Theo dõi trên

Dòng nhân văn chảy mãi

02/03/2018, 09:27 - Lượt đọc: 13

BT- Đó là suy nghĩ của tôi sau khi đọc đến trang cuối cùng, sau hơn một lần đọc, cuốn tiểu thuyết Từ thời gian khác của Nguyễn Hiệp (NXB Hội nhà văn 2017).

Và tất nhiên, đó là dòng sông của khát vọng sống và ý chí hướng thiện của con người. Chính ở đây, nhan đề của tác phẩm là cái mã ký hiệu, là điểm tựa cho việc cảm thụ nơi độc giả.

Trò chơi thời gian

Bàn về nghệ thuật của Từ thời gian khác, có người cho rằng tác giả đã sử dụng biện pháp đồng hiện, thủ pháp hồi tưởng. Hiểu như vậy là đúng rồi nhưng giản lược, thậm chí còn có nguy cơ đứng bên ngoài cảnh cửa của chủ đề thiên tiểu thuyết này. Bởi lẽ, có cuốn tiểu thuyết hiện đại nào kể chuyện bằng phương thức thời gian đơn tuyến đâu. Ngay cả đối với truyện ngắn, người kể chuyện còn để cho thời gian rong ruổi, ngược xuôi đến chóng mặt.

Những gì được viết ra... đều đến với chúng ta từ một nơi khác, một thời gian khác... Sa ngập ngừng nói, Chan Tha gật ngay. Tình yêu thì lại ở đây và bây giờ, nó không cần suy xét, không cần biện minh [...] Chan Tha lại gật ngay.

Ai trong chúng ta cũng được định vị trong những khung không-thời gian. Đi vào tác phẩm văn học, thời gian là hình tượng, tức nó đòi hỏi người ta cảm nhận nó bằng tâm lý. Sa là ai, Chan Tha là ai? Vào một ngày trí khôn đi vắng, nhân loại đã để cho cái gọi là chủ nghĩa xã hội kiểu Pol Pot ra đời. Như một cỗ chiến xa mù lòa, nó húc đổ mọi thành trì của văn minh nhân loại; nghiền nát, bóp chết gần như mọi giá trị mà nhân loại đã dày công gầy dựng qua bao nhiêu thời đại. Chan Tha là người có cha mẹ đã bị giết thảm bởi Khmer Đỏ - những kẻ sát nhân máu lạnh do cuồng tín cái cỗ chiến xa mù kia. Bản thân cô rất may mắn mới thoát khỏi cái mà mấy năm sau đó nhân loại gọi là “Cánh đồng chết” (The Killing Fields). Số phận đưa đẩy, cô trở thành vợ một người Việt Nam. Đó là một dòng thời gian. Ở một dòng thời gian khác, Sa là một thanh niên Việt Nam tình nguyên đi chiến đấu để giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Vì sao ở đầu thiên tiểu thuyết, Sa và Chan Tha quấn lấy nhau trong điệu luân vũ tình ái mãnh liệt khi Chan Tha đã có chồng? Câu trả lời là: Còn một đoạn của dòng thời gian khác mang tên Du, chồng của Chan Tha, cũng là một chiến sĩ tình nguyện. Nữa, Sa cũng đã có vợ, vậy là còn một dòng thời gian nữa về/của người đàn bà gốc Bắc khéo vén, gặp gỡ và lấy Sa như một hướng đạo của định mệnh. Dòng thời gian thứ tư này cũng chảy qua chiến tranh nên mang nhiều thương tích trầm thống. Tất cả vẫy gọi người đọc ngụp lặn, vùng vẫy để đồng sáng tạo với tác giả.

Rõ ràng, trong Từ thời gian khác, thời gian không chỉ là đối tượng, là chủ đề miêu tả, nó cũng vượt qua chức năng công cụ miêu tả mà đã trở thành phương tiện để kiến tạo nội dung. Đọc Từ thời gian khác, tôi hình dung Nguyễn Hiệp như một thợ rửa ảnh kiểu cũ: một tay cầm đôi đũa khoắng vào chiếc chậu men, tay kia hẳn nhiên cầm chiếc đèn, những chiếc ảnh dập dềnh trong cái chậu. Lạ ở chỗ, ông thợ ảnh không màng đến chuyện độ sáng, nét hay không nét, ông cứ miên man nghĩ nó đã được tạo ra như thế nào và sẽ ra sao.

Nhà văn, anh là ai? Có nhiều lời đáp cho câu hỏi này. Nhiều người trong cuộc đời có tố chất nhà văn ở chỗ họ luôn bị dày vò bởi ít nhất một câu chuyện nào đó cần phải nói ra. Nhưng, ngoài hàng rào ngôn từ, có rất ít người trong số họ có khả năng tìm thấy cách nói ra cái điều dày vò kia, đó là nhà văn. Cách nói của mỹ học và mang tải tư tưởng, thậm chí triết học. Nó thú vị và thường đa nghĩa. Nhờ vậy, Từ thời gian khác của Nguyễn Hiệp không phải là cuốn sách về chiến tranh biên giới Tây Nam, về chiến trường K hay số phận người chiến sĩ thời hậu chiến... Nguyễn Hiệp không có ý định sinh một “đứa con” thuộc “nhóm máu thông tấn” thuần túy. Với cách tiếp cận thời gian nghệ thuật, Từ thời gian khác là sự nghiền ngẫm về thân phận con người qua những cơn giông gió, bão táp khủng khiếp của thời đại với cảm quan nhân đạo, nhân văn sâu xa. Thời gian trần thuật bắt đầu từ lúc Sa và Chan Tha gặp lại nhau hồi năm 2015; thời gian được trần thuật (chủ yếu là thời gian khách quan của sự kiện, gắn với mỗi nhân vật) được kể từ trước cả cái ngày Pol Pot gây ra cơn ớn lạnh đáng phỉ nhổ trong lịch sử loài người. Những dòng thời gian phát nguyên từ những điểm khác nhau đã chảy song song nhau, giao cắt, hòa nhập, tung vỡ, có lúc tạm lạc dòng; lúc đầy ắp hân hoan, lúc hao hụt nấc nghẹn, để rồi chỉ còn rất ít dòng chảy vào tương lai mang tính nhân loại.

