Theo dõi trên

Đọc “Trước cửa thiền” của Lương Minh Vũ

05/10/2019, 10:07 - Lượt đọc: 156

BT- Cách đây 13 năm, Lương Minh Vũ đã in tập truyện đầu tay “Nằm nghiêng nhớ núi”, đó là những trang văn đằm thắm, đầy trăn trở. Với cái “tôi” là ai đó hay của “nhân vật” vẫn thấp thoáng trong tâm thế của bi kịch cô đơn. Tập truyện thứ 2 này, “Trước cửa thiền” vừa xuất bản, chỉ 10 truyện nhưng có đến 200 trang đầy đặn và cả bìa sách anh cũng tự vẽ. Trong đó, mỗi truyện là những cảnh đời, thân phận, hợp tan… được tác giả đặt ra nhiều tình huống từ thực tế xã hội và mang tính luận giải một cách dịu dàng.

Hầu như các truyện trong tập mới này, Lương Minh Vũ chỉ viết từ các lần dự trại sáng tác ở Hà Nội, Tam Đảo, Đà Lạt, Nha Trang… và đã có vài truyện đăng trên các tạp chí Trung ương Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Hội Nhà văn, Diễn đàn Văn học như Trước cửa thiền, Làng quê hiu hắt, Có hay không tình yêu… Đủ phần nào để thấy ở “chắc tay” của Lương Minh Vũ không những là một cây bút vững vàng của làng văn Bình Thuận mà còn được định danh xa hơn. Nhưng với tôi, khi đọc “Trước cửa thiền” (cũng là tựa chung tập truyện) tôi mới thấy nể khả năng cảm thụ của anh về triết lý Phật giáo. Có khoảng cách nào mà không ngộ ra chánh pháp, chỉ mỗi lời của nhà sư thôi “…việc mở ra cánh cửa giác ngộ là nỗ lực tự thân của mỗi người. Không một tha lực nào có thể giúp được. Dù đó là Đức Phật ”. Bởi một lẽ “Phật cũng khổ như người khốn khổ”, nói như nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn! Ở truyện “Làng quê hiu hắt” từ những tập tục lạc hậu dẫn đến sự tha hóa con người lao vào vòng luẩn quẩn ma mãnh, tham vọng để rồi kết thúc bằng một thái độ buông bỏ, bao dung: “Nó đi tu rồi, vậy là tốt cháu ạ! Tu để sám hối tội lỗi của nó”. Truyện “Người đồng hành ở ga Huế”, đúng ra đây là bài Ký của Lương Minh Vũ trong thời gian đi dự trại sáng tác của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2002, cùng với bạn văn các tỉnh Tạ Văn Sỹ, Nguyên Hương, Hoàng Đỗ… Nhưng anh phát triển thành truyện vì theo anh, qua đó mà có nhiều cảm xúc mới, những cách nhìn về học thuật và nghệ thuật. Đó là một người khách đồng hành của đời thường đã bước vào câu truyện vừa lịch lãm sang trọng, đam mê nghệ thuật nhưng cũng vừa phải đối mặt với một thực tế sần sùi, chua xót. Nhưng dẫu gì ở nhân vật của anh vẫn là một tâm hồn thanh thản của người nghệ sĩ. Những lần tôi tình cờ nhận ra anh một mình ngồi lặng lẽ bên góc quán nhỏ, 1 chai bia đã cạn, điếu thuốc phì phà… Nhưng khi đọc những trang chữ của anh tôi càng thấu hiểu, đó là nỗi cô đơn da diết không thể loại ra khỏi đời người.

Các truyện Vĩnh biệt bụi hồng, Trò dâu bể, Không dừng bên đời nhau hay Công ty tư vấn cho người muốn tự sát… gây cho người đọc nghĩ đến nhiều điều, nhưng tác giả không phải “định nghĩa” thế nào là một tình yêu, không “tư vấn” phải lựa chọn sống chết ra sao? Lương Minh Vũ càng không cố tình tạo ra kịch tính, gây cấn gắn cho nhân vật, mà bằng một giọng văn trầm buồn, kể lể làm cho người đọc cảm nhận được giá trị nhân văn, lòng nhân ái của con người luôn tồn tại.

 PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đọc “Trước cửa thiền” của Lương Minh Vũ