Theo dõi trên

Đưa trẻ đến với trò chơi dân gian

20/12/2018, 09:03

BT- Với mục tiêu “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường mầm non trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc đưa trò chơi dân gian vào trường học.

                
Tiết học trò chơi dân gian tại lớp lá 2    Trường mầm non Tuổi Thơ.

Giờ hoạt động ngoài trời, sân Trường mẫu giáo La Dạ (Hàm Thuận Bắc) nhộn nhịp hơn bởi tiếng cười nói của trẻ tham gia các trò chơi dân gian. Lớp lá (5 tuổi), chia thành từng cặp theo sự hướng dẫn của cô giáo để chơi trò “lộn cầu vồng”. Còn ở một góc khác, các bé lớp mầm (3 tuổi) đang chơi trò “Dung dăng dung dẻ” rất vui. Cô Đoàn Thị Liễu - Hiệu trưởng trường cho biết: Đặc thù lứa tuổi mầm non chủ yếu vui chơi, vì thế đưa trò chơi dân gian trong đó có cả của dân tộc Kinh và K’ho vào tiết học sẽ giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, sự khéo léo, rèn luyện sức khỏe và thêm yêu văn hóa dân tộc mình. Qua mỗi trò chơi chúng tôi muốn rèn cho trẻ ý thức kỷ luật, đoàn kết với bạn bè. Tại Trường mẫu giáo La Dạ đa số học sinh là người dân tộc thiểu số. Bằng tình yêu thương con trẻ, 100% giáo viên đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc tự làm đồ dùng, đồ chơi dân gian bằng những vật dụng sẵn có. Trong các tiết học thường xuyên lồng ghép các trò chơi cũng là một cách rèn luyện tiếng Việt cho trẻ và để phụ huynh yên tâm cho con em mình ra lớp chuyên cần.

Ở mỗi lớp, các cô sẽ tổ chức cho trẻ chơi những trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi của mình. Đối với lớp mầm, cô giáo hướng dẫn chơi những trò dễ nhớ như chi chi chành chành, kéo cưa lừa xẻ, nu na nu nống; những trẻ lớp chồi thì chơi trò mèo đuổi chuột, kéo co, bịt mắt bắt dê; lớp lá có trò kéo co, nhảy dây, ô ăn quan. Cô Châu Thị Chính Nghiệp chia sẻ: Tâm lý của các trẻ là rất thích được nghe kể chuyện, tham gia các trò chơi tập thể hơn việc học các phép tính. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, tôi thường đưa các trò chơi dân gian vào giúp trẻ mở rộng vốn sống bằng một số bài đồng dao, ca dao, tục ngữ. Đặc biệt trước các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, giáo viên còn hướng dẫn cho trẻ rước đèn ông sao, nhảy sạp…

Còn tại Trường mầm non Tuổi Thơ (TP. Phan Thiết), tất cả những mô hình, dụng cụ phục vụ các trò chơi dân gian đều được sắp xếp hợp lý. Trong khuôn viên trường có vườn hoa, vườn rau, khu phát triển vận động, khu sáng tạo… tạo thành một không gian xanh mát, giống như khung cảnh của làng quê. Cô Phan Thị Đức Thanh - Hiệu trưởng trường thông tin: Trường hiện có 344 trẻ/10 nhóm lớp. Với phương châm “học mà chơi - chơi mà học”, trò chơi dân gian đã được giáo viên của trường tổ chức cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, trong lớp và ngoài trời, vừa rèn luyện sức khỏe, sự hào hứng cho các em, vừa rèn tính đoàn kết. Thêm nữa, phần lớn trò chơi dân gian đều gắn liền với những bài đồng dao nên giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và nâng cao hiểu biết. Do vậy vào đầu các năm học, Ban giám hiệu đều yêu cầu giáo viên phải nghiên cứu, lựa chọn, sưu tầm những trò chơi phù hợp với nhận thức, sức khỏe của trẻ ở từng độ tuổi.

Việc đưa trò chơi dân gian vào hoạt động giáo dục mầm non đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ tại các trường mầm non. Đây cũng là cách để giáo dục những truyền thống văn hóa, đức tính đáng quý của con người Việt Nam, tạo nền tảng phát triển toàn diện cho trẻ cả về thể chất và tâm hồn.

Thục Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa trẻ đến với trò chơi dân gian