Theo dõi trên

Đường sách trong thành phố biển

20/07/2018, 08:51

BT- Có dịp vào Sài Gòn thăm con đang học, con trai dẫn đi tham quan Đường sách TP. Hồ Chí Minh nằm trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, tôi thật sự thích thú với không gian này.

                
Các gian hàng sách tại Đường sách TP. Hồ    Chí Minh 2018.

 Những gian hàng sách được trưng bày rất đẹp trên một con đường rợp bóng cây xanh. Đường sách được chia thành 3 khu vực: Gian hàng sách, khu vực triển lãm, cà phê sách. Ngoài ra, bên phía Bưu điện thành phố là hai khu cà phê sách dành cho bạn đọc đến thưởng thức cà phê và đọc sách. Không chỉ bày bán sách mới, một số gian hàng nơi đây còn cung cấp những cuốn sách cũ rất đa dạng về thể loại đã tạo nên sức hút cho nhiều bạn đọc. Vì là ngày cuối tuần nên thấy có nhiều khách ngồi nhâm nhi ly cà phê và đọc cuốn sách yêu thích trong không gian mát mẻ, thật không gì tuyệt vời bằng.

Còn nhớ, khi kế hoạch xây dựng Đường sách TP. Hồ Chí Minh được công bố và cả khi nó được đưa vào hoạt động ngày 9/1/2016, trong thời gian đầu, rất nhiều người vẫn tỏ thái độ dè chừng hoặc nghi ngại về tính hiệu quả của mô hình khá mới mẻ này ở nước ta. Nghi ngại vì mô hình này được cho là đã học tập ở các nước châu Âu phát triển, nơi có văn hóa đọc cũng như tỷ lệ quan tâm sách vở khá cao, trong khi đó, tỷ lệ đọc sách của mỗi người Việt nếu chia đều ra cho hơn 90 triệu dân là gần 1 quyển/người/năm - theo Hiệp hội Xuất bản Việt Nam.

Sau gần 2 năm nhìn lại, có thể thấy một mô hình Đường sách TP. Hồ Chí Minh thật sự đã mang lại nhiều hiệu quả và hiệu ứng xã hội. Chỉ ước tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, có gần 386.000 cuốn sách đã được bán ra tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh, đạt doanh thu xấp xỉ 20 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. Đó là chưa kể doanh thu từ các gian hàng sách cũ và các đơn vị dịch vụ khác ngoài sách. Và lượt người đến đường sách vào các ngày cuối tuần cũng tăng hơn.

Nhìn lại TP. Phan Thiết với thế mạnh du lịch biển, tôi lại ao ước có một Đường sách nhằm nâng cao văn hóa đọc, khuyến khích người dân đọc ấn phẩm in… đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, tạo điểm giao lưu văn hóa. Địa điểm chọn làm đường sách có thể là công viên Lầu nước có biểu tượng của Bình Thuận, nơi đây cũng gắn với nhiều hoài niệm xưa của người Phan Thiết. Chứ để tình trạng như hiện nay thì tiếc quá…

Trao đổi vấn đề Đường sách với chị Nguyễn Quỳnh Anh, là quản lý Nhà sách Phương Nam - Chi nhánh tại Bình Thuận, chị bảo Phan Thiết cần phải có không gian văn hóa này. Chị còn lưu ý rằng nếu thành lập được Đường sách, cần chú trọng khâu chọn lọc sách, phải gồm sách cổ điển, sách cho đọc giả lớn tuổi, sách đang bán chạy đang hot. Ngoài ra cũng cần có chế độ giảm giá, tặng quà… Đặc biệt là phải kết hợp với sản phẩm khác như ẩm thực, cà phê có khuôn viên dành cho trẻ em vui chơi với nghệ thuật…

Cũng có người e rằng Phan Thiết khác với Sài Gòn, liệu rằng khi thành lập rồi sau thời gian đầu sẽ vắng khách? Do vậy cũng cần có các giải pháp như: chủ đầu tư Đường sách cần phối hợp các nhà xuất bản, doanh nghiệp xây dựng chương trình, hoạt động cụ thể, xác định đối tượng bạn đọc để đưa các loại sách phù hợp về phục vụ bạn đọc. Các ngày quan trọng trong tháng cần tổ chức những hoạt động điểm nhấn nhằm tạo sự chú ý, thu hút bạn đọc; phối hợp với các trường học, doanh nghiệp du lịch tổ chức tour “Ngày đọc sách” hoặc đưa học sinh đến đọc sách miễn phí tại Đường sách. Các gian hàng sách cần tạo điều kiện giúp bạn đọc có thể đọc sách miễn phí; thường xuyên tổ chức chương trình giao lưu tác giả - tác phẩm, đồng thời với các chương trình khuyến mại sách…

Ước mơ là vậy, cho ngày mai, liệu có được chăng?

    
 Chỉ ước tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, có gần 386.000   cuốn sách đã được bán ra tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh, đạt doanh thu   xấp xỉ 20 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017.

Quang Tuấn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường sách trong thành phố biển