 Bản hòa ca nhiều tầng vỉa ý nghĩa

Càng ngày, người làm văn chương càng thống nhất với nhau một điều: Viết về cái gì không còn là điều quan trọng. Trên cánh đồng hiện thực được lựa chọn (đề tài), người viết trồng cây gì (chủ đề, tư tưởng) và thâm canh kiểu gì mới là điều quan trọng (thi pháp), làm nên tầm mức, tầm vóc của người viết. Trò chơi thời gian chính là thi pháp của Từ thời gian khác.

Do đó, ở đây, tôi chỉ muốn nói thêm đôi điều về chuyện Nguyễn Hiệp trồng cây gì trong tác phẩm mới này của anh. Dữ dội, khốc liệt, Từ thời gian khác ám rợn tôi những cảm giác trên. Thiên tiểu thuyết đã họa lại “Cánh đồng chết”, những cuộc xâm lấn và thảm sát của quân Pol Pot đối với đồng bào ta ở Tây Nam, những thanh niên lên đường đi làm nghĩa vụ quốc tế, những trận đánh kinh khiếp. Dù rất ghét so sánh, tôi cũng phải tự thấy những trang văn miêu tả chiến trường của Nguyễn Hiệp không khác mấy so với những tác phẩm viết về chiến tranh của nhà văn Mỹ Tim O'Brien. Vô thiên lủng vũ khí, có cái có tính năng sát nhân, có cái – man rợ hơn – chỉ làm cho người ta tật nguyền để trở thành gánh nặng cho cộng đồng. Những trận đánh. Nổ, gãy, vỡ, tan, dập, sập, bẹp, vụn, máu, xương, sọ... Sọ ở sa trường. Sọ ở Ba Chúc. Sọ ở Tuol Sleng... Đây rồi, hai chủ đề: chủ đề chủ nghĩa anh hùng và tinh thần quốc tế. Chan Tha lấy Du làm chồng -  chủ đề tình yêu không biên giới.

Từ ngôi làng yên bình bên dòng Con Cuông, nơi chân núi Tà Cú, Du đã đến chiến trường K, bị trái Z2 hất tung, anh “chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần”. Cuối cùng Du thành một “khối thịt”. Với Du, tất cả đã “kết thúc” vì với “khối thịt”, sự sống thật “vô nghĩa”. Vậy mà, bỗng đâu một “bàn tay mềm mát chạm lên da thịt anh”. Một khúc đoạn thời gian. Chan Tha, đứa con gái cưng của hai vợ chồng bác sĩ, sống với ký ức về hình ảnh cái chết thảm khốc của bậc sinh thành. Cây dùi vung lên, máu xối, đầu ngoẹo, và tiếng rú. Một khúc đoạn thời gian. Sa là đồng đội, đồng hương của Du. Sau cuộc chiến, Sa lê qua cuộc hành trình nhân sinh dằng dặc cô độc. Một khúc đoạn thời gian... Nhưng qua ngòi bút của Nguyễn Hiệp, ngần ấy khổ đau không làm con người ta gục ngã. Trong tột cùng khổ ải, nhân vật của anh vẫn nhớ về thượng nguồn của dòng thời gian – tiếng hát của mẹ thuở thiếu thời nơi thôn dã, điệu múa truyền thống, “tiếng trẻ con vui đùa, tiếng chim hót và tiếng lá xạc xào”... Đối tượng thám hiểm thực sự của Nguyễn Hiệp là hiện thực tâm hồn con người trong những thử thách tột độ của cuộc đời. Trống rỗng. Chán chường. Chết mòn. Và, kỳ diệu thay, từ một chiều thời gian khác, tất cả đã trẩy xuôi về cửa biển tái sinh. Chính ở đây, những trang viết của Hiệp đã chạm vào những vấn đề có tính nhân loại vĩnh cửu. Nó mài sắc con người ta sự rung cảm, đồng cảm, bao dung, chia sẻ, khao khát sống để “trở thành chính chúng ta trong nguyên vẹn yêu thương”. Đây rồi – chủ đề con người, chủ nhân của cuộc sống và thế giới này.

Rốt cuộc, những dòng thời gian đã hòa vào một dòng chung – dòng đời lấp loáng ánh nhân văn chảy miên viễn về tương lai. Sa gặp lại Chan Tha ở Campuchia không phải như một thứ của để dành. Trời xui đất khiến? Tiền định? Theo tôi, đó là một sự hân thưởng mà cả hai xứng đáng được nhận – một chủ đề nữa của tiểu thuyết? Rồi họ gặp nhau lần thứ hai tại một hội nghị quảng bá văn học mang tầm quốc tế do Việt Nam đăng cai. Nhà văn Chan Tha mang đến hội nghị tác phẩm song ngữ Khmer – Việt có nhan đề Tóc máu, với thông điệp về công lý. Nên nhớ, chính nhà văn Sa là người có công hồi sinh Chan Tha và giúp cô trở thành nhà văn. Và như thế, Từ thời gian khác của Nguyễn Hiệp không còn là câu chuyện của riêng Việt Nam nữa rồi: Hòa bình và tình yêu thương.

Đặng Ngọc Hùng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dòng nhân văn chảy mãi