hình dài 12 m, cao 1,5 m, da đen tuyền. Ngư dân tỏ lòng tôn kính sợ ông mắc cạn nên dìu ông ra nhưng ông không có dấu hiệu phản ứng. Đàn cá voi chờ mãi đến khi ngư dân lo xong xuôi việc tang lễ cho đồng loại của mình mới từ từ trở lại biển cả.

Ngày ấy, để có nơi thờ phụng cho ông Nam Hải, ngư dân không chỉ góp công sức, tiền của xây miếu mà còn phải chọn nơi, chọn thế cho ngôi miếu. Lăng ông Nam Hải được xây dựng từ đời vua Minh Mạng (1820 - 1840), ở địa thế “thủy tụ sơn triều”, tức là có nước chảy về hội tụ và đồi cát chập chùng bao bọc hai bên; tựa vào đài nguyên cát trắng theo phương vị Đông Nam - Tây Bắc, đứng soi mình bên bờ biển đẹp.

Do lăng ông tọa lạc dưới chân đồi cát di động sát bên bờ biển Đông, nên hàng năm người trong làng phải thường xuyên nạo vét cát để tránh nguy cơ bị phả lấp. Tuy nhiên, do tính chất ác liệt của hai cuộc chiến tranh đánh Pháp, đuổi Mỹ nên người dân Bình Thạnh phải sơ tán đi nơi khác trong một thời gian dài, không ai trông nom, bảo quản lăng. Vì thế, Lăng ông Nam Hải đã bị vùi sâu trong cát suốt 40 năm. Đến năm 1991, người dân địa phương mới có điều kiện dịch chuyển hàng ngàn khối cát, trùng tu, sửa chữa lại lăng để có nơi thờ phụng, tế lễ hàng năm.

Lăng được trùng tu trên quy mô lớn gồm khu chánh điện, tiền sảnh và vỏ ca. Công trình được trải rộng trên diện tích 1.500 m2, cả tường thành và tường lăng được xây bằng nhiều chủng loại đá núi, san hô rất đặc biệt dày đến 1,2m.

Lăng là sự thể hiện lòng biết ơn của con người đối với sự ưu ái của biển khơi và ngưỡng mộ quyền uy của ông Nam Hải. Từ khi tạo lập đến nay, Lăng ông Nam Hải đã tiếp nhận và an táng hàng chục cá voi lụy (chết) và trôi dạt vào bờ ở khu vực trước lăng. Đặc biệt, có ngài lớn nhất, khi còn nguyên hình có chiều dài 25m, ngang 4,8m, cao 2,7m, nặng 60 tấn. 

Độc đáo lễ hội cầu ngư

Trước kia lễ hội cầu ngư kéo dài 3 ngày 3 đêm, có khai chầu hát bội và nhiều trò chơi dân gian. Giờ chỉ diễn ra trong 2 ngày (15-16 tháng 6 âm lịch hàng năm), nhưng vẫn được tổ chức long trọng, trang nghiêm theo đúng phong tục tập quán truyền thống của ngư dân từ bao đời nay. Các thế hệ ngư dân Bình Thạnh dù sinh sống ở đâu, đến ngày diễn ra lễ hội cũng hội tụ về đây tham gia khấn bái thần Nam Hải, để thể hiện niềm tin tín ngưỡng mãnh liệt và thiêng liêng đã ăn sâu trong đời sống văn hóa tinh thần theo tập tục lâu đời nơi cố hương.

Về với người dân Bình Thạnh thời điểm này dễ dàng nhận thấy không khí lễ hội nhộn nhịp. Do lễ hội cầu ngư là nét đẹp văn hóa linh thiêng, thể hiện sự đồng lòng của toàn thể người dân, vì thế người dân Bình Thạnh đã chuẩn bị kỹ lưỡng, các quy ước trong lễ hội được quy định chặt chẽ, hợp với lòng dân trong xã.

Trình tự các nghi lễ trong lễ hội cầu ngư chính mùa tại Lăng ông Nam Hải, xã Bình Thạnh gồm: lễ rước sắc tại đình Bình An, lễ thỉnh Ông Sanh ở bờ biển, lễ cúng tiên, lễ tế Tiền hiền và chánh lễ tế thần tại chính điện. Các nghi thức lễ cổ truyền được thực hiện trịnh trọng, tôn nghiêm, phong phú để cầu thần Nam Hải phù trợ cho mùa biển phát triển và bội thu, đời sống con người sinh sôi nảy nở trường tồn và ngư dân lao động trên biển được bình an.

Chiều 16/6 âm lịch, nghi thức chèo bả trạo được tổ chức trang nghiêm tại cửa biển, nơi có con lạch giữa gành đá nhấp nhô trải qua bao năm tháng vẫn không bị xói mòn, được cho là dấu tích mộ ông “quy tiên” năm xưa. Ấn tượng nhất là màn diễn xướng nghệ thuật chèo bả trạo với sự kết hợp tài tình giữa âm nhạc, vũ đạo và thi ca. Đội hình của đội chèo bả trạo với trang phục tượng trưng như những người lính thú hầu lễ trong cung đình xưa, gồm hai hàng trạo hai bên, ba tổng ở giữa thực hiện động tác khua mái chèo để con thuyền vượt qua sóng gió về bến an toàn. Nội dung kịch bản chèo, trong từng đoạn được kết cấu xen kẽ nhiều làn điệu dân gian như nói lối, hò và lý, hát nam… được thay đổi tiết tấu theo nghi thức tế lễ thuộc về tín ngưỡng tâm linh. Với bổn chèo 200 - 300 câu theo thể thơ lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, nói lối… thể hiện khát vọng sống ấm no, hạnh phúc, niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên và lòng tự hào về quê hương đất nước…

Lễ hội cầu ngư Lăng ông Nam Hải thể hiện lối ứng xử nhân văn giữa con người với giới thần linh, gắn kết tình yêu trong cộng đồng, trao truyền kinh nghiệm nghề nghiệp, thời tiết, hải trình trên biển và giáo dục đạo lý ứng xử trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Hình thức thực hiện trong các nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian đặc trưng của ngư dân vùng biển Bình Thạnh, thể hiện bản sắc văn hóa biển đầy sinh động khoan thai mà gần gũi, rộn ràng mà sâu lắng và gần gũi với đời thường của ngư dân; đồng thời thể hiện nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật dân gian của du khách trong cuộc sống hiện đại.

MINH CHIẾN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc đáo lễ hội cầu ngư Lăng ông Nam Hải