Theo dõi trên

Đọc lại Địa chí Bình Thuận

06/09/2019, 10:53

BT- Đã qua 13 năm từ khi tập Địa chí Bình Thuận xuất bản (2006), chắc chắn đến nay vẫn còn không ít người thấy sự cần thiết về những vấn đề liên quan đến nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu chặng đường dài lịch sử dân tộc của vùng đất Bình Thuận. Từ năm 1993, công trình “Địa chí Bình Thuận” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận chủ trương, chỉ đạo và Sở Văn hóa Thông tin thực hiện, xuất bản vào năm 2006. Công trình này đã trải qua hơn 13 năm với các công đoạn về tổ chức, đề cương, tư liệu, sơ thảo, thẩm định, phản biện… Bộ sách Địa chí Bình Thuận với 1.242 trang, gồm 7 chương và 7 phụ lục, hình ảnh đã tái hiện, chuyển tải các lĩnh vực về tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử đấu tranh… có giá trị “là một công  trình khoa học xã hội nhân văn lớn nhất của tỉnh từ nhiều năm qua”. Để đảm bảo yêu cầu từ quan điểm đó, với một hội đồng biên soạn gồm những nhà nghiên cứu tên tuổi được mời tham gia như Phan Xuân Biên, Nguyễn Duy Tỳ, Nguyễn Chí Bền, Thạch Phương, Ngô Văn Lệ, Nguyễn Thế...

Với một công trình mang tính nghiên cứu, lịch sử nhất là liên quan các lĩnh vực đã đặt ra yêu cầu về tư liệu rất lớn, chiếm mất nhiều thời gian cho kế hoạch thực hiện. Chỉ mỗi 1 chương về địa lý, tổ chức hành chánh, dân cư của tỉnh trên 300 năm hình thành, đã thấy khó khăn như thế nào để hệ thống được dù là tương đối đầy đủ, nhưng đòi hỏi sự trung thực đúng với bản chất lịch sử đã diễn ra. Ban biên soạn ngay từ đầu đã huy động được một lực lượng có thể coi là cộng tác viên, khiêm tốn ở phạm vi tư liệu từ các ngành, huyện, thành phố… để giúp cho việc nghiên cứu chuyên đề, có hệ thống đáp ứng cho công tác biên soạn. Có lẽ với những người tham gia các công trình biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương xã, huyện đều cảm nhận được vai trò của người chắp bút, biên tập… Công trình Địa chí Bình Thuận có được một ban thư ký khá chuyên nghiệp, nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với anh Đỗ Quang Vinh (Trưởng Ban thư ký) đã phải tạm ngưng những cảm xúc trong sáng tác văn học, âm nhạc để đóng vai người “đầu bếp” đầy trách nhiệm cho công trình. Bản thân tôi có điều kiện để “thấu hiểu” được phần nào nhờ đã từng tham gia khoảng chục công trình lịch sử truyền thống ở phạm vi địa phương. Trên thực tế nào cũng ban bệ đàng hoàng, kinh phí đầu tư không nhỏ nhưng không ít trầy trật, chật vật với nguồn tư liệu. Trong khi đó mỗi chương, mục của bộ sách Địa chí này là một chuyên đề, một người biên soạn nhưng khi hoàn thành với tổng thế toàn tập là một “mạch” văn phong của khoa học lịch sử đáp ứng cho mọi thành phần. Với các ông Tô Quyên, Trần Ngọc Trác gần như nằm lòng nỗi thăng trầm trên từng tấc đất của Bình Thuận; ông Phan Minh Đạo với chuyên đề về văn học, nghệ thuật, báo chí của Bình Thuận bằng sự sâu sắc, khách quan của một nhà văn; nhà nhiếp ảnh Ngô Đình Cường với những tấm ảnh đen trắng đặc trưng rất xưa của Phan Thiết hay ông Nguyễn Xuân Lý có trình độ chuyên sâu trong nghiên cứu, khảo cổ đã giải mã nhiều vấn đề tín ngưỡng, lễ tục của địa phương… Tôi có đọc được vài bộ sách địa chí các tỉnh, nhưng đồ sộ hơn là “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, mỗi lĩnh vực là một tập dày trên dưới 500 trang, trong đó có chia làm nhiều chuyên đề do một tác giả tên tuổi đảm nhận biên soạn. Nhưng với “Địa chí Bình Thuận” đã có một hình thức trình bày, đề cương khá phù hợp, làm cơ sở cho công tác sưu tầm tư liệu, biên soạn để đạt được yêu cầu là một công trình “trí tuệ” mang tính lịch sử đạt độ tin cậy cao. Đọc lại những sự kiện qua mô tả về một thời khai khẩn đất hoang, những địa danh xưa, nay không còn nhưng vẫn khắc họa được ở Bình Thuận là đất tụ nghĩa, kết nối của những người dân tứ xứ, từ biển đến non cao, những lưu dân phiêu bạt để sống hòa thuận, nghĩa tình, nhẫn nại làm nên bản sắc riêng cho vùng đất giàu truyền thống này. 

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đọc lại Địa chí Bình Thuận