Theo dõi trên

Giếng cổ  Hội An

05/10/2018, 13:56

BT- Trong quần thể văn hóa vật thể ở TP. Hội An (Quảng Nam), không thể không nói đến những giếng cổ  tồn tại hàng trăm năm nay.

Giếng cổ đối với người Hội An vừa mang tính cộng đồng vừa có ý nghĩa tâm linh. Người ta tin rằng mỗi giếng nước đều có một vị thần bảo hộ. Giếng cổ nơi đây biểu thị nét văn hóa đặc trưng mà hiếm nơi nào còn lưu giữ được. Trải qua bề dày của thời gian cùng với những biến đổi không ngừng về mặt lịch sử, địa lý, giếng cổ vẫn song hành cùng Hội An. Mạch nước ngọt từ lòng giếng vẫn cứ tiếp nối từ đời này sang đời khác nuôi dưỡng tâm hồn người phố Hội.

                
Người dân lấy nước từ giếng Bá Lễ.

Về Hội An, trong vô vàn cái thú loanh quanh tìm xưa, không thể không tìm về giếng cổ. Ở đó, ta như nghe được tiếng thì thầm của người xưa, nghe cả tiếng trăng chạm vào đáy giếng, tiếng cười đùa của Chiêm nữ đội nước dưới đêm khuya. Nhìn vào lòng giếng, cái màu gạch ngàn năm rêu phủ ấy nó khắc khoải trong lòng ta nỗi buồn vời vợi về một miền cổ tích.

Kể cũng lạ thật, ở thành phố mà ngóc ngách nào cũng có Tây với những phương tiện phục vụ hiện đại, ấy vậy mà bên những giếng cổ lúc nào cũng nhộn nhịp người với gàu, thùng đến múc nước. Người Hội An cho rằng nước giếng cổ là một phần không thể tách rời trong đời sống của họ. Cái đặc biệt của giếng cổ là mạch nước không bao giờ cạn dù thời tiết có khô hạn đến mấy, nước giếng cổ Hội An trong và ngọt không nơi nào có được. Người Hội An dùng nước giếng cổ để pha trà, nấu ăn, nhất là những món đặc sản như: Cao Lầu, mì quảng, xí mà. Họ bảo: “Nấu Cao Lầu mà không dùng nước giếng Bá Lễ là vô vị, vô duyên”.  Giếng Bá Lễ, một trong những giếng lâu đời nhất ở Hội An do người Chăm đào vào khoảng thế kỷ thứ VIII – IX. Giếng xây bằng gạch không có vôi vữa kết dính, dưới chân là khung gỗ lim rộng bản. Người Hội An vẫn còn tin rằng, nước giếng Bá Lễ chỉ dùng để pha trà, nấu ăn, không thể dùng nước giếng để tắm gội, giặt giũ, vì như thế là phí phạm và  làm ô nhiễm sự trong lành của nguồn nước. Nhu cầu sử dụng nước giếng Bá Lễ là rất lớn và tồn tại từ  lâu, nên chỉ ở đây, nghề gánh nước thuê cũng có một bề dày đáng nể. Trường hợp cặp vợ chồng già trên 70 tuổi Nguyễn Đường và Nguyễn Thị Mỹ đã được báo chí trong và ngoài nước đưa tin với “thành tích” trên 50 năm gánh nước thuê tại giếng Bá Lễ là một minh chứng. Theo nếp văn hóa của Hội An, du khách nước ngoài đến đây đều mong được uống ngụm nước giếng Bá Lễ để nghe hương vị thế nào. Hội An hiện còn tồn tại trên 80 giếng cổ, phân bổ trập trung ở bờ Bắc sông Đế Võng thuộc Cẩm Thanh, phường Thanh Hà, số khác nằm rải rác. Giếng cổ thường nằm ngay giữa kiệt hoặc bên những bờ tường rêu phong cổ kính. Mỗi giếng đều có bàn thờ thần, rằm, mồng một người Hội An nhang khói rất cẩn trọng. Giếng có cấu trúc hình vuông, hoặc tròn hoặc trên tròn dưới vuông, được xây bằng đá hay gạch hình vành khăn, dưới có 4 thanh đà bằng gỗ lim bảo vệ giếng khỏi bị sạt lở. Giếng có độ sâu chừng 8 m, được bố trí cách nhau từ 50 - 100 m, cũng có giếng chỉ cách nhau 6 - 10 m. Nổi tiếng trong những giếng cổ Hội An có giếng Bá Lễ, giếng Mái trước chợ Hội An, giếng Đá ở Trà Quế.

Giếng cổ Hội An là một di sản văn hóa vật thể có giá trị rất lớn về mặt nghiên cứu. Nó minh chứng về trình độ chọn đất và sự am hiểu về phong thủy rất cao của người xưa.

Hãy về Hội An mà nghe giếng cổ.

 NGÔ VĂN TUẤN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giếng cổ  Hội An