Theo dõi trên

Đọc “Ủa, sao kỳ lạ vậy?” của Trần Hữu Ngư

02/12/2016, 10:17

BT- Tác giả Trần Hữu Ngư hiện đang làm việc tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Ông là người con tha hương, tha hương theo nhiều nghĩa, quê xưa bản quán của ông là làng Cây Khô thuộc xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam ngày nay. Tập sách mới “Ủa, sao kỳ lạ vậy?” của ông vừa được Nhà xuất bản Mỹ thuật xuất bản (quý 3, 2016) là tập sách thứ năm ông trao gửi đến độc giả. Tập sách gồm 65 bài tùy bút, đa phần là nỗi nhớ quê, nỗi niềm hoài cảm; một dòng chảy tâm tưởng được gắn kết với những ca khúc ngày xưa, những ca khúc đã đi vào lòng người, đã đọng lại lòng người như một phần ký ức ngọt ngào và cũng đắng đót đến “chín chiều ruột đau”.

Khi gấp tập sách lại, tôi thấy hiện lên một vùng quê thương thuộc nhưng nhiều biến động, một vùng rừng biển liền nhau với người cha da mặt từ xanh mét chuyển sang đen giòn và kết thúc sự bế tắc của mình như một “hành động dũng cảm”, với người mẹ lam lũ, tay xách nách mang, hy sinh đến tận cùng, dành hết cả cuộc đời mình cho chồng con, với những người hàng xóm buôn gánh bán bưng tối mặt tối mày với mưu sinh khổ nhọc… Buồn. Thương. Và lạ nữa. Tôi thấy sự tái hiện khá thành công này và yêu thích tác giả nhiều hơn là những câu hỏi cắc cớ dành cho những điều cắc cớ vốn đầy rẫy trong xã hội hiện nay.

“Ủa, sao kỳ lạ vậy?”, câu hỏi đó cũng có thể hỏi ngược lại tác giả, vốn là một con người trọng cái gốc của đời sống nhân sinh, vốn là con người biết ngẩn ngơ trước cái duyên thầm của sáng trưa chiều tối và cũng vốn là một nhà văn yêu âm nhạc. (Nhạc nói được nhiều hơn tất cả, nhiều hơn lời, hơn khối, hơn hình, thậm chí nhạc còn đi xa hơn cả trí khôn lịch sử).

“Ủa, sao kỳ lạ vậy?”, trong mắt tôi, như một câu hỏi chơi vơi của con chim ngơ ngác nhớ rừng, của con cá lạc loài nhớ biển, là câu hỏi dành cho người thương không lý giải nổi vì sao mình nhớ… người thương và dành cho ai đó còn biết hỏi “Tôi đã làm gì cuộc đời tôi vậy?”.

Không phải ngẫu nhiên mà quyển sách được thiết kế theo hình vuông, nó mang nặng vẻ u buồn của đêm, của trăng, của đất đai, của nước và nhất là của mẹ, đúng như ý nghĩa biểu tượng của một dòng chảy rất người và cũng rất hậu chiến mà tác giả Trần Hữu Ngư (Phan Trần) rút ruột trao gửi đến bạn đọc. Thật, hoài cổ, thấm đẫm nỗi niềm và có giọng điệu riêng biệt, tôi nghĩ đây là quyển sách đáng để đánh đổi chút thời gian vàng ngọc của mọi người.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đọc “Ủa, sao kỳ lạ vậy?” của Trần Hữu Ngư