Theo dõi trên

Được mùa văn học

23/08/2018, 08:37

BT- Là hội viên văn học mấy chục năm nay, tôi chưa từng chứng kiến có thời kỳ nào mà các hội viên lại rầm rộ cho ra đời nhiều tác phẩm văn học như thời gian gần đây. Chỉ riêng trong 2 năm vừa rồi các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, biên khảo, sưu khảo là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận đã xuất bản trên 20 đầu sách. Chưa nói về “chất”, chỉ riêng số lượng thôi cũng nói lên sự khởi sắc về cảm hứng sáng tạo của các hội viên.

Về thơ có 5 đầu sách của các tác giả: Giang Đà với tập “Xin như mây trắng”, Trần Thị Minh Trinh có “Trăng tròn xuân ngát”, Trần Yên Thế với tập “Gió còn thổi bên hiên”, 2 tác giả Lê Thanh Hùng và Nguyễn Đồng Bằng với tập thơ in chung “Như là phù du”, Đỗ Thị Ái Liên với tập “Chạm cõi mênh mông”. Năm nhà thơ có nơi cư trú khác nhau, người thì ở Tuy Phong, Bắc Bình, người sống ở La Gi, nhưng thơ thì đều trú ngụ ở một điểm chung - tình yêu quê hương, con người luôn bàng bạc trong cảm xúc của những vần thơ. Còn về lĩnh vực lý luận phê bình, biên khảo… Bình Thuận xuất hiện thêm một cây viết sắc sảo ở mảng lý luận, phê bình là Đặng Ngọc Hùng. Ngoài truyện ngắn, nhiều bài lý luận của anh được đăng trên các tạp chí với hội đồng thẩm định có bề dày về mặt học thuật như tuần báo Văn nghệ trung ương. Theo giấy phép của NXB Hội Nhà văn, anh cũng vừa cho ra mắt tập phê bình, biên khảo “Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi” và nhận được nhiều lời ưu ái của những bạn viết.

Tác giả Phan Chính ngoài tập thơ “Bảng lảng gió giêng” vừa được tặng thưởng giải Dục Thanh, anh vẫn chuyên tâm vào những bài viết sưu khảo, địa danh. Tập sưu khảo “La Gi - đất xưa diện hải bối lâm” anh vừa cho xuất bản đã nói lên tầm kiến văn, kiến thức rất sâu và mới của anh về đất và người, các địa danh của quê hương mà anh đang sống hay từng ghé qua. Nhận thấy những phát hiện của anh rất cần cho sự nghiên cứu của các thế hệ nối tiếp, nên Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận đã đưa tác phẩm của anh vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Còn tác giả Trần Duy Lý đã thể hiện tình yêu thơ của mình qua các bài bình thơ của anh em bạn bè đăng đều đặn trên các báo, tạp chí. Mới đây anh đã tập họp những bài viết của mình và xuất bản tập “Thơ với bạn thơ”. Tập sách cũng góp thêm màu sắc đa dạng cho các tác phẩm sáng tạo văn học ở tỉnh nhà.

Nở rộ nhất là lĩnh vực sáng tác văn xuôi. Hãy nhìn lại thể loại này ở giải thưởng Dục Thanh vừa rồi, qua 5 năm mà truyện ngắn, tiểu thuyết chỉ dăm ba tập để đưa vào dự giải. Nhưng 2 năm gần đây đã có trên 10 tập truyện ngắn, tiểu thuyết được xuất bản. Số lượng đã nhiều mà chất lượng cũng đáng được nhắc đến.

Tác giả Nguyễn Hiệp là con tằm luôn đều đặn nhả tơ, qua nhiều tác phẩm văn học đã xuất bản trước đó, 2 năm qua, Nhà xuất bản Văn học Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) đã xuất bản tập tản văn “Mùa bay không cánh” của anh. Rồi Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra đời tiểu thuyết “Từ thời gian khác”. Tác phẩm này đại diện cho Việt Nam lọt sâu vào vòng xét giải cuối cùng của giải thưởng Đông Nam Á mở rộng (gồm 6 quốc gia có mặt ở vòng này). Qua sự đam mê và miệt mài sáng tạo của anh, Nguyễn Hiệp rất xứng đáng nhận một tràng pháo tay của những người yêu văn học ở tỉnh nhà.          

Hồ Việt Khuê ngoài sự nhiệt tình và những đóng góp cho phong trào sáng tác của địa phương, anh còn là cây viết không hề biết mỏi mệt với nhiều tập sách được xuất bản. Năm vừa rồi, tập thơ “Cỏ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) đã ra mắt bạn đọc. Năm nay, tập truyện ngắn “Những ngày trở gió” với những truyện ngắn đặc sắc vừa phát hành. Vùng đất Tuy Phong, nơi Hồ Việt Khuê là chi hội trưởng cũng có nhiều cây viết mới mẻ vừa xuất hiện. Tác giả Nguyễn Phương với tiểu thuyết “Đi qua dĩ vãng” được giải thưởng của Hội Liên hiệp Việt Nam và giải thưởng Dục Thanh Bình Thuận, Kinh Duy Trịnh với tập “Truyện cổ Chăm”, Trương Trọng Quang với tập “Tuyển tập truyện ngắn”.

Thành phố Phan Thiết ngoài “Tuyển tập truyện ngắn” in chung với 18 tác giả đang sống ở Phan Thiết, còn có Ngân Kim - một cây viết trẻ, mới vào hội chưa được 1 năm đã cho ra mắt tập truyện ngắn “Giọt nước mắt em rơi đằng sau ô cửa sổ” với 18 truyện ngắn đậm đà chất nữ tính khi soi rọi những ngóc ngách cuộc đời và cuộc tình. Còn Huỳnh Hải Âu sau nhiều năm lo viết vì sinh kế cũng đã xuất hiện với tập truyện ngắn “Vòng xoáy chữ tâm” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Chưa kể đến một số tác phẩm đang nằm chờ cấp giấy phép và sẽ in trong năm nay như tập truyện “Đi về phía không phải nhà mình” của Đinh Đình Chiến, “Giấc mộng yêu thương” của Nguyễn Bá Khương, tập thơ “Lời chim ban mai” của La Văn Tuân…

Phía trước là một mùa bội thu văn học. Tuy nhiên nét đẹp nghệ thuật có tồn tại hay không cũng tùy vào mỗi người biết trân trọng và yêu mến. 

Hải Âu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Được mùa văn học